Lo ngại bất ổn ở Iran sau khi Tổng thống qua đời

Một số nhà phân tích quan hệ đối ngoại cho rằng sự ra đi của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi sau vụ tai nạn máy bay sẽ khiến đất nước rơi vào bất ổn.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng gần biên giới Iran với Azerbaijan. Theo Guardian, các đội tìm kiếm và cứu hộ đã tìm thấy thi thể từ đống đổ nát và cho biết không còn ai sống sót. Chiếc máy bay Bell 212 chở ông Raisi gặp nạn khi đang di chuyển phía trên những ngọn núi phủ đầy sương mù ở phía tây bắc Iran.

Ngoại trưởng Hossein Amir-abdollahian và Thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan của Iran cùng các quan chức, vệ sĩ khác cũng được truyền thông địa phương nêu tên trong số những người thiệt mạng. Theo hãng tin Tasnim, có tổng cộng 9 người trên máy bay.

Tổng thống Iran vừa tử nạn Ebrahim Raisi. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Iran vừa tử nạn Ebrahim Raisi. (Ảnh: Getty)

Phó tổng thống Iran, Mohammad Mokhber dự kiến sẽ trở thành tổng thống lâm thời của đất nước và sẽ giúp tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong vòng 50 ngày sau khi ông Raisi qua đời.

Ông Raisi từng đứng đầu cơ quan tư pháp Iran và đắc cử Tổng thống vào tháng 6/2021, được suy đoán là lựa chọn hàng đầu để thay thế Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, 85 tuổi, sau khi ông qua đời hoặc từ chức. Các nhà phân tích đang lo ngại việc ông Raisi qua đời có thể khiến nước này và khu vực Trung Đông trải qua nhiều biến động trong thời gian tới.

Những bất ổn khó đoán tại Tehran

Joel Rubin, cựu phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Nội vụ trong chính quyền ông Obama, nói với Newsweek qua tin nhắn trước khi có tin xác nhận ông Raisi qua đời: “Khả năng Tổng thống Raisi và đoàn tùy tùng của ông có thể đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng sẽ gây ra hậu quả lớn cả ở Iran và ở nước ngoài".

Ông nói tiếp: "Đó là bởi vì ông Raisi đã được Lãnh tụ tối cao - người nắm quyền tối thượng ở Iran - lựa chọn kỹ lưỡng - không chỉ với tư cách là Tổng thống mà còn là người có khả năng thừa kế ông ấy. Việc mất ông Raisi sẽ khiến giới lãnh đạo Iran rơi vào tình trạng hỗn loạn. Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ diễn biến này và nếu ông Raisi được xác nhận đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn, những ngày tới sẽ vô cùng căng thẳng và bất ổn ở Tehran".

Trita Parsi, một cây viết từng đoạt giải thưởng tập trung vào chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở Trung Đông, đã phân tích hai thách thức trước mắt mà chế độ Iran sẽ phải đối mặt khi ông Raisi qua đời.

Thứ nhất, việc bầu cử Tổng thống mới trong 50 ngày sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoàn cảnh chế độ hiện tại "không được lòng dân" và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục trong kỳ bầu cử quốc hội vừa qua. Ông Raisi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2021 với gần 18 triệu phiếu ủng hộ trong tổng số 28,9 triệu phiếu bầu.

Ông Raisi, ngồi trái trong ảnh này, được cho là người kế nhiệm tiềm năng của Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei (ngồi bên phải). (Ảnh: AFP)

Ông Raisi, ngồi trái trong ảnh này, được cho là người kế nhiệm tiềm năng của Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei (ngồi bên phải). (Ảnh: AFP)

Parsi cho biết thách thức thứ hai sẽ là suy đoán xem liệu vụ rơi máy bay có bàn tay nào tác động hay không. Trong tình cảnh căng thẳng hiện nay bên trong Tehran và giữa Tehran với Tel Aviv, sẽ có suy đoán có thế lực tác động gây ra vụ tai nạn và liệu việc đó có liên quan gì đến người thay thế ông Raisi hay không.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), nhánh lớn nhất của lực lượng vũ trang Iran kiểm soát một phần lớn nền kinh tế đất nước, cũng có thể tận dụng biến động này để tăng cường sức mạnh của mình.

David Des Roches, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Cận Đông Nam Á của Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ và là đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, cho biết: “Không có người thừa kế rõ ràng nếu ông ấy (Raisi) ra đi. Điều thực sự đáng chú ý là xem liệu IRGC về cơ bản có hoàn thành một cuộc đảo chính từ từ hay không".

Afshon Ostovar, phó giáo sư tại Trường Sau đại học Hải quân Mỹ và là chuyên gia lâu năm về Iran, đã viết trong một bài đăng trên X (Twitter) trước khi Tổng thống qua đời: “Cái chết của Tổng thống Raisi và Bộ trưởng Ngoại giao sẽ làm rung chuyển nền chính trị Iran. Bất kể nguyên nhân là gì, nhận thức về hành vi chơi xấu sẽ tràn lan trong chế độ. Các phần tử đầy tham vọng có thể gây áp lực để giành được lợi thế, khiến các bộ phận khác của chế độ buộc phải phản ứng".

Cuối cùng, trong khi các chuyên gia cho rằng khó có khả năng một nhân vật theo chủ nghĩa tự do hóa sẽ xuất hiện trong các cuộc bầu cử tới đây ở Iran, sự ra đi của ông Raisi có thể để lại một cơ hội cho các phong trào phản kháng giới lãnh đạo bảo thủ ở nước này.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/lo-ngai-bat-on-o-iran-sau-khi-tong-thong-qua-doi-ar872175.html