Khơi dậy sức mạnh kinh tế tập thể, hợp tác xã: Nhiều giải pháp hỗ trợ quan trọng

Mặc dù kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội, song khu vực kinh tế này cũng đang gặp không ít khó khăn.

Để khơi dậy sức mạnh kinh tế tập thể, hợp tác xã, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, thành phố đã và đang có nhiều giải pháp hỗ trợ quan trọng.

Mô hình nuôi thỏ theo quy trình khép kín của Hợp tác xã Thỏ Việt Nhật (xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ).

Mô hình nuôi thỏ theo quy trình khép kín của Hợp tác xã Thỏ Việt Nhật (xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ).

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Trên địa bàn thành phố hiện có 2.538 hợp tác xã, trong đó có 1.483 hợp tác xã nông nghiệp... Số hợp tác xã hoạt động tốt, khá chiếm khoảng 65%. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nhiều hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Sản phẩm của các hợp tác xã ngày càng đa dạng, phong phú, có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Điển hình như Hợp tác xã Thỏ Việt Nhật (xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ) là mô hình mới, sản xuất theo quy trình khép kín. Hợp tác xã này là mô hình ứng dụng công nghệ cao, thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết giá trị trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Hiện tại, hợp tác xã đang nuôi 400 con thỏ giống, trên quy mô 1ha. Giám đốc Hợp tác xã Thỏ Việt Nhật Lâm Thị Hương cho hay, toàn bộ sản phẩm đầu ra của hợp tác xã đã được một doanh nghiệp của Nhật Bản bao tiêu. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng hỗ trợ hợp tác xã về kỹ thuật chăm sóc thỏ an toàn, theo tiêu chuẩn của Nhật Bản.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội cũng đang gặp khó khăn về vốn, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đầu ra cho sản phẩm… Toàn thành phố hiện vẫn còn 35% hợp tác xã hoạt động yếu kém, 345 hợp tác xã đang ngừng hoạt động, chờ giải thể. Ngoài ra, 75% cán bộ hợp tác xã chỉ có trình độ sơ cấp, trung cấp...

Cần chính sách hỗ trợ toàn diện

Trước tình hình nêu trên, ngày 24-4-2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 127/KH-UBND về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn thành phố năm 2024. Theo đó, năm 2024, thành phố đặt mục tiêu tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 100 hợp tác xã, 2 liên hiệp hợp tác xã, 145 tổ hợp tác; số hợp tác xã hoạt động tốt, khá chiếm 65-70%; doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt 2,7 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã đạt 60 triệu đồng/năm…

Để đạt được những mục tiêu này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Trần Đức Thanh cho rằng, cơ quan quản lý cần có kế hoạch phù hợp và nên đầu tư, hỗ trợ cho hợp tác xã phát triển về chất lượng hơn là mở rộng. Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám, để hợp tác xã phát triển, sản xuất hiệu quả, đầu ra cho sản phẩm ổn định, thì cần có các nhóm chính sách ưu đãi về vốn, ứng dụng công nghệ… Ngoài ra, cơ quan quản lý cần hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực về quảng bá cũng như tính liên kết.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Nguyễn Trung Thành cho rằng, thực tế chứng minh, hợp tác xã nào có “người lái tàu” tài ba, năng động, thì hợp tác xã đó phát triển tốt. Do đó, để các hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội hoạt động tốt, hiệu quả, cần lựa chọn những người giỏi tại địa phương làm người lãnh đạo hợp tác xã.

Để hướng tới những mục tiêu thành phố đặt ra, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chứng nhận chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP, OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)...; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh có hiệu quả hơn.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân:
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực của các hợp tác xã là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường, hợp tác xã làm ăn hiệu quả thì vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế, trình độ đội ngũ cán bộ tại một số hợp tác xã còn thấp, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp, nhiều cán bộ quản lý cao tuổi, chưa qua đào tạo nghiệp vụ cơ bản; lớp trẻ không mặn mà với hoạt động của các hợp tác xã. Những cán bộ có năng lực thường luân chuyển tới vị trí khác..., dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị xáo trộn, kém hiệu quả.

Để khắc phục, thành phố Hà Nội và các huyện, thị xã cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hợp tác xã thông qua bồi dưỡng về quản trị, kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, chuyên môn kỹ thuật, áp dụng quy trình công nghệ cao; sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường...

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa:
Tham gia hợp tác xã để nâng cao hiệu quả kinh tế

Hội Nông dân thành phố Hà Nội luôn xác định phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp Hội Nông dân đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập 70 chi hội với 1.730 thành viên; 453 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 5.163 thành viên. Hội Nông dân thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai trong hệ thống Hội các cấp, phối hợp các ngành triển khai hỗ trợ, tư vấn nhằm xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thể. Mới đây, Hội Nông dân thành phố và Liên minh Hợp tác xã thành phố ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã trên cơ sở thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp với phần việc và nội dung cụ thể.

Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, tác động của kinh tế tập thể đối với phát triển của kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại; qua đó giúp cho hội viên nông dân hiểu và tham gia kinh tế tập thể để nâng cao hiệu quả kinh tế...

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Nguyễn Tiến Phong:
Tận dụng hiệu quả thương mại điện tử

Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có hàng chục nghìn cửa hàng kinh doanh trực tuyến. Đây là cơ hội lớn cho các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng gian hàng trực tuyến, thúc đẩy chuyển đổi số. Tuy nhiên, đóng góp của các hợp tác xã trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn khiêm tốn, sản phẩm ít, tỷ trọng đóng góp doanh số dưới 3%.

Để tận dụng thương mại điện tử hiệu quả, các hợp tác xã cần xác định rõ thị trường, khách hàng, mục tiêu, phân khúc thị trường, tiêu chuẩn chất lượng có thể đáp ứng…, sau đó số hóa các bước trên, hướng đến phương thức xúc tiến thương mại trực tuyến. Để làm được điều này, hợp tác xã cần đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao kỹ năng số, kiến thức khoa học, công nghệ cho thành viên bằng việc liên kết với tổ chức, doanh nghiệp. Trong quá trình chuyển đổi số, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn...

Sơn Tùng ghi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khoi-day-suc-manh-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-nhieu-giai-phap-ho-tro-quan-trong-666669.html