Kinh tế Việt Nam 2024: Lạc quan một cách thận trọng!

Động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam trong năm 2024 được dự đoán là đầu tư công, chi tiêu tiêu dùng và phục hồi xuất nhập khẩu.

Trao đổi với Báo Thế giới & Việt Nam, Tiến sĩ Phan Thanh Chung, Giảng viên kinh tế, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, việc các tổ chức tài chính như IMF hay HSBC nhận định tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 dựa trên nỗ lực cải cách, vị trí chiến lược của nền kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường nội địa vững mạnh.

Tiến sĩ Phan Thanh Chung, Giảng viên kinh tế, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam.

Tiến sĩ Phan Thanh Chung, Giảng viên kinh tế, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam.

Năm 2023 khép lại, ông có nhận định gì về đà phát triển, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam?

Năm qua, kinh tế Việt Nam đã thể hiện khả năng phục hồi linh hoạt với mức tăng trưởng GDP ước tính đạt 5,05%. Tuy thấp hơn mục tiêu 6,5% nhưng vẫn khá ấn tượng so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu.

Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, quản lý hiệu quả lạm phát và nợ công. Bất chấp áp lực lạm phát toàn cầu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 3,25% trong năm qua. Hiệu quả của các chính sách tài chính và tiền tệ được thể hiện rõ ràng, đặc biệt là thông qua các biện pháp giảm thuế và cắt giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và củng cố sự ổn định kinh tế.

Giải ngân vốn đầu tư công tăng đáng kể, với khoảng 549,1 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng, tăng 22,1% so với năm 2022. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những động lực tăng trưởng chính, phản ánh Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn bất chấp kinh tế toàn cầu suy yếu. Năm 2023, FDI vào Việt Nam đạt kỷ lục 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước. Kết quả tích cực này một phần là nhờ đầu tư từ các đối tác lớn như Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng, cũng như các chính sách chủ động của Chính phủ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư.

Bên cạnh đó, sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã góp phần vào thành tựu này. Hoạt động đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là quan hệ đối tác được nâng cấp lên mức cao nhất với Hoa Kỳ, mở ra nhiều con đường mới để phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư, nâng cao hơn nữa vị thế toàn cầu và triển vọng kinh tế đất nước.

Các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, trong đó Việt Nam là nước xuất khẩu lớn các mặt hàng như gạo, cà phê và hải sản. Sự tăng trưởng trong các lĩnh vực này là do số lượng và chất lượng sản phẩm đều được cải thiện.

Thêm vào đó, tiến bộ công nghệ, đặc biệt là trong sản xuất và dịch vụ kỹ thuật số, đã đóng góp cho nền kinh tế bằng cách thúc đẩy chuyển dịch sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn.

Bên cạnh những điểm sáng tích cực, theo ông, đâu là những điểm yếu, thách thức đối với kinh tế Việt Nam? Cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp cần làm gì để khắc phục khó khăn này?

Một thách thức chính là mức tăng trưởng khiêm tốn trong lĩnh vực dịch vụ, vốn trước đây đóng góp đáng kể vào tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ chậm lại, cùng với sự bất ổn kinh tế toàn cầu, đã đặt ra thách thức đáng kể trong việc duy trì đà tăng trưởng đã đạt được trong những năm trước. Môi trường kinh tế toàn cầu với nhiều bất ổn và nguy cơ suy thoái tác động đến nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu của Việt Nam, tạo thêm rào cản.

Để giảm thiểu những thách thức này, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng cách tiếp cận đa chiều. Đa dạng hóa nền kinh tế, đặc biệt là ngoài lĩnh vực dịch vụ, có thể đóng vai trò then chốt. Cần thúc đẩy các lĩnh vực khác như sản xuất, công nghệ và nông nghiệp - những lĩnh vực có thể mang lại cơ hội tăng trưởng mới.

Cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút thêm FDI và hỗ trợ doanh nghiệp địa phương cũng là điều cần làm. Chính phủ có thể tập trung vào các cải cách chính sách nhằm giảm quan liêu, cung cấp các ưu đãi tài chính và cải thiện sự thuận tiện trong kinh doanh.

Ngoài ra, việc củng cố thị trường tiêu thụ nội địa có thể bù đắp một số tổn thương trước những biến động kinh tế toàn cầu. Thông qua các biện pháp này, Việt Nam có thể đặt mục tiêu duy trì quỹ đạo tăng trưởng và giải quyết những thách thức đang phải đối mặt.

