Lớp chuyên trong trường thường: Bản sắc riêng

Lớp chuyên trong trường thường nhìn từ thực tế lịch sử đã đạt được những thành quả đáng tự hào; góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước...

Học sinh TPHCM tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chuyên năm học 2023 - 2024. Ảnh: Minh Anh

Học sinh TPHCM tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chuyên năm học 2023 - 2024. Ảnh: Minh Anh

Lịch sử để lại

Theo ông Kiều Văn Minh - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Hà Nội, do lịch sử để lại, Hà Nội có 2 trường THPT không phải là trường chuyên nhưng đang đào tạo hệ chuyên là THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) và THPT Sơn Tây (thị xã Sơn Tây). Đây là những trường có chất lượng giáo dục mũi nhọn dẫn đầu thành phố.

Trường THPT Chu Văn An (Trường Bưởi) thành lập từ năm 1908, được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi đào tạo nhiều lãnh đạo, nhà khoa học nổi tiếng. Tính đến trước năm 1986 (khi Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam ra đời), Chu Văn An là trường có lớp chuyên Toán duy nhất thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội.

Năm 1995, Trường THPT Chu Văn An là một trong ba trường được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định xây dựng thành trường THPT chất lượng cao, tiêu biểu cả nước (Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 17/2/1995).

Từ năm 2010, trường được phép mở rộng mô hình đào tạo với 10 môn chuyên. Ngoài 10 lớp chuyên, nhà trường còn có lớp phổ thông, song ngữ tiếng Pháp và song bằng quốc tế.

Với thành tích giáo dục nổi bật, trường luôn nằm trong tốp 40 trường có tỷ lệ đỗ đại học cao nhất cả nước và đứng trong tốp 10 trường có chất lượng giáo dục tốt nhất Thủ đô. Học sinh Trường THPT Chu Văn An đã đoạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi thành phố, quốc gia và quốc tế.

Tương tự, Trường THPT Sơn Tây, tiền thân là Trường cấp 3 Sơn Tây được thành lập năm 1959. Đây là ngôi trường phổ thông cấp 3 đầu tiên của tỉnh Sơn Tây (năm 1965 tỉnh Sơn Tây sáp nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây, năm 2008 sáp nhập vào Hà Nội).

Năm học đầu tiên trường được biên chế 6 lớp với hơn 200 học sinh và 16 giáo viên; sau đó trường đổi tên thành Trường Trung học chuyên ban Sơn Tây, Trường THPT Sơn Tây. Từ năm học 1992 – 1993, Trường THPT Sơn Tây được UBND tỉnh Hà Tây cho phép thí điểm mở hệ chuyên gồm 4 lớp chuyên: Toán, Ngữ văn, Tin học, Tiếng Anh trong 5 năm.

Năm học 2004 - 2005, Trường THPT Sơn Tây được tỉnh Hà Tây cho phép mở lại 3 lớp chuyên Toán, Ngữ văn, Vật lý; các năm học tiếp theo mỗi năm được mở thêm một số lớp chuyên. Từ năm học 2008 – 2009, hệ chuyên của trường có 9 môn chuyên: Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh.

Sau gần 20 năm tái thành lập các lớp chuyên trong Trường THPT Sơn Tây, chất lượng lớp chuyên ngày càng nâng cao và đóng góp lớn vào sự phát triển chất lượng giáo dục của nhà trường và thành phố.

Học sinh Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Vân Anh

Học sinh Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Vân Anh

Tạo thuận lợi cho học sinh

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Để theo học khối chuyên tại thành phố, học sinh có 3 lựa chọn là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường Phổ thông Năng khiếu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM. Các trường này nằm ở trung tâm thành phố.

Do đó, học sinh các huyện ngoại thành muốn thi vào trường chuyên sẽ gặp khó khăn vì quãng đường di chuyển khá xa. Vì vậy để tạo điều kiện cho học sinh có nguyện vọng vào chuyên, Sở GD&ĐT TPHCM đã chọn một số trường có quá trình giảng dạy chất lượng và đủ điều kiện về cơ sở vật chất để mở lớp chuyên.

Các trường được mở lớp chuyên gồm: THPT Củ Chi, THPT Trung Phú (huyện Củ Chi), THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn), THPT Nguyên Hữu Huân (TP Thủ Đức), THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) và THPT Mạc Đĩnh Chi (Quận 6).

Dù điều kiện đi lại dễ dàng hơn nhưng học sinh khá giỏi có xu hướng vào học các trường nội thành nên việc tuyển sinh vào lớp chuyên các trường: THPT Củ Chi, THPT Nguyễn Hữu Cầu, THPT Trung Phú gặp khó khăn, điểm đầu vào không cao, số lượng tuyển không đủ. Do đó khoảng 8 năm trước, Sở GD&ĐT TPHCM dừng tuyển lớp chuyên ở 3 trường này.

Nhiều năm qua, các trường THPT luôn nỗ lực xây dựng bản sắc riêng: Không ngừng chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ, chất lượng giảng dạy đồng thời tạo môi trường để học sinh học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện các kỹ năng đáp ứng với yêu cầu mới và tạo thế mạnh riêng cho học sinh. Vì vậy, ngoài các trường chuyên thì những ngôi trường có lớp chuyên sẽ là lựa chọn hàng đầu của phụ huynh định hướng cho con em tốt nghiệp THCS.

Học sinh Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội trong giờ sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: Vân Anh

Học sinh Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội trong giờ sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: Vân Anh

Nâng cao chất lượng giáo dục

Tương tự như các trường phổ thông chuyên của Hà Nội, bên cạnh học tập, Trường THPT Chu Văn An cũng khuyến khích học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa, rèn luyện sức khỏe và tăng cường các kỹ năng mềm. Đến với Trường THPT Chu Văn An, học sinh có cơ hội tham gia hàng loạt câu lạc bộ cũng như chương trình ngoại khóa đầy hấp dẫn.

Với bề dày thành tích dạy và học, trường là cái nôi của nhiều nhà lãnh đạo, nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng. Có thể kể tới như: Nhà Vật lý Ngụy Như Kon Tum, nhà khoa học Dương Quảng Hàm, nhà Toán học Tạ Quang Bửu, nhà Sử học Dương Trung Quốc, Giáo sư Toán học Hoàng Xuân Sính...

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết: Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang đó, năm học 2023 - 2024, thầy và trò Trường THPT Chu Văn An đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ giáo dục và đạt nhiều thành tích nổi bật.

Tỷ lệ học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi trở lên là 99,1%; đạt 617 giải thi Olympic cụm Ba Đình - Tây Hồ; 291 giải học sinh giỏi cấp thành phố; 29 giải quốc gia. Đặc biệt trong năm 2024, lần đầu tiên trường có học sinh lọt vào đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế là em Đặng Tuấn Anh.

Ngoài ra, trường có 2 đề tài đạt giải trong nghiên cứu khoa học cấp thành phố và 1 đề tài đạt giải Ba trong nghiên cứu khoa học cấp quốc gia; 24 sáng kiến kinh nghiệm được hội đồng khoa học ngành đánh giá, xếp loại. Đảng bộ trường tổ chức kết nạp Đảng cho 4 quần chúng ưu tú là học sinh lớp 12, cử 9 học sinh ưu tú tham gia các lớp bồi dưỡng, nhận thức về Đảng.

Còn theo chia sẻ của cô Phạm Thị Huyền - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Sơn Tây: Năm học 2023 - 2024, đội tuyển học sinh giỏi thành phố giành 5 giải Nhất, 37 Nhì, 36 giải Ba, 56 giải khuyến khích. Thi học sinh giỏi quốc gia có 6 học sinh đoạt giải. Thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố đoạt 2 giải Nhì.

Thực hiện nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi của thành phố, nhà trường đã triển khai các biện pháp để nâng cao chất lượng đội tuyển. Nhiều giáo viên lãnh đội chủ động liên hệ hoặc mời thỉnh giảng từ các trường chuyên khác, trường đại học về giảng dạy cho nhóm học sinh tiềm năng.

Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối ưu phục vụ hoạt động giảng dạy, nhà trường khuyến khích các đội tuyển thực hiện công tác xã hội hóa - đây là vấn đề mới mà trước đây chưa được thực hiện đồng bộ, nhưng đến nay, hầu hết đội tuyển đã đồng thuận xã hội hóa để đi đến mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng.

Giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy, chủ động trong công tác tự học và tham gia lớp đào tạo bồi dưỡng... nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của lớp chuyên và đào tạo đội tuyển đạt chất lượng cao qua các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.

Nằm ở cửa ngõ phía Đông TPHCM, Trường THPT Gia Định trải qua nhiều thay đổi về tên gọi, nhưng điểm chung là sự nỗ lực không ngừng để đem lại chất lượng giáo dục tốt cho người dân trong khu vực. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Khánh Vân, Trường THPT Gia Định trở thành học hiệu uy tín và là ngôi trường mơ ước của nhiều học sinh khu vực Bình Thạnh và vùng phụ cận. Đó cũng là thành quả của việc phát triển nhà trường có chiến lược trong từng giai đoạn.

Học sinh nhà trường vinh dự được góp mặt ở nhiều kỳ thi học sinh giỏi của TPHCM, khu vực miền Nam và quốc gia. Các thành viên ưu tú của Trường THPT Gia Định đã nỗ lực không ngừng và chinh phục những mục tiêu đặt ra, từ đó tạo niềm tự hào cho bản thân, gia đình và ngôi trường mà các em đang theo học.

Theo nguyên hiệu trưởng một trường THPT có lớp chuyên tại TPHCM chia sẻ, mô hình lớp chuyên trong trường thường ngay những năm đầu triển khai đã tạo ra sự bứt phá. Bằng chứng, từ một trường THPT thường, khi có lớp chuyên chất lượng giáo dục đã chuyển biến mạnh mẽ, giúp trường vươn lên vị trí tốp 5 trường THPT chất lượng nhất TPHCM.

Có nhiều lý do để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, giúp nhà trường thu hút được học sinh giỏi trong tuyển sinh, song điều quan trọng việc giảng dạy lớp chuyên trong trường THPT thường đó là phải tạo ra sự khác biệt đối với lớp thường.

Sự khác biệt ở đây không phải là “chăm chăm luyện gà” giúp học sinh học thật giỏi môn chuyên mà chính là giúp những em đam mê với môn học này có định hướng nghề nghiệp gắn với môn học; tạo cho học trò môi trường và những cơ hội, trải nghiệm gắn với môn học.

Như nhận định của nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Ngai: “Trong những năm qua, các trường thường có lớp chuyên đã làm tròn trách nhiệm của mình, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước; nhận được sự tin tưởng của phụ huynh”.

Đối với các tỉnh thành khác, hầu như những kỳ thi quốc gia, quốc tế tập trung phần lớn ở trường chuyên. Tuy nhiên ở TPHCM còn có thí sinh ở trường THPT có lớp chuyên và các trường phổ thông khác tham gia đội tuyển. Rõ ràng năng lực được đầu tư trong môi trường chuyên tốt hơn và thành tích của thành phố cũng cần ghi nhận kết quả từ những môi trường này. - Ông Hồ Tấn Minh (Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM)

Lan Anh - Minh Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lop-chuyen-trong-truong-thuong-ban-sac-rieng-post682826.html