Làm rõ căn cứ xác định mức vốn 256.250 tỷ đồng của Chương trình phát triển văn hóa

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình dự kiến là 256.250 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2025- 2030 dự kiến 122.250 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Tiếp tục phiên họp thứ 33, sáng 14/5 Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình dự kiến là 256.250 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2025- 2030 dự kiến 122.250 tỷ đồng.

Cụ thể vốn ngân sách Trung ương khoảng 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), bao gồm vốn đầu tư phát triển 50.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 27.000 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4 %); giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.

Thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, giáo dục cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tổng mức đầu tư và cho rằng việc Chính phủ thống nhất đề xuất bố trí nguồn lực lớn để thực hiện Chương trình đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho hay.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tổng số vốn dự kiến dành cho Chương trình là khá lớn, cao hơn so với số vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thực hiện và gấp nhiều lần so với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã thực hiện các giai đoạn trước (CTMTQG về văn hóa giai đoạn 2011-2015 dự kiến tổng nguồn vốn là 7.926 tỷ đồng; CTMTQG về văn hóa giai đoạn 2016-2020 dự kiến tổng nguồn vốn là 10.620 tỷ đồng).

Đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ để xác định mức dự kiến vốn đầu tư, chi thường xuyên, tổng mức vốn của Chương trình – báo cáo thẩm tra nêu.

Ủy ban thẩm tra cũng cơ bản nhất trí mức bố trí vốn ngân sách trung ương cho chương trình, Hội đồng thẩm định quốc gia xác nhận đây là mức có thể chấp nhận được, nằm trong khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, theo quy định của Luật Đầu tư công, do chưa đến thời điểm để dự toán nguồn lực cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 nên chưa có cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Chương trình giai đoạn 2026-2030. Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn để đề xuất tổng mức vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình, căn cứ phân bổ vốn hằng năm, tính toán kỹ lưỡng về khả năng thực hiện, giải ngân Chương trình để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Với nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương, Ủy ban thẩm tra cơ bản nhất trí và đề nghị Chính phủ cân đối nguồn lực, bố trí đầy đủ trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định tỉ lệ vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương; làm rõ hơn cơ sở xác định cơ cấu vốn đối ứng từ ngân sách địa phương. Qua kết quả triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong các giai đoạn trước và kết quả khảo sát thực tiễn tại một số địa phương, nhiều ý kiến cho rằng tỉ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa có khả năng tự cân đối được ngân sách.

Đề nghị nữa từ Ủy ban thẩm tra là đánh giá sát hơn khả năng huy động nguồn vốn ngân sách địa phương và tính toán đề xuất mức bố trí ngân vốn sách địa phương phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Nghiên cứu bổ sung cơ chế giao HĐND tỉnh điều chuyển nguồn, nhiệm vụ chi giữa các nội dung, dự án thành phần của Chương trình để đảm bảo việc thực hiện linh hoạt, có hiệu quả phù hợp với thực tiễn của địa phương và giải ngân nguồn vốn của Chương trình (Quốc hội đã ban hành cơ chế cho 3 Chương trình MTQG đang thực hiện tại Nghị quyết số Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024).

Liên quan đến dự kiến phân bổ vốn, ông Vinh nói, Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo chưa thuyết minh cụ thể về dự kiến phân bổ vốn, phụ lục số về dự kiến nguồn NSTW đầu tư phát triển giai đoạn 2026-2030 mới chỉ dự kiến số vốn 50.000 tỷ đồng cho 5 nội dung, chưa rõ số lượng, mức đầu tư, tính chất các dự án dự kiến sử dụng vốn đầu tư phát triển từ Chương trình. Do đó, chưa có cơ sở để đánh giá về sự phù hợp, tính khả thi của đề xuất.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lam-ro-can-cu-xac-dinh-muc-von-256250-ty-dong-cua-chuong-trinh-phat-trien-van-hoa-d215072.html