Hơn 60% san hô toàn cầu bị tẩy trắng để lại những hệ lụy nặng nề và dai dẳng

Hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu không chỉ tác động trực tiếp tới hệ sinh thái biển, nền kinh tế biển bao gồm thủy hải sản, du lịch mà còn ảnh hưởng tới sự an toàn của người dân vùng ven biển.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA) của Mỹ cho biết, vào hồi tháng 4 vừa qua, các rạn san hô trên thế giới đã bị tẩy trắng hàng loạt trên quy mô toàn cầu. Sau 1 tháng quan sát, NOAA đã thống kê được số lượng san hô bị ảnh hưởng hiện lên tới 60,5% và con số này vẫn có thể tiếp tục tăng lên.

 San hô bị tẩy trắng chỉ còn lại màu nhợt nhạt.

San hô bị tẩy trắng chỉ còn lại màu nhợt nhạt.

Hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu

Trong báo cáo ngắn tháng 5, ông Derek Manzello, đại diện của NOAA cho biết, nhiệt độ đại dương đang ở mức khắc nghiệt, do năm nay Trái đất vừa chịu ảnh hưởng bởi khí nhà kính của con người, vừa đón kiểu khí hậu El Nino. El Nino là kiểu thời tiết nước biển ở khu vực Đông Thái Bình Dương nóng lên bất thường, dòng nước ấm này chảy từ Đông Thái Bình Dương hướng về phía Nam. Áp lực nhiệt độ nước biển đã kích thích tảo tự trục xuất ra khỏi mô của san hô. Đó chính là nguyên nhân của hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu.

Hiện nay san hô ở Đại Tây Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 99,7% rạn san hô ở lưu vực phải chịu áp lực tẩy trắng trong năm 2023. Một báo cáo hồi tháng 4/2024 cho thấy, san hô chết tại vùng biển thành phố Huatulco, bang Oaxaca, Mexico thuộc Thái Bình Dương có tỷ lệ lên tới 50 - 93%. Tình hình còn có thể trở nên tồi tệ hơn vào mùa hè 2024 khi nhiệt độ tiếp tục gia tăng ở vùng biển Nam Caribe.

Đợt tẩy trắng san hô toàn cầu lần bắt đầu từ khoảng tháng 2 đến tháng 4/2024. Đó là đợt tẩy trắng san hô quy mô lớn nhất lần thứ 4 được ghi lại trong lịch sử. Các nhà khoa học ghi nhận, đợt tẩy trắng san hô lần 4 đã khiến cho ít nhất 62 quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng. Về quy mô, đợt tẩy trắng san hô năm 2024 diễn ra trên phạm vi rộng chưa từng thấy nhưng về mức độ ảnh hưởng, đợt tẩy trắng san hô năm 2014 - 2017 vẫn được coi là sự kiện tồi tệ nhất do tính nghiêm trọng và dai dẳng.

San hô bị tẩy trắng gây ra nhiều hệ lụy

Như đã biết, các loại tảo nhiều màu sắc chính là nguồn thức ăn của san hô, nên khi chúng tự trục xuất ra khỏi cơ thể của san hô, các rạn san hô sẽ trở nên nhợt nhạt, thiếu sức sống. Khi thiếu nguồn dinh dưỡng, san hô sẽ bị đói, mắc bệnh và dần dần chết.

San hô chỉ bao phủ 1% bề mặt đại dương nhưng lại cung cấp hệ sinh thái cho ¼ sinh vật biển. Những rạn san hô là nơi cư trú, sinh sản và nuôi dưỡng các sinh vật đại dương. Khi san hô bị chết hàng loạt cũng đồng nghĩa với hệ sinh thái biển bị đe dọa nghiêm trọng, đặc biệt là những sinh vật sống phụ thuộc vào chúng. Sinh vật đại dương bị thiếu thức ăn, mất môi trường sống sẽ kéo theo nền kinh tế thủy hải sản đi xuống.

Ngoài ra, các rạn san hô ven biển còn đem tới doanh thu lớn cho ngành du lịch. Chúng chính là điểm thu hút khách du lịch tới tham quan. Theo ước tính của ICRI năm 2020, các rạn san hô có thể đem tới doanh thu khoảng 2,7 nghìn tỷ USD từ hàng hóa và dịch vũ mỗi năm.

Một tác dụng nữa không ngờ tới của rạn san hô đó chính là hàng rào bảo vệ đường bờ biển. Hàng rào này có tác dụng làm giảm sức mạnh của sóng và bảo vệ hàng trăm triệu người dân sống ở vùng ven biển.

 Sự khác biệt giữa san hô bị tẩy trắng và san hô còn khỏe mạnh.

Sự khác biệt giữa san hô bị tẩy trắng và san hô còn khỏe mạnh.

Theo: Reteurs

Gia Tuệ

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/hon-60-san-ho-toan-cau-bi-tay-trang-va-nhung-he-luy-sau-do-88112.html