Hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia quá trình chuyển đổi số

Chiến lược phát triển Tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định 'lấy việc ứng dụng công nghệ làm cơ sở, điều kiện, tiền đề để Hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động'; Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII xác định khâu đột phá: 'Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin'.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Sáng 18/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, hoạt động thực tiễn, chia sẻ, trao đổi thông tin xoay quanh hai chủ đề chính gồm: Những vấn đề lý luận và bối cảnh chung của chuyển đổi số hiện nay; Chuyển đổi số trong hoạt động Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; những mô hình thực tiễn, các giải pháp nhằm thúc đẩy việc hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số.

Đặc biệt, Hội thảo tập trung cung cấp các thông tin quan trọng cả về lý luận và thực tiễn để Hội xây dựng Đề án hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số đến năm 2030 trình Chính phủ phê duyệt, góp phần thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Trình bày đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, phụ nữ chiếm một nửa dân số, vì vậy chuyển đổi số sẽ chỉ thực sự thành công khi phụ nữ tích cực tham gia vào tất cả các trụ cột của chuyển đổi số là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời họ cần được thụ hưởng lợi ích do chuyển đổi số mang lại.

Sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào quá trình chuyển đổi số không chỉ là vì mục tiêu bình đẳng giới mà còn mang lại lợi ích kinh tế và hiệu quả cho chuyển đổi số khi quá trình này có được quan điểm, kinh nghiệm của tất cả các nhóm đối tượng trong xã hội.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, xác định là tổ chức tiên phong vì bình đẳng và phát triển của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình, đồng thời hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Chiến lược phát triển Tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định “lấy việc ứng dụng công nghệ làm cơ sở, điều kiện, tiền đề để Hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động”; Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII xác định khâu đột phá: “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”.

 Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương trình bày đề dẫn.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương trình bày đề dẫn.

Các chương trình mục tiêu quốc gia mà Hội tham gia cũng như các Đề án của Chính phủ giao Hội chủ trì thực hiện đều đặt ra các yêu cầu, giải pháp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động.

Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số của các cấp Hội còn đang gặp không ít khó khăn. Cho đến nay, Hội mới đang trong quá trình xây dựng Đề án hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số đến năm 2030 để trình Chính phủ phê duyệt nên còn thiếu cơ chế để thực hiện chuyển đổi số; năng lực cán bộ các cấp chưa đồng đều, nhận thức về chuyển đổi số chưa đầy đủ, cơ sở vật chất hạn chế.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Toàn, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Công nghệ thông tin, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, mặc dù có một loạt các sáng kiến đã được đề xuất nhưng vẫn còn thiếu một chính sách nhất quán về việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong cách mạng công nghệ số.

Công nghệ số có thể mang lại cơ hội mới cho phụ nữ, nhưng công nghệ chỉ một mình không thể giải quyết các vấn đề hệ thống gây ra khoảng cách giới số. Trọng tâm cần đặt vào các biện pháp chính sách cụ thể thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong cách mạng số, đồng thời đối phó với các định kiến ăn sâu vào văn hóa gây ra phân biệt đối xử và thậm chí bạo lực đối với phụ nữ.

Chính vì thế, cần bảo đảm rằng các công nghệ mới được phát triển trong một khuôn khổ quy định ưu tiên, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của phụ nữ. Việc đầu tư vào giáo dục bắt buộc và kỹ năng số cho phụ nữ nhằm thu hẹp khoảng cách giới số. Phụ nữ phải có quyền truy cập vào đào tạo, tái đào tạo đặc biệt là trong các lĩnh vực tiên tiến như khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Công nghệ thông tin Nguyễn Đức Toàn chia sẻ tại hội thảo.

Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Công nghệ thông tin Nguyễn Đức Toàn chia sẻ tại hội thảo.

"Cần thiết phải thiết lập các động cơ, mục tiêu và mục tiêu cụ thể để tuyển dụng, giữ chân và thúc đẩy phụ nữ tại nơi làm việc, cũng như bảo đảm sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo", Tiến sĩ Nguyễn Đức Toàn nhấn mạnh.

Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng, cần bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện cơ hội để phụ nữ khẳng định được vai trò của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống hiện nay, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội; có những chính sách hỗ trợ giúp phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm, chia sẻ giúp phụ nữ phát triển kinh tế số...

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nhấn mạnh, phụ nữ cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, tích cực học hỏi nỗ lực phấn đấu, chấp nhận sự thay đổi, không ngừng nâng cao kỹ năng công nghệ, trình độ ngoại ngữ để có thể thích ứng và đáp ứng trước những đòi hỏi của việc làm chất lượng cao và sự dịch chuyển lao động trong kỷ nguyên công nghệ số.

Đồng thời, cần tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ, tạo ra nhiều động lực mới để thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ phát huy tài năng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ho-tro-hoi-vien-phu-nu-tham-gia-qua-trinh-chuyen-doi-so-post809964.html