Mở đường vào bản

Những ngày này, có dịp trở lại vùng cao xứ Thanh mới cảm nhận hết được sự thay da đổi thịt trên từng bản làng. Sự đổi thay ấy được minh chứng qua những kết quả đạt được, mà nổi bật là những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp; những tuyến đường huyết mạch nối liền bản người Mông nằm trên 'lưng chừng núi' được cứng hóa đến từng cổng ngõ các hộ dân... Mở đường, được xem là điều kiện tiên quyết để đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Đường lên 3 bản đồng bào Mông: Ché Lầu, xã Na Mèo; Mùa Xuân, Xía Nọi, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) đang được đầu tư xây dựng.

Đường lên 3 bản đồng bào Mông: Ché Lầu, xã Na Mèo; Mùa Xuân, Xía Nọi, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) đang được đầu tư xây dựng.

Tôi còn nhớ những khuôn mặt hồ hởi, phấn khởi của bà con Nhân dân bản Cơm, xã Pù Nhi (Mường Lát) trong ngày dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ bản Cơm ra tỉnh lộ 520, do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Quân khu 4) làm chủ đầu tư có chiều dài gần 4km hoàn thành, đưa vào sử dụng. Khi ấy, ông Hơ Nhia Xúa không giấu được xúc động cho biết: "Trước kia, muốn vào bản Cơm thì vô cùng vất vả, bởi đường khó đi, nắng thì bụi bặm, mưa thì trơn trượt. Người dân bản ta hay gọi là “con đường đau khổ”. Giờ đây có đường mới thì đời sống của bà con trong bản cũng dần được đổi thay, nâng cao hơn trước... Củ sắn, hạt ngô giờ đây thương lái đã vào tận nhà thu mua; người già đi khám bệnh, trẻ nhỏ đi học cũng thuận lợi hơn rất nhiều...”.

Không chỉ bản Cơm, xã Pù Nhi, mà ở huyện Mường Lát giờ đây 100% các xã, thị trấn có đường ô tô vào đến trung tâm xã; còn đường giao thông nội bản được cứng hóa đến từng cổng nhà dân. Có được kết quả trên là trong những năm qua, huyện Mường Lát đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, dành nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Nhờ có giao thông thuận lợi nên đời sống của bà con cũng không ngừng nâng lên.

Theo báo cáo của UBND huyện Mường Lát, đối với các bản có đồng bào Mông sinh sống, huyện đã ưu tiên dành nguồn vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ làm đường giao thông từ bản Pá Quăn đi bản Tà Cóm, xã Trung Lý, trong đó đi qua các bản người Mông Cá Giáng, Cánh Cộng, Pá Búa, Tà Cóm (xã Trung Lý). Nâng cấp, cải tạo đường giao thông từ đường Tây Thanh Hóa đi bản Ún - Sài Khao (xã Mường Lý). Nâng cấp, cải tạo đường giao thông từ trung tâm bản Suối Lóng, xã Tam Chung đi bản Sài Khao, xã Mường Lý (đoạn nối tiếp với đường bản Ún đi Sài Khao). Nâng cấp, cải tạo đường Xa Lao - bản Tung, xã Trung Lý. Cùng với đó, từ nguồn vốn do tỉnh quản lý thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, huyện Mường Lát nâng cấp tuyến đường giao thông từ bản Nà Ón đi bản Cò Cài, xã Trung Lý; nâng cấp tuyến đường thị trấn Mường Lát - Đồn Biên phòng Tam Chung - mốc G3, huyện Mường Lát (giai đoạn II) do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm chủ đầu tư... Bên cạnh đó, từ ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách huyện (từ nguồn sự nghiệp kinh tế; nguồn kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ ngân sách Trung ương bổ sung trong dự toán ngân sách tỉnh hàng năm), huyện Mường Lát nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông đi bản Cha Lan, xã Mường Lý...

Trước đây, đường lên 3 bản Mông Ché Lầu, xã Na Mèo; Mùa Xuân, Xía Nọi, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) còn nhiều vất vả, khó khăn. Ước mơ bao đời của bà con người Mông có con đường bê tông để thay cho đường đất, đường mòn giờ đã trở thành hiện thực. Bởi được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bằng những nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, huyện Quan Sơn đã đầu tư làm đường giao thông đi các bản Mùa Xuân, Xía Nọi (Sơn Thủy), với chiều dài 1,3km theo Chương trình 30a; Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư xây dựng đoạn đường Ché Lầu - Mùa Xuân với chiều dài 800m và đoạn Mùa Xuân - Ché Lầu với chiều dài 600m. Từ khi có đường giao thông thuận lợi, đời sống của đồng bào Mông đã được cải thiện đáng kể. Anh Thao Văn Lâu, trưởng bản Ché Lầu, xã Na Mèo, cho biết: Trước đây, khi chưa có đường, đời sống bà con dân bản gặp rất nhiều khó khăn. Hàng hóa sản xuất ra chủ yếu tự cung, tự cấp nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám; con em thì bỏ học giữa chừng, người dân đau ốm thì không được chữa trị kịp thời... Sau khi có đường mới, địa phương đã triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để tăng thu nhập, đây cũng là động lực để bà con dân bản vươn lên thoát nghèo, xây dựng bản làng ngày càng no ấm...

Theo thông tin từ huyện Quan Sơn, bằng các nguồn vốn khác nhau, từ năm 2020, huyện đã đầu tư làm đường giao thông đi các bản Mùa Xuân, Xía Nọi (Sơn Thủy) chiều dài 1,3km; đường từ bản Son đi Ché Lầu (Na Mèo) thuộc Chương trình 30a với chiều dài 5,138km. Và đến ngày 13/7/2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 301/NQ-HĐND về phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, huyện Quan Sơn được phân bổ nguồn vốn làm đường giao thông liên xã từ bản Ché Lầu (Na Mèo) đi bản Mùa Xuân (Sơn Thủy).

Có thể khẳng định rằng, những quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào sẽ là động lực giúp bà con dân bản mở ra hướng thoát nghèo, cũng là động lực để thúc đẩy kinh tế- xã hội các địa phương khu vực miền núi phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Xuân Minh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mo-duong-vao-ban-31029.htm