Lão nông hơn 50 năm miệt mài sưu tầm tư liệu về Bác

Hơn 50 năm qua, ông Phong miệt mài với việc sưu tầm tư liệu về vị 'cha già dân tộc'. Việc sưu tầm, bảo quản có nhiều khó khăn nhưng người đàn ông ấy luôn tìm cách khắc phục để có một 'gia tài' đồ sộ.

Trong căn nhà ấm cúng, ngồi đón những đợt gió đầu hè mát rượu từ dòng sông Gianh, ông Nguyễn Đình Phong (SN 1944, trú thôn Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đang tỉ mẩn lau những bức hình, mảnh báo, bài viết... về Bác Hồ mà ông sưu tầm hàng chục năm nay.

Ngôi nhà của ông Phong nằm bên bờ sông Gianh.

Ngôi nhà của ông Phong nằm bên bờ sông Gianh.

Ông Phong nổi tiếng từ lâu ở địa phương với "kho báu" tư liệu về Bác. Nhiều năm nay, một số dịp lễ, nhiều người tìm đến ông Phong với mong muốn được tìm hiểu về tư liệu này. Vậy nên những ngày cận kề sinh nhật Bác, ông Phong lại cẩn thận sắp xếp, trưng bày tranh ảnh, sách báo ra để tiện giới thiệu.

Di chứng của vết thương chiến tranh khiến đôi tai của ông Phong gần như không còn nghe thấy gì. Những câu hỏi được viết trên giấy đưa cho ông đọc sau đó ông trả lời bằng giọng chậm rãi. Bên bàn trà, ông Phong cho biết, từng làm công nhân của Tập đoàn sản xuất miền Nam (nay là Công ty CP Lệ Ninh). Đầu năm 1962, ông được cử ra Hà Nội tham gia khóa học lái máy kéo nông nghiệp. Cũng chính năm đó, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy) vinh dự được Bác Hồ tặng chiếc máy cày hiệu DT54 – đây cũng là chiếc máy cày đầu tiên của tỉnh Quảng Bình.

Di chứng vết thương chiến tranh cộng với tuổi già khiến đôi tai ông Phong gần như không nghe thấy gì.

Di chứng vết thương chiến tranh cộng với tuổi già khiến đôi tai ông Phong gần như không nghe thấy gì.

Khi hoàn thành lớp học, ông Phong là một trong những người đầu tiên được lái chiếc máy cày Bác tặng. Thực sự tự hào cộng với nhiệt huyết của tuổi trẻ và tinh thần lao động hăng say công nhân Phong đạt danh hiệu "Kiện tướng cày" nhiều năm liên tục.

Năm 1969, khi đang cày ruộng gần một trận địa pháo cao xạ, bị máy bay địch đánh trúng, máy cày lật nhào, ông bị thương, đặc biệt nặng ở 2 tai. Sau khi điều trị, ông nghỉ mất sức lao động và về quê sinh sống.

Sau khi ông Phong bị nạn không lâu thì nhân dân ta nhận tin Bác Hồ mất. Biết được tin này qua thông tin trên báo, đau xót trước sự ra đi của vị "cha già dân tộc", ông Phong mong muốn làm điều gì đó để cảm nhận việc Bác còn sống mãi cùng non sông. Vậy là ông bắt đầu hành trình sưu tầm nhiều sách, báo, tư liệu có nội dung nói về Bác và hình ảnh của Người.

Hơn 50 năm người đàn ông này miệt mài sưu tầm tư liệu về Bác.

Hơn 50 năm người đàn ông này miệt mài sưu tầm tư liệu về Bác.

"Hồi đó chưa có TV như bây giờ, để có được thông tin gì cần phải kiên trì tìm đọc sách báo. Trong lúc đọc, thấy có những hình ảnh về Bác rất đáng quý, tôi liền giữ lại để kể cho con cháu, mọi người trong làng biết. Cũng từ đó đến nay việc sưu tầm này dần được tôi xem như thói quen và trách nhiệm của mình", ông Phong tâm sự.

Ông cho biết để có nhưng tư liệu trong giai đoạn đất nước, gia cảnh còn khó khăn, việc sản xuất sách báo còn hạn chế ông phải tìm tòi rất nhiều. Ông đọc rất nhiều sách báo, chỉ cần có mẩu tin nào có ảnh, thông tin về Bác là ông tìm cách cất giữ. Với một số sách, báo quý ông phải đi xin hoặc thậm chí bỏ tiền túi để mua. Sau một thời gian sưu tầm, nhiều người quen biết nên cũng tặng ông một số tư liệu.

