Lục bình xâm lấn và thiết bị trục vớt 'made in Long An'

Tại Long An cây lục bình đang tràn ngập kênh rạch, gây tắc nghẽn giao thông thủy, ô nhiễm môi trường và thiếu nước sinh hoạt. Việc xử lý lục bình khiến địa phương này phải tiêu tốn hàng tỷ đồng mỗi năm để tiến hành trục vớt, xử lý thủ công, khai thông dòng chảy.

Vớt lục bình, bài ca muôn thuở

Theo phản ánh của người dân, lục bình xâm lấn làm tắc nghẽn dòng chảy xảy ra ở nhiều đoạn sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Long An, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động giao thông đường thủy, đồng thời gây ô nhiễm môi trường và thiếu nước sinh hoạt.

Lục bình xâm lấn kênh rạch đang là bài toán khó giải ở Long An (Ảnh Quang Anh)

Lục bình xâm lấn kênh rạch đang là bài toán khó giải ở Long An (Ảnh Quang Anh)

Những địa phương tại Long An đang bị ảnh hưởng nhiều bởi tình trạng này có TP. Tân An, các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, ngoài ra còn có các huyện biên giới thuộc khu vực Đồng Tháp Mười.

Trao đổi về vấn đề này, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết: dù có triển khai nhiều phương án nhưng việc xử lý lục bình gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đó, Long An có nhiều kênh rạch và tiếp giáp với nhiều địa phương khác như: Đồng Tháp, Tiền Giang,… nếu xử lý đơn độc hoặc các địa phương trong tỉnh không ra quân đồng loạt thì khó có thể có kết quả rõ ràng.

"Việc chỉ đạo và thực hiện tỉnh Long An làm nhiều, nhưng chỉ là giải pháp tạm thời chứ ngăn triệt để thì rất khó. Trừ khi mình đóng tất cả cống, đập hết, nước đứng một chỗ thì may ra mới xử lý triệt để được tình trạng lục bình xâm lấn", bà Khanh cho hay.

Máy vớt lục bình: Made in Long An

Được biết, mỗi năm, tỉnh Long An tốn khoảng 2 tỷ đồng để khơi thông tạm thời dòng chảy. Nhưng từ năm 2018 trở lại đây, UBND tỉnh này chỉ đạo các huyện trực thuộc tự cân đối nguồn kinh phí dự phòng và kinh phí sự nghiệp môi trường được cấp hàng năm để trục vớt, xử lý lục bình trên sông, kênh rạch. Do nguồn ngân sách hạn hẹp, chưa có sự phối hợp đồng loạt nên việc triển khai có thời điểm cũng chưa mang lại hiệu quả tích cực.

Trong lúc chờ thiết bị, các địa phương tại Long An vẫn phải tìm cách xử lý tạm thời tình trạng lục bình xâm lấn (Ảnh Quang Anh)

Trong lúc chờ thiết bị, các địa phương tại Long An vẫn phải tìm cách xử lý tạm thời tình trạng lục bình xâm lấn (Ảnh Quang Anh)

Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cũng đặt hàng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu chế tạo máy vớt lục bình. Chiếc máy đầu tiên được thử nghiệm từ năm 2015 - 2017, nhưng đến tháng 4/2017 gặp trục trặc về kỹ thuật, chưa phù hợp với điều kiện thực tế nên phải thanh lý hợp đồng.

"Việc nghiên cứu máy vớt cắt lục bình, lúc đầu thử nghiệm đưa xuống sông thấy có vẻ êm đềm, nhưng mà khi chạy thì vớt lên dưới sông không chỉ có lục bình... Nào rác, cây gỗ, có những gốc bần rất to nên việc giải quyết các vấn đề cơ khí cũng không phải dễ. Cả nước có đến 8 nghiên cứu khoa học máy vớt lục bình đã thất bại nhưng tại sao chúng ta phải đeo đuổi? Tại vì ngay chính thất bại này cũng có ý nghĩa nhất định của nó, những người sau có thể tránh được, tìm hướng đi mới", ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An, cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Hải, tỉnh Long An đã khẩn trương thực hiện thay thế đề tài cấp Bộ về ứng dụng phương tiện cơ giới vào việc trục vớt, xử lý lục bình. Thiết bị này đến nay cơ bản hoàn thiện và chạy thử lần 2, dự kiến tiến hành nghiệm thu vào tháng 9/2024. Qua đánh giá, thành công của thiết bị này rất cao, khả năng sẽ được nghiệm thu và thương mại hóa. Đây cũng là cơ hội để Long An phát triển cơ giới và cung cấp thiết bị cho các địa phương có nhu cầu trong thời gian tới.

Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/luc-binh-xam-lan-va-thiet-bi-truc-vot-made-in-long-an-post1095554.vov