Hành trình khám phá thế giới và gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc của nữ sinh trường Báo

Thân Trần Bảo Ngọc (sinh năm 2002) là sinh viên năm 3 chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Bảo Ngọc đại diện cho thế hệ trẻ truyền cảm hứng đến các bạn sinh viên tham gia chương trình quốc tế. Điểm đặc biệt của Bảo Ngọc chính là khả năng gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.

Mình sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh - một vùng đất miền trung đầy nắng gió với những con người hiền lành nhưng lại chịu nỗi đau chiến tranh dai dẳng. Hàng xóm xung quanh mình có rất nhiều người bị nhiễm chất độc da cam, có cuộc sống đầy trắc trở nghèo khổ. Mình tự hứa với bản thân lớn lên sẽ trở thành một người mang lại hòa bình không chỉ cho quê hương mà còn cho đất nước Việt Nam và toàn thể nhân loại. Đó là lý do mình chọn học ngành Quan hệ quốc tế.

Thân Trần Bảo Ngọc (sinh năm 2002) chụp ảnh tại Trụ sở ASEAN.

Trong quá trình học, mình đọc nhiều sách và tiếp cận với tài liệu phim ảnh, tìm hiểu về thế giới rộng lớn bên ngoài. Mỗi khi đọc những cuốn sách hay xem những bộ phim đó, mình càng khao khát được trực tiếp trải nghiệm thế giới, gặp gỡ con người từ mọi miền đất nước, lắng nghe và học hỏi từ câu chuyện của họ, để tích lũy thêm kinh nghiệm sống. Điều này không chỉ có ích cho chuyên ngành của mình, sự nghiệp trong tương lai, mà còn giúp mình phát triển và trưởng thành, trở thành một người toàn diện hơn. Từ những kiến thức trên sách vở và bằng sự nỗ lực chăm chỉ học tập của bản thân, mình đã có cơ hội được trải nghiệm và học tập khi tham gia các sự kiện, các hội nghị lớn ở nhiều nước trên thế giới.

Bảo Ngọc là đại biểu Diễn đàn Kinh tế - xã hội Liên hợp quốc UN ECOSOC Youth Forum tại trụ sở Liên Hợp Quốc, New York, Hoa Kỳ.

Trải nghiệm đáng nhớ khi mình đến Mỹ, đó là lần đầu tiên mình thấy tuyết rơi và cũng là lần đầu học bằng tiếng Anh, tuy ban đầu khó hiểu nhưng càng học càng thấy hay. Những ngày ở Mỹ, mình đã gặp và làm quen với bạn bè đến từ hơn 50 quốc gia. Mình được trải nghiệm tết Holi của người Ấn Độ, lễ Ramadan của các bạn đạo Hồi, nghe nhạc dân tộc của Kazakhstan, và được thử những món ăn của Chile,... mỗi lần “chạm” tới một nền văn hóa khác nhau, mình cảm thấy được mở mang trí óc hơn rất nhiều. Và đương nhiên mình cũng có dịp đưa Việt Nam ra thế giới, giới thiệu với bạn bè về văn hóa dân tộc mình.

Bảo Ngọc là đại biểu Việt Nam tại GlobalUGRAD.

Trả nghiệm đáng nhớ tiếp theo là tại hội nghị Lãnh đạo trẻ ASEAN - Trung Quốc (ASEAN - China Young Leaders Program) được tổ chức ở Campuchia, trong một buổi tối nói chuyện với các bạn trẻ ở 10 nước ASEAN và Trung Quốc. Đặc biệt, nhờ những bạn đến từ Myanmar, mình được nghe câu chuyện về tình hình chiến sự đang diễn ra tại quê hương của họ. Điều này đã gây cho mình sự ngạc nhiên và xúc động, khi nhận thức về mức độ tàn bạo của cuộc chiến vẫn còn đang hiện hữu hàng ngày mà người dân Myanmar phải chịu đựng. Song vì lượng thông tin trên báo đài rất ít nên mình hầu như không biết được nhiều. Chỉ khi nghe tận tai từ những người dân Myanmar sinh sống trên đất nước đó, mình mới thực sự nhận ra quy mô tàn phá của chiến tranh, cảm nhận sự đau khổ của các bạn và nhận thấy bản thân còn rất may mắn khi có cơ hội sống trong một quốc gia hòa bình và tươi đẹp. Những câu chuyện như vậy là điều mà truyền thông không thể truyền tải hết, chính điều đó khiến mình trân trọng hơn những câu chuyện từ người thật việc thật, sự kết nối giữa những con người xa lạ, với những khác biệt về ngôn ngữ, lãnh thổ,... nhưng lại đồng lòng với một lý tưởng chung là hòa bình nhân loại.

Bảo Ngọc chụp ảnh tại hội nghị Lãnh đạo trẻ ASEAN - Trung Quốc.