"Thời đó để có tờ báo đọc cũng rất khó, phải đợi chứ không đa dạng như giờ. Tôi là người thích đọc nên tiếp cận được khá nhiều sách báo. Cứ có hình ảnh, thông tin Bác là lưu giữ lại. Khi nghe thông tin một số gia đình có một số sách báo quý phải đạp xe hàng chục cây số đến nhà ngỏ ý xin về để bảo quản, mố số lần phải bỏ tiền ra mua", ông Phong chia sẻ.

Ông Phong cẩn thận ép plastic và khâu vào vải để bảo quản tư liệu.

Ông Phong cẩn thận ép plastic và khâu vào vải để bảo quản tư liệu.

Việc sưu tầm đã khó khăn nhưng công tác sắp xếp, bảo quản cũng cần sự công phu, tỷ mẩn. Hàng chục năm về trước, chất liệu giấy mực chưa được tốt như bây giờ nên ông Phong phải bọc những tư liệu trong giấy, vải để chống ẩm, mối mọt. Đặc biệt ở ven bờ Gianh, mỗi mùa lũ về nước ngập nhà dân nhiều tài sản bị cuốn đi, phải khó khăn lắm mới giữ được "kho báu" này nguyên vẹn. Hiện đời sống gia đình bớt khó khăn, ông Phong thực hiện ép plastic những mảnh báo, bức hình rồi cẩn thận khâu vào những mảnh vải dài gần 10m, rộng 1,4m.

"Trước ở trong nhà cấp 4, nhiều năm lũ to nước ngập nửa nhà. Khi nước lên chưa kịp chuyển tài sản lên cao tôi phải đưa tư liệu về Bác đến chỗ an toàn cái đã. Giờ đây có công nghệ hiện đại ép plastic rồi khâu vào tấm vải, vừa dễ bảo quản vừa trang trọng", ông Phong kể.

Hơn 50 năm miệt mài, ông Phong tìm kiếm và sưu tầm được hơn 3.000 bức ảnh, bài báo, tư liệu quý về Bác Hồ qua các thời kỳ. Bên cạnh đó, nhiều bài viết, tư liệu quý về lịch sử của quê hương và của dân tộc cũng được ông sưu tầm, cất giữ cẩn thận. Việc sưu tầm ấy vẫn được ông tiếp tục để "kho báu" ngày càng đồ sộ.

Hơn 50 năm miệt mài, ông Phong tìm kiếm và sưu tầm được hơn 3.000 bức ảnh, bài báo, tư liệu quý về Bác Hồ qua các thời kỳ.

Hơn 50 năm miệt mài, ông Phong tìm kiếm và sưu tầm được hơn 3.000 bức ảnh, bài báo, tư liệu quý về Bác Hồ qua các thời kỳ.

Không chỉ sưu tầm để bảo quản, ông Phong còn là người đưa những tư liệu về Bác đến với cán bộ, nhân dân, học sinh trong và ngoài địa phương. Nhiều cuộc triển lãm được tổ chức, một số giáo viên môn lịch sử xin mượn tư liệu này để thực hiện công tác giảng dạy giúp học sinh hiểu thêm về vị "cha già dân tộc"...

Không chỉ sưu tầm để bảo quản, ông Phong còn là người đưa những tư liệu về Bác đến với cán bộ, nhân dân, học sinh trong và ngoài địa phương.

Không chỉ sưu tầm để bảo quản, ông Phong còn là người đưa những tư liệu về Bác đến với cán bộ, nhân dân, học sinh trong và ngoài địa phương.

"Ông Nguyễn Đình Phong là một tấm gương mẫu mực, tiêu biểu trong phong trào "tuổi cao, gương sáng" ở địa phương. Bộ sưu tầm tư liệu về Bác Hồ và lịch sử quê hương là một tài sản rất quý. Ông vẫn tiếp tục sưu tầm và trưng bày, giới thiệu những tư liệu này qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đặc biệt đây cũng là tư liệu quý để chúng tôi đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ và nhân dân", ông Ngô Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh cho biết.

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lao-nong-hon-50-nam-miet-mai-suu-tam-tu-lieu-ve-bac-169240518093710645.htm