Lực lượng vũ trang tỉnh: Tiếp nối truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn'

Tiếp nối truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn', cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã đóng góp sức người, sức của giúp đỡ, tri ân các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa.

Tri ân bằng những việc làm thiết thực

Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến thăm bà Phí Thị Biện (SN 1938), vợ liệt sĩ Lê Đình Thiệp, thôn Đông Phú, xã Xuân Phú (Yên Dũng). Trong căn nhà tình nghĩa mới khánh thành, bà Biện nhớ lại, ngày đó, ông bà cùng quê, cùng trang lứa nên thường xuyên tới nhà chơi. Thấy bà hiền lành, nết na nên ông Thiệp đem lòng thương mến. Năm 1956, đám cưới của ông bà được tổ chức.

 Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Yên Dũng thực hiện công tác dân vận giúp đỡ bà Phí Thị Biện trồng, chăm sóc vườn cây.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Yên Dũng thực hiện công tác dân vận giúp đỡ bà Phí Thị Biện trồng, chăm sóc vườn cây.

Ông Thiệp từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1959, ông xung phong tái ngũ, vào chiến trường miền Trung. Dù trong thâm tâm không muốn xa người chồng thân yêu, nhưng vì Tổ quốc đang cần, bà đành nuốt nước mắt để chồng yên tâm lên đường làm nhiệm vụ. Một ngày cuối thu năm 1966, xóm nhỏ Đông Phú bao trùm bởi nỗi đau mất mát khi nhận được tin ông Lê Đình Thiệp hy sinh tại chiến trường Quảng Nam. Nén đau thương, bà Biện vượt qua mọi khó khăn, tần tảo nuôi nấng, chăm sóc hai con trưởng thành.

Thời gian qua, bà Biện vẫn ở trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp. Ban CHQS huyện Yên Dũng báo cáo Bộ CHQS tỉnh đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 1 trích 80 triệu đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hỗ trợ gia đình làm nhà. Với số tiền được hỗ trợ, cùng sự ủng hộ hàng trăm ngày công của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh, huyện Yên Dũng và người thân, công trình nhà tình nghĩa rộng 120 m2 hoàn thành vào đầu tháng 7/2023. Trong ngôi nhà mới, bà Biện xúc động chọn vị trí trang trọng nhất đặt ban thờ cùng di ảnh người chồng đã hy sinh vì Tổ quốc.

Nhân dịp trao nhà tình nghĩa, Bộ CHQS tỉnh còn phối hợp với Ban CHQS huyện Yên Dũng tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho 150 đối tượng chính sách, người có công tại xã Xuân Phú.

Không chỉ bà Biện, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã đóng góp hàng nghìn ngày công, hàng trăm triệu đồng để xây nhà tình nghĩa cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nổi bật như các ông, bà: Phạm Văn Phần, con trai liệt sĩ Phạm Văn Tráng, thôn Sòi, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang); Nguyễn Thế Sang, bệnh binh 61% ở thôn Đồng Minh, xã Hoàng Thanh (Hiệp Hòa); Tạ Thị Xanh, con gái liệt sĩ Chu Văn Đắc, thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng)…

Chi trả chế độ kịp thời, đúng đối tượng

Cùng với xây nhà tình nghĩa, việc xét duyệt hồ sơ, tiếp nhận chi trả chế độ chính sách được thực hiện trên tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm cao. Đến nay, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương xét duyệt, thẩm định ở các cấp và tiếp nhận kinh phí, tổ chức chi trả chế độ cho hơn 160 nghìn đối tượng với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng.

Ban Chính sách Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương xét duyệt, thẩm định hàng nghìn hồ sơ đề nghị chứng nhận thương binh. Từ năm 2018 đến nay, đã tổ chức 15 đợt chi trả cho gần 400 trường hợp thương binh, số tiền trợ cấp gần 40 tỷ đồng. Các bước được tiến hành kịp thời, công khai, chặt chẽ, chính xác.

Tiêu biểu như từ năm 2022 đến nay, Ban CHQS huyện Lạng Giang đã hướng dẫn làm hồ sơ cho 32 trường hợp được công nhận thương binh và truy lĩnh số tiền hơn 5,5 tỷ đồng. Ông Hoàng Quốc Đức (SN 1952), ở thôn Ngành Bễn, xã Yên Mỹ, sau 6 tháng thực hiện các thủ tục, hồ sơ đã được công nhận thương binh với tỷ lệ thương tật 30% và được truy lĩnh 150 triệu đồng.

Ông Đức chia sẻ: “Trong thời gian chiến đấu bên nước bạn Lào (từ năm 1970 đến 1974), tôi hai lần bị trúng mảnh lựu đạn vào đầu và sườn phải. Sau khi được điều trị, tôi tiếp tục tham gia chiến đấu và công tác trong quân đội đến năm 1991 về nghỉ hưu. Thời gian trước, do thất lạc giấy tờ nên tôi không đi làm chứng nhận thương binh. Vừa qua, được sự động viên của đồng đội và gia đình, tôi đã trở lại đơn vị cũ xin cấp lại giấy tờ, được cơ quan quân sự địa phương hướng dẫn, tích cực phối hợp cùng các cấp, ngành chức năng tổ chức xét duyệt, thẩm định, hoàn thiện hồ sơ nên tôi đã được giải quyết chế độ”.

Bên cạnh xây nhà tình nghĩa, xét duyệt hồ sơ, tiếp nhận chi trả chế độ chính sách, các đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh còn tổ chức các hoạt động dân vận khám, cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ thu hoạch mùa màng, chăm sóc vườn cây… cho các gia đình chính sách, người có công.

Đặc biệt, vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS các huyện, TP đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà, chuyển quà của cấp trên cho các thương binh, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn, Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở nước ngoài, biên giới, hải đảo. Qua những việc làm cụ thể, thiết thực đó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã thiết thực tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc.

Bài, ảnh: Trung Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/quoc-phong/408605/luc-luong-vu-trang-tinh-tiep-noi-truyen-thong-uong-nuoc-nho-nguon-.html