Làm theo lời Bác Hồ dạy, đồng bào dân tộc thiểu số tích cực thi đua lao động sản xuất

Sinh thời, trong nhiều điện, thư, bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS): 'Phải thi đua tăng gia sản xuất' (Thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo, ngày 7/5/1955)... để 'cho mọi người được no ấm' (Thư gửi đồng bào Hòa Bình, ngày 27/11/1950).

Phụ nữ DTTS thôn Há Ía, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cải tạo vườn tạp. Ảnh: Phương Liên

Phụ nữ DTTS thôn Há Ía, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cải tạo vườn tạp. Ảnh: Phương Liên

Ông Sùng Chứ Mua, dân tộc Mông, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho hay, kinh tế vườn hộ đóng vai trò chủ đạo trong bảo đảm đời sống của đồng bào. Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp để tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững, năm 2021, ông đã cải tạo 500m2 vườn rau cải xanh và củ cải, cùng với việc nuôi 10 con lợn, 3 con bò đã giúp cuộc sống gia đình ổn định và khấm khá hơn nhiều.

Năm 2021, tại xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc, có 7 hộ gia đình (trong đó có 6 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo) thực hiện cải tạo gần 66.000m2 vườn tạp để xây dựng chuồng trại chăn nuôi, trồng mới 890 cây ăn quả, 200 cây lâm nghiệp và các loại rau, bước đầu đáp ứng nhu cầu thực phẩm của gia đình, đồng thời xác lập được hướng phát triển kinh tế rõ ràng hơn.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Hà Giang đã có 6.495 hộ tham gia cải tạo vườn tạp, đạt 99,92% kế hoạch. Tổng diện tích vườn được cải tạo là 262ha; bình quân lợi nhuận sau khi trừ chi phí là 8,3 triệu đồng/hộ, cao gấp 2-3 lần so với trước thời điểm cải tạo vườn tạp. “Sở hữu 7ha đất liền thổ, trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau nhưng hiệu quả thấp khiến mình phải có cách nghĩ, cách làm mới” - đó là chia sẻ của ông Quàng Văn Hó, bản Tre, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Được cán bộ khuyến nông xã tư vấn và tự học hỏi một số nơi, ông Hó bắt tay vào cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng 3 loại cây chính là nhãn ghép giống mới, xoài Đài Loan và cam Vinh. Sau 2 năm, cây nhãn ghép đã cho thu hoạch với sản lượng tăng gấp đôi, chất lượng được thị trường chấp nhận. Đều đặn những năm gần đây, gia đình ông Hó thu được 15-20 tấn quả nhãn ghép, bán được 200-300 triệu đồng/năm. Tiếp đến, 2.000 cây cam Vinh, 100 cây xoài Đài Loan, 100 cây bưởi da xanh lần lượt cho thu hoạch, kết hợp với phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, cá... trong khu vườn nhà, nay gia đình ông thu nhập 350-400 triệu đồng/năm.

Đáng quý là không muốn chỉ mình giàu lên trong khi mọi người trong bản vẫn nghèo, ông Hó kiên trì vận động, thuyết phục các gia đình xung quanh và hiện nay, trên 80% số hộ trong bản đã làm theo cách của nhà ông Hó. Kinh tế phát triển, dân bản cùng ông Hó tự đầu tư làm đường ô tô tải, kéo điện lưới quốc gia đến các vườn, thuê người trồng cỏ, bón phân, thu hoạch... tạo việc làm cho bà con trong vùng.

Rơ Lan H’Bim sinh năm 1986, ở làng Hrang, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Kết hôn khi mới 18 tuổi, những năm đầu tách ra ở riêng, H’Bim bước vào đời sống hôn nhân với vô vàn khó khăn, thách thức. Do hạn chế trong tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, lại chưa biết tính toán chi tiêu hợp lý, thiếu vốn, phương tiện sản xuất... nên gia đình H’Bim nhiều năm liền thuộc hộ nghèo của xã.

Hưởng ứng phong trào “Hộ hội viên DTTS thay đổi nếp nghĩ, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai phát động, H’Bim mạnh dạn làm hồ sơ vay vốn và được Phòng Giao dịch, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng. H’Bim còn tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây điều và nuôi bò, tận dụng chất thải của gia súc để bón cho cây trồng... Học xong, có kiến thức và sau nhiều đêm suy tính, bàn bạc, vợ chồng H’Bim đồng thuận quyết định sử dụng vốn vay để trồng cà phê, cao su và nuôi một con bò.

Thành quả của những ngày tháng đồng lòng, chung sức cùng nhau chăm sóc cây trồng, vật nuôi đã được đền đáp. Hiện tại, gia đình H’Bim có 1ha cao su, 300 cây cà phê, 2,5ha điều và 5 con bò. Thu hoạch từ các loại cây trồng, vật nuôi sau khi trừ mọi chi phí, đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 120 triệu đồng/năm.

Thay cho căn nhà tạm diện tích 42m2 ngày nào, hiện nay, gia đình H’Bim đã xây được nhà mới với diện tích 120m2, mua sắm đầy đủ các trang thiết bị và đồ dùng thiết yếu như: Bếp ga, máy giặt, tủ lạnh... Gia đình H’Bim đã thoát nghèo, trở thành hộ khá giả của xã.

Những ví dụ trên là minh chứng cho ý chí, khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS trên khắp mọi miền Tổ quốc. Họ đang từng ngày, từng giờ học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đẩy mạnh tăng gia sản xuất để hướng tới cuộc sống ngày càng no ấm, tốt đẹp hơn và góp phần xây dựng đất nước phát triển.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện có 3.434 xã, thuộc 51 tỉnh, thành phố, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Những năm qua, Nhà nước đã ban hành các chính sách dân tộc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.

Rơ Lan H'Bim hướng dẫn phụ nữ làng Hrang cạo mủ cao su. Ảnh: Phương Liên

Rơ Lan H'Bim hướng dẫn phụ nữ làng Hrang cạo mủ cao su. Ảnh: Phương Liên

Nhờ hiệu quả của các chính sách thiết thực, nông nghiệp đã phát triển mạnh hơn theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều hộ nông dân người DTTS ở các tỉnh biên giới đã biết chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu của thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao như vùng trồng cây keo, quế ở Quảng Ngãi; cây hồi ở Lạng Sơn; cây dược liệu ở Quảng Trị; sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam; cà phê, hồ tiêu, cao su ở Tây Nguyên; nuôi bò sữa ở Sơn La; trâu, bò thịt ở Gia Lai... Nông dân các tỉnh Sơn La, Đắk Lắk, Đắk Nông, An Giang... đã thực hiện thành công mô hình chuyển đổi sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao.

Chủ động, tích cực phát triển sản xuất theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân chính là nhân tố quan trọng tạo nên những chuyển biến to lớn ở vùng DTTS và miền núi. Thu nhập và điều kiện sống của đồng bào ngày càng được cải thiện và từng bước nâng cao. Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân là 3,4%, đạt so với mức trên 3% như mục tiêu đề ra.

Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp lên tầm cao mới, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 tiếp tục có nhiều nội dung chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu quan trọng trong thực hiện các chính sách dân tộc.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lam-theo-loi-bac-ho-day-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tich-cuc-thi-dua-lao-dong-san-xuat-post475951.html