Năm 2024 tiếp tục dự báo là một năm không dễ dàng đối với kinh tế toàn cầu. Ông nhận định thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay? Đâu sẽ là những động lực tăng trưởng?

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 lạc quan một cách thận trọng, với một số dự báo cho thấy mục tiêu tăng trưởng GDP khả thi ở khoảng trên dưới 6%.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán Việt Nam đạt GDP 5,8% vào năm 2024, nằm trong top 20 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất toàn cầu. Trong khi đó, ngân hàng HSBC dự báo con số này lên tới 6,3%, cho thấy Việt Nam có tiềm năng vượt trội so với nhiều nước.

Những triển vọng tích cực này dựa trên nỗ lực cải cách, vị trí chiến lược của nền kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường nội địa vững mạnh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bất ổn kinh tế toàn cầu có thể làm phát sinh thách thức, khiến những dự báo này có thể phải điều chỉnh.

Động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong năm 2024 được dự đoán là đầu tư công, chi tiêu tiêu dùng và phục hồi xuất nhập khẩu.

Đầu tư công có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích hoạt động kinh tế, đặc biệt là thông qua các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển trọng điểm. Chi tiêu tiêu dùng, chủ yếu nhờ tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh và thu nhập khả dụng ngày càng tăng, sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước. Hơn nữa, sự phục hồi của hoạt động xuất nhập khẩu, được hỗ trợ bởi các FTA và vị trí chiến lược của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế. Việc tập trung vào đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu sẽ là công cụ giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến những biến động kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút FDI, đầu tư vào công nghệ và đổi mới có thể sẽ củng cố hơn nữa khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Do đó, mặc dù sẽ có những thách thức do kinh tế toàn cầu gây ra, nhưng kinh tế Việt Nam đang sở hữu nền tảng vững chắc và động lực chiến lược để tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024.

Kinh tế Việt Nam đang sở hữu nền tảng vững chắc và động lực chiến lược để tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024. Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam Insisder)

Kinh tế Việt Nam đang sở hữu nền tảng vững chắc và động lực chiến lược để tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024. Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam Insisder)

Trong bối cảnh đó, ông có những khuyến nghị gì đối với cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp để khơi thông nguồn lực, phát huy lợi thế, phát triển bền vững?

Để đạt được mục tiêu năm 2024, Việt Nam nên áp dụng cách tiếp cận linh hoạt, lấy cảm hứng từ các bài học kinh nghiệm của các quốc gia khác.

Tương tự cách tiếp cận của Ngân hàng Trung ương châu Âu, Việt Nam nên theo dõi chặt chẽ các xu hướng kinh tế quốc tế để điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả, tập trung cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng. Điều này bao gồm việc điều chỉnh chiến lược lãi suất và tỷ giá hối đoái.

Ngoài ra, cần tận dụng sự kết hợp giữa đầu tư công, FDI và đầu tư tư nhân, tương tự chiến lược đầu tư của Singapore, để cân bằng ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng.

Tăng trưởng kinh tế cần được kích thích thông qua cả các phương tiện truyền thống như đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng (ví dụ: dự án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh) và các động lực mới như nền kinh tế kỹ thuật số, lấy cảm hứng từ chương trình cư dân điện tử của Estonia. Tương tự như Canada, Việt Nam cần duy trì sự cân bằng giữa các chính sách tiền tệ, tài chính và kinh tế vĩ mô để hỗ trợ tăng trưởng bền vững và ổn định.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi xuất khẩu và đầu tư giảm bằng cách tăng cường tận dụng các FTA, đồng thời thúc đẩy cải cách hành chính như cách New Zealand đã làm. Hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế nên tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tài chính, lấy cảm hứng từ những cải cách nâng cao hiệu quả của Trung Quốc.

Việc xây dựng các chiến lược nhằm nâng cao khả năng phục hồi và tính độc lập của nền kinh tế trước những thay đổi toàn cầu là rất quan trọng, tương tự như việc Nhật Bản đa dạng hóa năng lượng sau thảm họa Fukushima.

Cuối cùng, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thông qua phát triển các loại thị trường khác nhau và hội nhập thị trường trong nước và quốc tế, như đã thấy trong Chiến lược công nghiệp 4.0 của Đức, sẽ rất quan trọng đối với sự tăng trưởng bền vững và ổn định của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

(thực hiện)

Trần Liễu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-viet-nam-2024-lac-quan-mot-cach-than-trong-256228.html