Tại mỗi chương trình mình tham gia đều có một đêm gọi là Cultural night - giao lưu văn hóa. Khi mình đến Nhật Bản và tham dự chương trình Mô phỏng ASEAN, 11 nhóm đại biểu của 10 nước ASEAN và Nhật Bản được yêu cầu chuẩn bị các quầy hàng gồm các sản phẩm tiêu biểu của nước mình. Đoàn Việt Nam chuẩn bị nón lá, cà phê, các loại bánh trái, phong bao lì xì,... hòa giữa sắc cờ và các sản phẩm nổi bật của các đoàn khác. Khi đến phần biểu diễn văn nghệ, đoàn Việt Nam đã trình bày ca khúc See tình của Hoàng Thùy Linh, và được sự ủng hộ nhiệt tình từ bạn bè quốc tế. Bài hát này đã rất nổi tiếng trong cộng đồng ASEAN, vì vậy mọi người đều biết cách nhảy theo với sự hăng say. Các tiết mục biểu diễn từ các quốc gia khác cũng rất đặc sắc. Mình nghĩ đây chính là 1 điều nổi bật của các chương trình giao lưu thanh niên - kết nối thông qua văn hóa quốc gia, mình tự hào là một cầu nối giữa dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế. Khi đó, mình cảm thấy yêu hơn nữa đất nước Việt Nam và các nước bạn.

Bảo Ngọc là chủ tọa hội đồng ASEAN Regional Forum tại AWMUN.

Tuy nhiên không phải mọi thứ đều thuận lợi. Trước tiên, một khó khăn đáng kể là ngoại ngữ. Mình cần phải trau dồi nhiều hơn để hiểu các bạn và đọc được tài liệu chuyên ngành. Hơn nữa, mỗi khu vực trên thế giới lại có cách diễn đạt tiếng Anh riêng, với giọng địa phương và âm điệu đặc trưng. Tiếng Anh không phải lúc nào cũng giống như trong phim, ví dụ, người Thái Lan thường thêm từ "na" vào cuối câu, trong khi tiếng Anh của người Singapore thường ngắn gọn và súc tích, không tuân thủ đầy đủ ngữ pháp. Điều này yêu cầu mình phải luyện nghe nhiều, tương tác với bạn bè để thích nghi được với những khác biệt này.

Thứ hai là khác biệt về văn hóa, các đại biểu đến từ nhiều vùng miền khác nhau, mỗi người mang theo một nền văn hóa, quan điểm và tư duy. Điều này dẫn đến sự khác biệt quan điểm và ý kiến về một số vấn đề. Do đó, việc lắng nghe và tìm kiếm điểm chung là một yếu tố quan trọng. Sự tôn trọng luôn được đặt lên hàng đầu trong mọi tương tác. Sức khỏe cũng là điều quan trọng vì mỗi quốc gia mình từng đặt chân đến đều có 1 kiểu khí hậu đặc trưng, từ vùng quá nóng đến vùng quá lạnh. Bên cạnh đó, lịch trình dày đặc của các chương trình giao lưu quốc tế nên mình thường mệt mỏi và kiệt sức. Để vượt qua điều này, mình luôn giữ tinh thần lạc quan vui vẻ, cùng với việc chuẩn bị đầy đủ thuốc phòng và hỗ trợ sức khỏe. Trong tương lai, mình vẫn muốn tiếp tục trau dồi vốn ngoại ngữ, cũng như học thêm về kiến thức, văn hóa, con người Việt Nam để đưa Việt Nam ra thế giới.

Bảo Ngọc cùng các đại biểu nhận giải thưởng Nhóm Đại biểu xuất sắc nhất tại Hội nghị mô phỏng ASEAN - Nhật Bản.

Tiếp tục đăng ký tham gia những chương trình giao lưu quốc tế trong khu vực và trên thế giới, tập trung vào các chủ đề như mục tiêu phát triển bền vững của liên hợp quốc (Sustainable development goals SDGs), kinh tế tuần hoàn, giao lưu văn hóa, vai trò của thanh niên trong việc thực thi các chính sách công,...

Song song với đó là tập trung hoàn thành chương trình cử nhân, chuẩn bị cho chương trình học sau đại học.

Mình nghĩ rằng khi còn trẻ, việc học trong sách vở trường lớp là điều cần thiết, song thế giới còn nhiều hơn thế. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Nên khi còn trẻ, còn khỏe hãy cứ trải nghiệm. Đi để thấy bản thân có những gì, còn thiếu những gì, để chiêm nghiệm và khám phá thế giới xung quanh. Được kết nối, làm quen với những con người từ nhiều nền văn hóa khác nhau để lắng nghe câu chuyện từ họ, giúp mình có thêm vốn kiến thức về văn hóa mà trước nay chưa từng biết. Quan trọng hơn là đi để mang Việt Nam ra với thế giới, đại diện cho tinh thần dân tộc hào hùng và thêm yêu dải đất hình chữ S này. Cuối cùng trở về, dùng những kiến thức, kinh nghiệm góp nhặt được trong hành trình giao lưu quốc tế về Việt Nam dựng xây đất nước.

