Hiểu về bản chất người - Thận trọng, khiêm tốn khi phán xét

Có phải bạn cũng cảm nhận giống như tôi: cuộc sống này quá vội vã, tất bật đến độ hầu như sau một hành trình làm việc, sinh tồn mệt mỏi đều có nhu cầu để 'chữa lành', tự bình an. Thực tế thì chúng ta đang có những cảm nhận xã hội - những điều đã được tích lũy từ ấu thơ đang làm cơ sở cho mọi hành động hiện tại. Bạn thực sự muốn khám phá về điều đó trên nguyên lý khoa học, cặn kẽ nhất ? Cuốn 'Hiểu về bản chất con người' của tác giả Alfred Adler là một gợi ý không tồi.

Bộ môn Tâm thần học luôn đòi hỏi vốn kiến thức sâu về bản chất con người. Điểm tựa của bộ môn khoa học này nằm ở việc phân tích đời sống tinh thần trong giai đoạn ấu thơ. Ai cũng có thể là nguồn dữ liệu quý để củng cố cho công cuộc nghiên cứu về bản chất con người.

Alfred Adler đã thận trọng và điềm đạm khi nói rằng: hãy hết sức khiêm tốn khi đưa ra nhận xét về bất cứ ai và trên hết đừng bao giờ cho phép bản thân phán xét về giá trị đạo đức của một con người. Bất cứ ai chưa thông thạo kiến thức và phương pháp trong khoa học về bản chất con người sẽ chật vật khi nỗ lực giúp người khác cải thiện bản thân.

Cũng theo tác giả, chúng ta cần nắm vững về nhu cầu tương tác xã hội của con người để thấu hiểu hành vi của mỗi cá nhân.

Nếu ấu thơ, bậc cha mẹ không thể hiện tình yêu thương một cách lành mạnh thì đứa trẻ sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn. Một nền giáo dục không bộc lộ tình yêu thương, quá áp đặt hoặc quá mềm yếu đều gây ra những nguy hại cho trẻ. Do cảm nhận xã hội kém phát triển, những đứa trẻ được nuông chiều thường tập trung vào bản thân thay vì nghĩ cho người khác. Chúng thường có triết lý sống tiêu cực và không thể hạnh phúc.

Mục đích tồn tại của mỗi cá nhân được quyết định bởi chính cảm giác mặc cảm, thiếu sót và thiếu an toàn. Từ khi mới chào đời, chúng ta đã có mong muốn được cha mẹ mình quan tâm, chăm sóc. Chúng ta đã sớm có khao khát được công nhận cảm giác yếu ớt càng khiến chúng ta nỗ lực vượt qua những chướng ngại trong môi trường sống. Mục tiêu của mỗi cá nhân sẽ tùy theo cảm nhận xã hội của người này sâu sắc tới mức độ nào. Dù là trẻ con hay người lớn, chúng ta đều phải đánh giá một đối tượng dựa trên tương quan giữa hai yếu tố này. Mục tiêu cá nhân sẽ đem lại những giá trị về tinh thần, phát triển óc sáng tạo và quyết định xem chúng ta.

Hãy thử nghĩ về đường kinh tuyến, chúng không tồn tại trong thực tế nhưng lại rất hữu dụng. Đối với các chức năng tâm thần, chúng ta cần tạo ra điểm giả tưởng để tự định hình lại giữa cuộc sống hỗn độn để sắp xếp và phân loại các cung bậc cảm xúc cũng như tự đánh giá những giá trị tinh thần mà chúng ta đã gặt hái được.

Tác giả Alfred Adler đã dày công tìm hiểu về cái gọi là sự phát triển cảm nhận xã hội. Chính góc nhìn từ sự phát triển của cảm nhận xã hội sẽ giúp mỗi cá nhân vượt qua nhiều trở ngại trong cuộc sống. Có lẽ vì vậy mà có những người dành cả đời để đấu tranh cho cuộc sống và cũng có người sống mãi trong đau khổ.

Trong quá trình nghiên cứu, chúng ta phải khám phá được những điều đã xảy ra trong giai đoạn đầu đời, bởi những gì trẻ ấn tượng khi ấy sẽ quyết định khuynh hướng phát triển và cách phản ứng với những thử thách trong cuộc sống. Dù mỗi độ tuổi sẽ bộc lộ cảm xúc theo một cách khác nhau, thái độ sống hình thành từ giai đoạn đầu đời sẽ không thay đổi. Vì vậy, ngay từ khi mới sinh, đứa trẻ cần được bao bọc bởi những mối quan hệ có thể giúp trẻ có được khái niệm đúng đắn về cuộc sống. Trong quá trình phát triển, vị thế xã hội của trẻ, tính cách của những người thân trong gia đình đóng vai trò quan trọng không kém gì bản thân nội lực và sức đề kháng của chính đứa trẻ.

Công cuộc thay đổi một con người không hề đơn giản. Quá trình này đòi hỏi thái độ lạc quan, sự nhẫn nại và đặc biệt là không có chỗ cho sự ngạo mạn, bởi chúng ta không tìm cách thay đổi một người chỉ để thỏa mãn cái tôi của mình.

Hệ quả rõ ràng nhất từ kết quả nghiên cứu này trong toàn bộ cuốn sách đã mở ra rất nhiều giá trị tích cực trong giáo dục. Nhận thức về các nguyên do dẫn đến sai lầm cho chúng ta rất nhiều công cụ và tri thức để cải thiện tình hình. Một cách thận trọng nhất, chúng ta vẫn phải khẳng định với nhau là: Bằng việc phân tích cấu trúc tinh thần và sự phát triển của một cá nhân, chúng ta không chỉ hiểu thêm về quá khứ của chính con người đó mà còn có thể suy luận về những khả năng trong tương lai.

Sự phát triển của cảm nhận xã hội cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng của việc hình thành nhân cách sống và bản lĩnh sống. Nó đóng vai trò trong việc cá nhân nào muốn tự quyết định số phận của mình thay vì trở thành nạn nhân của những khuynh hướng bi quan.

Như vậy bộ môn khoa học dựa trên lý luận tâm thần học giải mã sự liên kết giữa tâm lý, tinh thần hiện tại mang những tổn thương trong quá khứ và sự ảnh hưởng của xã hội sẽ cho chúng ta những khái niệm về con người và đưa ra những cảm nhận phong phú và ý nghĩa về giá trị của họ. Tất nhiên, đây là bộ môn khoa học chỉ thực sự sống động qua những thực nghiệm cá nhân con người. Và đúng như Alfred Adler đã nói: hãy cực kỳ khiêm tốn khi nhận xét bất cứ một ai và việc bản thân giúp người khác thay đổi không phải vì thỏa mãn cái tôi của chính mình.

Nguyễn Hường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/hieu-ve-ban-chat-nguoi-than-trong-khiem-ton-khi-phan-xet-31093.htm