Huy động nguồn lực để thúc đẩy giáo dục mầm non phát triển

Thời gian qua, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết để phát triển ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trong tỉnh, trong đó có bậc học mầm non.

Trường Mầm non Hướng Dương, thị trấn Ái Tử (Triệu Phong) được xây dựng khang trang -Ảnh: X.V

Trường Mầm non Hướng Dương, thị trấn Ái Tử (Triệu Phong) được xây dựng khang trang -Ảnh: X.V

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT, UBND cấp huyện rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm để bổ sung quỹ đất dành cho phát triển giáo dục, ưu tiên bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng cơ sở mầm non tư thục đảm bảo lộ trình phát triển dân cư và KT-XH lâu dài.

Sở GD&ĐT cũng ban hành văn bản hướng dẫn đơn vị trường học làm tốt công tác tham mưu xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp, đề xuất cơ chế ưu đãi thu hút nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và thực hiện công tác vận động, tiếp nhận tài trợ sử dụng đúng mục đích.

Cùng với đó, cơ sở giáo dục mầm non làm tốt công tác tham mưu, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển cho giáo dục để thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021- 2025 như lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng phòng học, khuôn viên nhà trường, đồng thời phối hợp với phòng lao động, thương binh và xã hội cấp huyện hỗ trợ thiết bị cho cơ sở giáo dục mầm non cũng như tiếp nhận các chương trình, dự án liên quan đến khám sức khỏe và hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.

Trong số các tập thể, cá nhân tích cực tham gia xã hội hóa đóng góp nguồn lực cho giáo dục mầm non phải kể đến Tập đoàn Viettel, tổ chức Tầm nhìn Thế giới, tổ chức Zhi-Shan Foundation, dự án Plan, Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT, Ngân hàng TMCP Công Thương, Ngân hàng TMCP BIDV, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương...

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục mầm non tại địa phương. Qua đó, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục mầm non.

Đối với kết quả thực hiện chính sách địa phương để huy động xã hội hóa giáo dục mầm non, từ năm 2011 đến 2023, ngành GD&ĐT Quảng Trị đã huy động tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài hằng năm khoảng 20 tỉ đồng, tổ chức, cá nhân trong nước khoảng 30 tỉ đồng. Sự hỗ trợ đó giúp cho cơ sở giáo dục mầm non tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hỗ trợ việc tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Để thực hiện công tác quy hoạch hệ thống trường mầm non, quan điểm của ngành GD&ĐT trong tỉnh không phát triển mở rộng cơ sở giáo dục công lập mà đầu tư theo hướng có trọng điểm, dành ngân sách nhà nước cho khu vực có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc một số cơ sở giáo dục trọng điểm; chủ động phân luồng và định hướng phụ huynh lựa chọn mô hình trường nhưng không phân biệt công lập hay ngoài công lập.

Từ giai đoạn 2011- 2023, toàn tỉnh đã sáp nhập 10 trường mầm non và giảm 8 trường, 89 điểm lẻ, giai đoạn 2023-2030 sẽ tiếp tục sáp nhập 2 trường và giảm 1 trường, 16 điểm lẻ. Đến cuối năm học 2022- 2023, toàn tỉnh có 18 trường mầm non tư thục, trong đó thành lập giai đoạn 2011- 2023 là 13 trường, có 121 cơ sở giáo dục mầm non độc lập, trong đó thành lập giai đoạn 2011- 2023 là 116 cơ sở.

Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay để trường mầm non thực hiện chủ trương tự chủ tài chính còn gặp nhiều khó khăn do mức thu sự nghiệp thấp, được điều chỉnh chậm, không đồng đều giữa các đơn vị, giữa vùng miền nên việc tính giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục khó khăn.

Cơ chế, chính sách về giao quyền tự chủ chưa được đồng bộ, trong đó có việc mặt bằng thu nhập của người dân thấp là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến công tác ban hành định mức giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công để phân loại mức độ tự chủ tài chính và giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp.

Việc giảm bình quân tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước ra hưởng lương từ nguồn thu gặp khó khăn do cơ chế tài chính hiện hành quy định về nguồn thu sự nghiệp phải giữ lại tối thiểu 40% để tạo nguồn cải cách tiền lương, 60% còn lại bổ sung chi hoạt động chuyên môn.

Một khó khăn nữa là trong khi mức thu học phí trên địa bàn thấp, không được điều chỉnh kịp thời với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng hằng năm nên rất khó cho các trường học. Hiện chưa có hướng dẫn về cơ chế tự chủ sử dụng nguồn thu học phí để chi trả biên chế chuyển từ hưởng lương ngân sách sang hưởng lương từ nguồn thu nên các đơn vị khó triển khai thực hiện. Do đó, cần tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế quản lý đối với cơ sở giáo dục mầm non công lập, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục theo cơ chế thị trường.

Sở GD&ĐT đề nghị Quốc hội sớm xây dựng, ban hành chính sách về quyền lợi của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tuyển dụng làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại cơ sở giáo dục công lập.

Chính phủ cần xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho sự thành lập, hoạt động của cơ sở giáo dục ngoài công lập, đặc biệt đối với loại hình trường đa cấp học. Bộ GD&ĐT cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện cơ chế tự chủ cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập theo thẩm quyền. Đồng thời tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển GD&ĐT đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 để các địa phương có căn cứ xây dựng kế hoạch, quy hoạch mạng lưới trường lớp...

Xuân Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/huy-dong-nguon-luc-de-thuc-day-giao-duc-mam-non-phat-trien/180355.htm