Không chỉ là thông dịch

Ngày còn dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đã 3 lần thay trợ lý ngôn ngữ. Vị chiến lược gia người Hàn Quốc chỉ thật sự hài lòng và đạt đến đỉnh cao sự nghiệp khi gắn bó với ông Lê Huy Khoa.

Không chỉ dịch chuẩn, truyền tải đúng thần thái, khí thế của HLV Park Hang-seo, ông Lê Huy Khoa còn góp phần thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết tới các cầu thủ. Không chỉ đam mê bóng đá, hiểu văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc, ông Lê Huy Khoa còn là người trải đời. Ông biết điều gì cần nói, cần giữ cho HLV trưởng. Bởi đôi khi bản thân HLV trưởng cũng không giữ được bình tĩnh, có lúc nhận xét điều gì hơi quá sẽ tác động không tốt tới dư luận. Trong bóng đá, trợ lý ngôn ngữ không chỉ là người thông dịch mà phải biết lựa chọn những ngôn từ phù hợp với văn hóa nước sở tại và tâm lý các cầu thủ.

Vừa qua, VFF đã công bố tân HLV trưởng đội tuyển U.23 Việt Nam và đội tuyển quốc gia là ông Kim Sang-sik. Được biết, vị chiến lược gia người Hàn Quốc sẽ có đội ngũ trợ lý khoảng 12 người, trong đó trợ lý ngôn ngữ nhiều khả năng là Đỗ Anh Văn. Đây là một trợ lý ngôn ngữ thuộc thế hệ "9X", học chuyên ngành bóng đá tại Hàn Quốc, từng làm việc ở câu lạc bộ Seoul E-Land.

 Đỗ Anh Văn (thứ hai, từ phải sang) sẽ là trợ lý ngôn ngữ của huấn luyện viên Kim Sang-sik? Ảnh: VĂN TOÀN

Đỗ Anh Văn (thứ hai, từ phải sang) sẽ là trợ lý ngôn ngữ của huấn luyện viên Kim Sang-sik? Ảnh: VĂN TOÀN

Điều người hâm mộ lo lắng là trợ lý ngôn ngữ Đỗ Anh Văn còn trẻ, liệu có thể cáng đáng được vị trí quan trọng ở đội tuyển U.23 Việt Nam và đội tuyển quốc gia? Nếu như các trợ lý về thể lực, chuyên môn được xem như cánh tay trái, phải của HLV trưởng thì trợ lý ngôn ngữ là người truyền lửa tới các cầu thủ. Không chỉ phải am hiểu bóng đá, giỏi ngoại ngữ, trợ lý ngôn ngữ cần phải có độ hiểu biết văn hóa nhất định để truyền tải thông điệp một cách nhanh, chính xác và phù hợp. Bởi trong bóng đá, mọi thứ diễn ra rất nhanh, đôi khi người phiên dịch không có thời gian để hỏi lại hay suy nghĩ kỹ lưỡng. Do đó, trong trận đấu, trợ lý ngôn ngữ luôn phải theo dõi các cầu thủ thi đấu; đồng thời lắng nghe và ghi nhớ để truyền tải được yêu cầu của HLV trưởng nhanh và đầy đủ nhất đến cầu thủ. Không chỉ là thông dịch, trợ lý ngôn ngữ còn là người nắm giữ một phần nguồn sức mạnh tinh thần, nơi các cầu thủ nhìn vào đó để hiểu được thông điệp và cảm xúc từ HLV trưởng.

TAM NINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/khong-chi-la-thong-dich-777277