Hà Nội sẽ có hai quận mới | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội sẽ có thêm hai quận mới; Công ty vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông lãi tăng vọt nhờ đâu?; Hà Nội hỗ trợ tới 100% phí phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ có thêm hai quận mới

Thông tin được đưa ra ngày 15/5 tại kỳ họp thứ 16, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16. Theo đó, từ nay đến năm 2025 Hà Nội phấn đấu đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm thành quận. Với các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, hiện thành phố đang triển khai công tác xây dựng đề án thành lập quận và các phường thuộc quận. Dự kiến hoàn thành trước năm 2030.

Đến nay huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tối thiểu đối với một quận quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc đang phối hợp với hai huyện để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Bộ Xây dựng. Để đảm bảo và bổ trợ cho tiến trình lên quận vào năm sau, Đông Anh và Gia Lâm được đặc biệt quan tâm và tập trung đầu tư triển khai hàng loạt dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm.

Huyện ủy - Hội đồng Nhân dân - UBND huyện Gia Lâm. Ảnh: kinhtevadubao

Huyện ủy - Hội đồng Nhân dân - UBND huyện Gia Lâm. Ảnh: kinhtevadubao

Theo các chuyên gia, lên quận phải là quá trình chuyển đổi và sẵn sàng của bộ máy hành chính trong việc xử lý các vấn đề đô thị về phát triển kinh tế trên địa bàn, về giao thông, thoát nước, phòng cháy chữa cháy… Tất cả đều khác với giai đoạn quản lý địa bàn nông thôn.

Nếu trước đây nói đến Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng là nói đến đồng ruộng, làng nghề, những ao hồ, chuồng trại với những người nông dân thì sau 2025 sẽ có một bộ mặt hoàn toàn khác. Điểm nhấn của các quận mới thành lập phải là các đô thị thông minh, giao thông hiện đại. Sẽ có siêu thị, trung tâm mua sắm thay dần cho chợ quê. Sẽ có trung tâm sáng tạo phục vụ nghiên cứu và phát triển, khu công viên phần mềm, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu đô thị mới với hạ tầng nông thôn hiện nay.

Theo KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội, việc đưa huyện lên quận là điều đáng mừng nhưng cũng đáng lo. Bởi nếu quy hoạch không tốt, các đô thị vùng ven của Hà Nội sẽ phát triển như vết dầu loang - đô thị cứ lớn dần từ trong đẩy ra ngoài lộn xộn và để lại những hệ quả tiêu cực nhiều hơn là tích cực.

Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy rất nhiều đô thị phát triển thiếu kiểm soát và đến nay hầu như không thể khắc phục được hoặc muốn khắc phục thì phải cần đến nguồn lực khổng lồ. