Lo ngại lớn khi Nga, NATO đồng loạt tập trận có vũ khí hạt nhân

NATO vừa khai mạc tập trận quy mô lớn có vũ khí hạt nhân, còn cuộc tập trận của Nga được dự báo sẽ diễn ra ngay sau đó.

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến ác liệt, Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần đây liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận quân sự. Đáng chú ý, cả hai cuộc tập trận đều được cho là mang yếu tố hạt nhân, làm gia tăng rủi ro gia tăng căng thẳng trong khu vực.

14 thành viên NATO tham gia tập trận

Hãng tin Reuters cho biết cuộc tập trận của NATO, mang tên Steadfast Noon, đã khai mạc vào ngày 17-10 (giờ địa phương). Sự kiện sẽ diễn ra tại một số khu vực ở Bỉ, Anh, Biển Bắc và sẽ kéo dài đến ngày 30-10.

Điện Kremlin ngày 17-10 ra thông báo tiếp tục khẳng định bốn tỉnh mới sáp nhập vào Nga từ Ukraine (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia) đều sẽ được Moscow bảo vệ bằng vũ khí hạt nhân.

Lực lượng tham gia đến từ 14 quốc gia thành viên NATO bao gồm các binh sĩ, cơ giới quân sự trên bộ và 60 máy bay các loại. Các máy bay này bao gồm chiến đấu cơ hiện đại, máy bay do thám, máy bay tiếp dầu… Máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân B-52 của Mỹ cũng sẽ được điều đến tham gia từ căn cứ không quân Minot ở bang North Dakota tiếp giáp Canada.

Thông báo của NATO về tập trận Steadfast Noon nêu rõ đây là một hoạt động thường niên và không liên quan bất kỳ sự kiện nào đang diễn ra trên thế giới. Các lực lượng tham gia sẽ diễn tập các hoạt động liên quan tới “răn đe hạt nhân” để đảm bảo năng lực này của NATO vẫn an toàn và hiệu quả.

Tổ chức Liên minh chống vũ khí hạt nhân (Bỉ) hồi tuần trước đã ra thông báo đề nghị NATO hủy bỏ cuộc tập trận trên và các cuộc tập trận khác trong thời gian tới, cho rằng việc tiến hành các hoạt động quân sự lúc này là “vô trách nhiệm” bởi mâu thuẫn với Nga đang tăng cao.

Bình luận về vấn đề này, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby trong cuộc họp báo ngày 17-10 khẳng định Steadfast Noon đã được lên kế hoạch từ trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2. Hơn nữa, các địa điểm sẽ ra diễn tập đều cách biên giới với Nga hơn 1.000 km, nên khó có thể làm gia tăng căng thẳng vốn có.

Khi được hỏi liệu các thành viên NATO đã thảo luận về khả năng cuộc tập trận Steadfast Noon sẽ gây ra một tính toán sai lầm trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga hay không, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định chính việc hủy tập trận lúc này mới phát đi “tín hiệu sai lầm”.

Các máy bay quân sự trong cuộc diễn tập Steadfast Noon của NATO ngày 17-10. Ảnh: AFP

Các máy bay quân sự trong cuộc diễn tập Steadfast Noon của NATO ngày 17-10. Ảnh: AFP

“Chúng ta cần hiểu rằng sự chắc chắn, có thể dự đoán trước trong các hoạt động của NATO là cách tốt nhất để ngăn chặn căng thẳng leo thang. Chúng tôi đang hành động để bảo đảm hòa bình và ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các nước đồng minh NATO. Nếu bây giờ chúng tôi tạo cơ sở cho bất kỳ sự hiểu lầm, tính toán sai lầm nào ở Moscow về thái độ sẵn sàng bảo vệ đồng minh, thì lúc đó nguy cơ mới leo thang” - ông Stoltenberg nói.

Nga cũng đang chuẩn bị tập trận hạt nhân

Theo đài CNN, cuộc tập trận Steadfast Noon có khả năng diễn ra đồng thời với một cuộc tập trận của Nga mang tên Grom, vốn cũng nhằm thực hành triển khai các lực lượng hạt nhân chiến lược. Nga thường tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân lớn vào khoảng thời gian này trong năm. Do đó, một số quan chức Mỹ và phương Tây dự báo cuộc tập trận Grom có thể bắt đầu trong vài ngày tới.

Hai cuộc tập trận hạt nhân diễn ra cùng thời điểm được đánh giá rất nguy hiểm bởi nó làm tăng nguy cơ về các mối đe dọa hạt nhân và có thể khiến hai bên kẹt sâu trong tình trạng leo thang hạt nhân.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Kirby cho biết tập trận Grom của Nga có thể sẽ bao gồm các cuộc diễn tập quy mô lớn của các lực lượng hạt nhân chiến lược, bao gồm các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo. Dù vậy, theo Hiệp ước START mới, Nga có nghĩa vụ phải thông báo trước khi phóng những tên lửa như vậy. Các quan chức Mỹ nói rằng Washington đến nay vẫn chưa nhận được thông báo nào từ phía Moscow.

Mọi chỉ dấu mới nhất cho thấy Nga sẽ tiến hành tập trận sớm đến nay chỉ đến từ một thông báo từ Bộ Quốc phòng Belarus hôm 17-10, theo đó nước này sẽ tập trận bắn đạn thật và phóng tên lửa phòng không dẫn đường cùng với Nga, hãng tin Interfax cho hay.

“Các đơn vị quân đội của lực lượng chung với Nga có kế hoạch tham gia đợt tập trận tại bốn khu vực huấn luyện ở miền đông và miền trung, sau đó họ sẽ bắt đầu các hoạt động huấn luyện chiến đấu” - Interfax dẫn lời một quan chức quốc phòng tại thủ đô Minsk của Belarus nói thêm.

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Belarus cũng đã thông báo nước này sẽ tiếp nhận một lượng binh sĩ Nga để tạo nên một lực lượng khu vực mới, trong bối cảnh Minsk cáo buộc Ukraine đang chuẩn bị tấn công phủ đầu Belarus.

Lần Nga tập trận hạt nhân gần đây nhất là vào tháng 2, ngay trước khi xung đột với Ukraine nổ ra, trong một động thái mà các quan chức phương Tây vào thời điểm đó cho là nhằm ngăn cản mọi sự ủng hộ từ phương Tây cho chính quyền Kiev.

Một quan chức phương Tây giấu tên chia sẻ quan ngại với Reuters rằng việc hai bên cùng lúc tập trận hạt nhân là hết sức rủi ro. Đây cũng là lý do NATO gần đây tránh đưa ra những tuyên bố hay phát biểu mang tính cứng rắn về tình hình xung đột Nga - Ukraine.

Reuters cũng dẫn lời một số quan chức phương Tây khác cho biết Moscow đến nay vẫn chưa thực hiện các bước sẵn sàng để tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhưng cảnh báo về hạt nhân ở Nga gia tăng sau những cuộc phản công thành công của quân đội Ukraine trong tháng qua.

Sau khi sáp nhập thêm các vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine vào Nga, Moscow cho biết sẽ bảo vệ lãnh thổ nước Nga bằng vũ khí hạt nhân. Một quan chức cấp cao của NATO nói rằng bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Nga đều có thể gây ra “phản ứng” quân sự từ liên minh do Mỹ dẫn đầu này.•

Nga khẳng định tiếp tục chiến dịch ở Ukraine nếu NATO
tham chiến

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Rossiya-1 ngày 16-10, phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov khẳng định Moscow vẫn sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine ngay cả khi NATO đưa lực lượng vào tham gia trực tiếp.

“Thực tế, NATO lúc này đã tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine khi gửi rất nhiều viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev. Tuy nhiên, điều đó không hề ảnh hưởng đến các mục tiêu của chúng tôi. Chiến dịch quân sự sẽ tiếp tục và chúng tôi sẽ vượt qua nó. Sự can thiệp của NATO buộc chúng tôi phải huy động các công cụ kinh tế và các nguồn lực khác nhưng chúng tôi vẫn có khả năng tiếp tục chiến dịch quân sự trong tình huống này” - ông Peskov khẳng định.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/lo-ngai-lon-khi-nga-nato-dong-loat-tap-tran-co-vu-khi-hat-nhan-nga-post703866.html