Khách ngoại nói gì sau chuyến đi Côn Đảo, miền Tây?

Trong mắt nhà báo Lorna Parkes, đồng bằng sông Cửu Long và Côn Đảo vẫn giữ nét đẹp đậm đà văn hóa bản địa, phát triển du lịch theo hướng bền vững.

 Một đàn rùa xanh đang chờ thả lại vào biển tại Côn Đảo.

Một đàn rùa xanh đang chờ thả lại vào biển tại Côn Đảo.

Những tia nắng xuyên qua hàng dừa, thuyền trôi chậm qua bông súng dại, kéo theo phù sa và những người nông dân ôm mít, sầu riêng… - "đó là cuộc sống của người dân vùng này", hướng dẫn viên Jerry Le nói về Tây Nam Bộ, tay anh cầm chiếc mũ lưỡi trai và giọng nói có chút ngữ điệu Mỹ.

Lorna Parkes (người Anh) là nhà báo lĩnh vực du lịch, viết cho nhiều tạp chí danh tiếng như Travel&Leisure, Lonely Planet, The Guardian… Các bài viết của cô dựa trên trải nghiệm thực tế về một hành trình.

Trong một chuyến tham quan đến miền Tây Nam Bộ và Côn Đảo Việt Nam, với sự đồng hành của Jerry Le, cô cho thấy góc nhìn về mảnh đất nông nghiệp trù phú và vùng đảo đẹp hoang sơ ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bài báo của cô đăng trên tạp chí National Geographic đầu tháng 5.

Bến Tre

Sông Cửu Long (sông Mekong), một trong những con sông dài nhất thế giới. Với mạng lưới dày đặc, con sông dài 4.350 km này chảy từ Trung Quốc qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia trước khi đổ vào Việt Nam và chảy ra biển Đông.

Từ TP.HCM, Lorna Parkes lái xe hai giờ về phía Tây Nam, đến một bến tàu ở huyện Mỏ Cày (Bến Tre). Có những chuyến tàu du lịch, khách sạn mọc lên như nấm, nhưng về bản chất, đồng bằng sông Mekong vẫn là một vùng nông nghiệp. Khu vực này cung cấp 1/3 tổng sản lượng nông nghiệp của cả nước, đứng đầu về sản lượng gạo, trái cây và thủy hải sản.

 Những trái dừa tại Bến Tre được chất đống lên các xe chở hàng để đem đi xuất khẩu.

Những trái dừa tại Bến Tre được chất đống lên các xe chở hàng để đem đi xuất khẩu.

Bến Tre, dừa là đặc sản và cũng là biểu tượng của người dân nơi đây. Parkes nhìn thấy những người phụ nữ cặm cụi lột vỏ dừa trước sân nhà ven sông, xếp những trái dừa thành đống, sẵn sàng để chế biến.

Tại Bến Tre, có hơn 89.000 ha đất được dùng để trồng dừa, sản xuất tới 600 triệu trái mỗi năm. Những trái dừa này được xuất khẩu dưới nhiều dạng như nước, sữa, cơm và sợi dừa đến các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc.

 Tác giả được thưởng thức những món ăn đặc biệt bởi gia đình người địa phương.

Tác giả được thưởng thức những món ăn đặc biệt bởi gia đình người địa phương.

Vĩnh Long

Jerry Le đưa Parkes đến thăm làng Khmer, nơi nằm sâu trong tỉnh Vĩnh Long, cách Bến Tre 2 tiếng rưỡi về phía Tây. Trên đường đến một trong những quần thể Phật giáo Khmer đẹp nhất Việt Nam, chùa Phù Ly 1, tác giả bắt gặp những nhóm người đàn ông đang thư giãn trước sân nhà sau giờ làm việc. Họ cầm chai bia Sài Gòn, hát karaoke vui vẻ cùng nhau.

Khi đến nơi, tác giả choáng ngợp trước những bức tường cao như một pháo đài. Đằng sau cánh cổng màu đỏ là tượng Phật vàng cao khoảng 6 m ngồi trên đài sen, phía sau là hội trường chùa, phòng hỏa táng và khu nhà ở.

 Chùa Phù Ly 1 là một trong những khu phức hợp Phật giáo Khmer ngoạn mục nhất của Việt Nam.

Chùa Phù Ly 1 là một trong những khu phức hợp Phật giáo Khmer ngoạn mục nhất của Việt Nam.

Theo tác giả, đời sống tôn giáo của người Việt Nam khá phức tạp, gồm Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo, đạo Cao Đài và Công giáo. Tại chùa Phù Ly 1, Parkes cũng nhìn thấy tượng nữ thần đại bàng Garuda từ Ấn Độ giáo, được chạm khắc trên tường và các bệ đá mang hình ba mặt nổi tiếng của Angkor Wat Campuchia.

Cần Thơ

Tác giả quay trở lại sông và đến Cần Thơ, thành phố lớn thứ 5 ở Việt Nam với dân số khoảng 1,3 triệu người.

