Hán Đà đa dạng hóa các mô hình kinh tế

Để từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Hán Đà, huyện Yên Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân đa dạng hóa các loại hình phát triển kinh tế tạo việc làm, nâng cao thu nhập; qua đó, hình thành các vùng phát triển kinh tế chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Lãnh đạo xã Hán Đà trao đổi với nhân dân về phát triển mô hình kinh tế nông lâm nghiệp.

Lãnh đạo xã Hán Đà trao đổi với nhân dân về phát triển mô hình kinh tế nông lâm nghiệp.

Sẵn có diện tích đất rộng, hơn 4 ha, năm 2015, ông Bùi Mạnh Cường thôn Phúc Hòa tập trung cải tạo diện tích đất chân đồi thấp để trồng bưởi. Ông Cường lựa chọn các giống bưởi để trồng như: bưởi Thanh Hà, bưởi da xanh, bưởi Hòa Bình, bưởi Cát Quế, vì đây là giống bưởi quả to, chất lượng, mẫu mã đẹp. Đến năm 2018, bưởi bắt đầu ra quả, vụ đầu tiên ông Cường thu về 30 triệu đồng. Từ thành công bước đầu, ông Cường tiếp tục mở rộng diện tích lên gần 2 ha và vụ bưởi năm 2023 thu về gần 500 triệu đồng.

Ông Cường cho biết: "So với các loại cây trồng khác, cây bưởi dễ trồng hơn, không kén đất. Nếu chăm sóc tốt, từ năm thứ 5 trở đi mỗi cây sẽ cho thu hoạch 2 - 3 tạ quả/vụ. Điều quan trọng là chăm sóc thế nào để cho thu hoạch tháng 11, 12 âm lịch thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn”.

Nhiều năm trước, ông Đỗ Văn Nhất, thôn An Lạc 4 đã thực hiện mô hình nuôi lợn thịt và gia cầm. Tuy nhiên, vì chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2022, ông tập trung vốn mở rộng quy mô chăn nuôi gà theo quy mô trang trại với 3.000 con/lứa. Nhờ đầu tư chăn nuôi bài bản, tích cực tìm hiểu kỹ thuật qua sách báo, các trang mạng và tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn về thú y do xã, huyện tổ chức để nên mỗi năm ông xuất bán 3 lứa gà thịt, thu lãi trên 100 triệu đồng.

Ông Nhất cho biết: "Quan trọng là phải lựa chọn con giống chất lượng tốt thì chăn nuôi mới bảo đảm. Bên cạnh đó, tôi cũng phải tìm hiểu nhu cầu thị trường cũng như giá thức ăn gà thịt để điều chỉnh quy mô chăn nuôi hợp lý thì hiệu quả kinh tế mới cao”.

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh, sản phẩm sạch, chất lượng cao của khách hàng cũng như bảo đảm sức khỏe của cộng đồng, năm 2017, Hợp tác xã (HTX) Cựu chiến binh Hán Đà thành lập với quy mô sản xuất 80 ha chè. Từ khi thành lập, HTX đã quan tâm, chú trọng hướng dẫn các thành viên và các hộ dân tổ chức sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2019, HTX được cấp Chứng nhận VietGAP cho 21,09 ha chè của 34 hộ thành viên, sản lượng hàng năm đạt khoảng 300 tấn chè búp tươi chất lượng cao".

"Cùng với đó, HTX còn thực hiện rất tốt chuỗi liên kết với nông dân để mở rộng vùng nguyên liệu theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, đảm bảo hợp tác lâu dài, bền vững. HTX đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật công nghệ từ Tổ chức Ofam thông qua Liên minh HTX tỉnh Yên Bái đầu tư và vận hành lò đốt khí hóa sinh khối thay thế cách sao chè kiểu cũ. Đến năm 2021, sản phẩm Chè xanh Hán Đà đã được cấp Chứng nhận OCOP 3 sao và được UBND tỉnh cho phép HTX đăng ký, quản lý và sử dụng tên địa danh "Hán Đà” để đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "Chè xanh Hán Đà” và xác nhận bản đồ khu vực địa lý tương ứng sản phẩm gắn với Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "Chè xanh Hán Đà”, ông Nhất nói thêm.

Nhờ đa dạng hóa các loại hình phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế trên địa bàn xã Hán Đà có sự chuyển dịch tích cực. Xã đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: vùng chè kinh doanh với tổng diện tích 160 ha, sản lượng chè đạt 1.986 tấn/năm, doanh thu gần 15 tỷ đồng mỗi năm; vùng cây ăn quả các loại diện tích 230 ha; trong đó, diện tích bưởi cho thu hoạch trên 181 ha, doanh thu gần 20 tỷ đồng/năm; diện tích trồng rừng tập trung hàng năm đạt 105 ha; vùng sản xuất lúa 130 ha.

Các mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh phát huy tốt hiệu quả, góp phần nâng tổng đàn gia súc chính hàng năm đạt trên 4.100 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 485 tấn. Vùng chuyên canh nuôi thủy sản với diện tích quây lưới trên hồ Thác Bà 22 ha và 520 lồng cá. Trên địa bàn xã có 5 công ty, 3 hợp tác xã và 22 xưởng gỗ bóc, gỗ ép, 3 xưởng cơ khí… tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Nhờ đó hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm xuống còn 0,78%, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm.

Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, xã Hán Đà tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề dịch vụ, phát triển các tổ hợp tác, HTX và các mô hình hộ chăn nuôi thủy sản, từng bước giúp người dân vươn lên làm giàu, góp phần quan trọng vào thực hiện xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.

Ông Phạm Xuân Trường - Chủ tịch UBND xã Hán Đà cho biết: Trên cơ sở tận dụng các tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng như các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, xã vận động nhân dân mở rộng quy mô phát triển kinh tế gia đình, nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã. Trong đó, chú trọng thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn những giống cây, con có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi; khuyến khích, hỗ trợ, nhân rộng các mô hình có hiệu quả theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao.

Thanh Tân

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/322718/han-da-da-dang-hoa-cac-mo-hinh-kinh-te.aspx