Lâu đài - tiểu thuyết cuối cùng của một thiên tài lập dị

Nhà xuất bản Văn Học và Công ty Nhã Nam vừa tái bản tiểu thuyết Lâu đài của nhà văn thiên tài và lập dị Franz Kafka (1893 - 1924) - một trong những người tiên phong của chủ nghĩa hiện sinh. Đây là loại tiểu thuyết khá kén người đọc.

Lâu đài kể chuyện về K., một người đạc điền, trong một đêm khuya, dưới mưa tuyết lặn lội đến một ngôi làng có sương mù và bóng tối bao phủ, không thể nhìn thấy ngọn đồi sừng sững và một tòa lâu đài lớn, theo giấy gọi đến làm việc. Anh xin trọ ở một quán trọ nhỏ vì không thể vào lâu đài đã đóng cửa. Khi biết anh là người được mời, người ta gọi anh tới lâu đài để xác nhận thông tin, song phía lâu đài ban đầu trả lời không, sau đó cải chính... K. càng nỗ lực được vào lâu đài bao nhiêu thì càng bị xua đuổi bấy nhiêu trong trò tung hứng của thứ quyền lực hành chính mà ngài Klamm hư ảo không thấy mặt kia đại diện. Và ông chưa kịp hoàn thiện tác phẩm…

Xảy ra vỏn vẹn trong 6 ngày mà đằng đẵng như cả kiếp người, câu chuyện của K. tan hẫng, dang dở không kết thúc. Thật khó có thể nói trọn vẹn về một tác phẩm chưa hoàn thiện, khi tất cả các tình tiết đều vẫn được mở toang, câu chuyện vẫn chưa có một đoạn kết, như một ẩn dụ đa nghĩa mà nhà văn muốn để người đời tự khám phá.

Kafka là một thiên tài lập dị. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông tự tay đốt rất nhiều bản thảo. Ông di chúc để lại tác phẩm của ông, cả xuất bản lẫn chưa xuất bản, cho bạn thân là Max Brod, với những chỉ dẫn rõ ràng rằng chúng phải bị tiêu hủy sau khi ông mất. Nhờ Max Brod không nỡ ném vào lửa cùng với những di sản quý giá khác của Kafka, Lâu đài đã vĩnh viễn đặt ông lên đỉnh cao thiên tài bất tử của nền văn học thế giới.

Kafka là một trong những người tiên phong của chủ nghĩa hiện sinh (L'existentialisme) - một trào lưu triết học đầu thế kỷ XX. Hiểu một cách đơn giản thì chủ nghĩa hiện sinh cho rằng thế giới này chỉ có thể tồn tại nếu như mỗi cá nhân đều sống, đều trải nghiệm và đều tư duy. Thế giới của một người chỉ có thể tồn tại nếu anh ta tồn tại, và chính những suy nghĩ, tính cách và việc anh ta nhìn nhận thế giới ra sao làm nên tính chất thế giới của anh ta. Nối tiếp ông là những tên tuổi vĩ đại của văn học thế giới như: F. Dostoevsky, Jean-Paul Sarte…

Để cảm nhận những phi lý của kiếp người, xin hãy đồng hành với K. trong 6 ngày đằng đẵng, để cùng hụt hẫng như cách kết thúc của cuốn truyện và muốn quay trở lại từ đầu để cố hiểu Kafka muốn nói gì với ta…

THỦY NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202405/lau-dai-tieu-thuyet-cuoi-cung-cua-mot-thien-tai-lap-di-3461b93/