Trải qua những thành tựu của bản thân, mình không coi đó là điều gì lớn lao, mà xem đó là những cơ hội may mắn để trải nghiệm. Để có được may mắn đó, mình nghĩ các bạn trẻ cần củng cố và trau dồi những yếu tố sau đây. Đầu tiên, nên chú trọng vào việc học hành và đạt điểm GPA tối thiểu là điểm giỏi. Phải cố gắng học thật tốt ở trường, việc học tốt kiến thức không chỉ là việc có bảng điểm đẹp, mà còn tích lũy kiến thức để hiểu sâu về cuộc sống và có một nền tảng lý thuyết vững chắc. Điều này sẽ giúp họ tự tin tham gia các chương trình quốc tế và có kiến thức để trình bày.

Thứ hai, tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại khóa ở nhiều cấp độ, bao gồm cả quốc gia, khu vực và quốc tế. Điều này sẽ giúp các bạn phát triển kỹ năng mềm cần thiết và xây dựng mối quan hệ. Kinh nghiệm từ các hoạt động ngoại khóa cũng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc apply và tham gia các chương trình giao lưu thanh niên quốc tế.

Trao giải cho các tập thể xuất sắc tại hội nghị Lãnh đạo trẻ ASEAN - Trung Quốc.

Tiếp đến là cần trau dồi ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Việc sở hữu thêm một ngoại ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ là vô cùng quan trọng trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, khi mà các quốc gia đang ngày càng hội nhập với nhau. Tiếng Anh trong một số trường hợp, là công cụ cần thiết để giao tiếp với đại biểu trong các chương trình, nghiên cứu tài liệu, thuyết trình và nhiều hơn nữa.

Hơn nữa, cần duy trì việc cập nhật thông tin về tình hình thế giới và nỗ lực tìm hiểu sâu về các nền văn hóa trên thế giới. Tuy nhiên, không nên quên tiếng Việt và văn hóa Việt, mà ngược lại, càng ngày càng hiểu và trân trọng văn hóa của quốc gia mình. Khi tham gia vào một chương trình quốc tế, chúng ta trở thành đại diện cho dân tộc và giới thiệu đất nước Việt Nam cho bạn bè quốc tế, vì vậy cần nắm vững kiến thức về lịch sử, kinh tế và chính trị của Việt Nam.

Bảo Ngọc trải nghiệm làm giấy truyền thống Nhật Bản.

“The sky is the limit” - giới hạn là bầu trời và “shoot for the moon, even if you miss, you’ll land among the stars” - Hãy nhắm tới mặt trăng. Dù trượt, bạn cũng sẽ đứng giữa những vì sao. Đây là hai câu danh ngôn mà mình luôn khắc sâu trong tâm trí mỗi khi quyết định tham gia một chương trình giao lưu quốc tế.

Tự tin vào khả năng của chính mình là điều quan trọng, như câu danh ngôn trên mình nói. Luôn giữ thái độ cầu tiến. “Sometimes you win, sometimes you learn” - đôi khi bạn thắng, đôi khi bạn học được cái gì đó. Nếu bạn không được nhận vào một chương trình mà bạn đã ứng tuyển, điều đó không có nghĩa là bạn thất bại. Thay vào đó, đó chỉ đơn giản là một cơ hội để học thêm kiến thức và kỹ năng mới. Mình hy vọng mỗi người trẻ sẽ đặt mục tiêu cao, tin tưởng vào khả năng của mình và tự tin khám phá thế giới xung quanh.

Thành tích nổi bật của Bảo Ngọc:

Đại biểu Việt Nam chương trình Hội nghị sinh viên ASEAN - Nhật Bản JENESYS tại Nhật Bản;
Chủ tọa hội đồng ASEAN Regional Forum tại Asia World Model United Nations VI tại Thái Lan;
Đại biểu Việt Nam tham gia ECOSOC Youth Forum 2023 tại trụ sở Liên Hợp Quốc, New York, Hoa Kỳ;
Thành viên workshop “Leadership In Action” tổ chức bởi World Learning tại Washington DC, Mỹ;
Học bổng trao đổi GlobalUGRAD của chính phủ Mỹ;
Đại biểu Lãnh đạo trẻ ASEAN - Trung Quốc tại Campuchia do ASEAN Foundation tổ chức;
Đại biểu Việt Nam chương trình Đối thoại Lãnh đạo trẻ Việt Nam - Singapore do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội đồng thanh niên Quốc gia Singapore phối hợp tổ chức;
Học bổng học tập xuất sắc của Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong 4 kỳ liên tiếp;
Giấy Khen của Đoàn Trường cho thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm học 2020-2021;
Đại sứ truyền thông cho các cuộc thi của sinh viên về tiếng Anh, khởi nghiệp, doanh nghiệp xã hội, phát triển bền vững và trao đổi thanh niên.

(Ảnh: NVCC)

Phương Nhi (Ghi)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hanh-trinh-kham-pha-the-gioi-va-gin-giu-phat-huy-ban-sac-dan-toc-cua-nu-sinh-truong-bao-post1633861.tpo