"Mười năm trước, Cần Thơ chỉ là một huyện nông thôn, nhưng giờ đây đã có rất nhiều khách sạn và cuộc sống về đêm náo nhiệt", Jerry Le nói khi chiếc thuyền rẽ vào ngã tư sông, nơi được bao quanh bởi các khách sạn cao tầng. Các gian hàng chợ đêm dọc theo các con đường ven sông rực sáng như đom đóm khi hoàng hôn buông xuống.

 Hình ảnh đời thường của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Hình ảnh đời thường của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Quận Cái Răng của thành phố nổi tiếng với chợ nổi. "Trước khi có mạng lưới đường bộ, mọi người đều di chuyển bằng thuyền", Jerry Le chia sẻ.

Đến chợ nổi vào sáng hôm sau, tác giả thấy dây phơi quần áo và võng treo bên ngoài nhiều chiếc thuyền. Một số người cho đây chỉ là cuộc sống tạm, nhưng nhiều người khác lại sinh sống vĩnh viễn trên chiếc thuyền, coi đây là nhà.

Những cọc tre dài treo trên thuyền bày bán những mặt hàng được bán trong ngày: hành, tỏi, bí, dưa hấu... Với sự phát triển kinh tế, khía cạnh cuộc sống trên những chiếc thuyền đang dần biến mất. Nhiều người chọn mua sắm trên lưng xe máy hơn là thuyền.

"Chúng tôi cảm thấy thực sự buồn vì chợ này sẽ không còn nữa cho con cháu đời sau", Jerry chia sẻ.

Côn Đảo

Côn Đảo đang chuyển mình thành một điểm đến du lịch thiên nhiên hấp dẫn. Những con đường mòn chỉ dành cho người đi bộ, thỉnh thoảng mới thấy bóng dáng của xe ôm. Dọc theo một số tuyến đường là những bãi sỏi hoang vắng, nơi những con sóc đen sinh sống.

Một buổi sáng, Lorna Parkes cùng hướng dẫn viên địa phương đi nhặt sò, quan sát cua lướt nhanh trên cát. Tại nhà hàng nổi, tác giả thưởng thức mực và cua tươi sống mới bắt từ biển.

 Những bờ biển vắng lặng thuận lợi cho rùa đẻ trứng ở Côn Đảo.

Những bờ biển vắng lặng thuận lợi cho rùa đẻ trứng ở Côn Đảo.

Ở nơi khác, rùa có thể bị săn bắt, nhưng tại đây, chúng được nỗ lực bảo tồn. Năm 2017, ít thông tin được biết về hành trình di chuyển của rùa quanh các đảo, cho đến khi nhân viên của khu nghỉ dưỡng Six Senses trên bờ Đông đảo Côn Sơn phát hiện một con rùa xanh cái lên bờ để đẻ trứng.

Ngay lập tức, khu nghỉ dưỡng đã xin cấp phép để chạy chương trình bảo tồn rùa. Vào năm 2018, Six Senses trở thành khách sạn tư nhân duy nhất tại Việt Nam được phép bảo vệ loài vật có tuổi đời 200 triệu năm này.

May mắn, Parkes đến Côn Đảo khi những quả trứng cuối cùng của rùa đang nở.

"Thông thường, những nơi rùa đẻ trứng phải thật sạch sẽ. Một con rùa mẹ đã đến bãi biển này 6 lần trong năm nay", Jun Nishimura, quản lý phụ trách bền vững của Six Senses, giải thích.

Jun Nishimura dẫn Parkes đi qua những lối đi bằng gỗ xuyên qua tán rừng rậm rạp đến bãi cát dài của khu nghỉ dưỡng. Khách sạn theo dõi việc ấp trứng với hệ thống camera biển 24 giờ và sự giúp đỡ của ngư dân địa phương.

Để nâng cao khả năng sống sót của rùa, các ổ trứng được di chuyển đến một khu vực ấp trứng được bảo vệ, mô phỏng điều kiện tự nhiên của tổ rùa. Khi đến thăm, tác giả tìm thấy một đàn rùa con kích thước bằng lòng bàn tay.

"Nếu để tự nhiên, cơ hội sống sót chỉ là 1/1000", Jun Nishimura giải thích. Thủy triều, bão, kẻ săn mồi và nhiệt độ biến đổi có thể ảnh hưởng đến các tổ trứng.

Những bước đi đầu tiên của rùa sẽ in dấu sinh học với vị trí bãi biển này, thu hút rùa cái trở lại khi đến thời kỳ đẻ trứng.

"Cho đến nay, tỷ lệ thành công sinh rùa con là 89%. Tuy nhiên, rất khó để biết tỷ lệ sống sót vì chúng quá nhỏ để gắn thẻ. Chúng ta chỉ biết được sau 25-30 năm, một con rùa mẹ trở lại bãi biển này", Jun Nishimura cho biết.

Minh Vũ

Ảnh: Ulf Svane

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/khach-ngoai-noi-gi-sau-chuyen-di-con-dao-mien-tay-post1475716.html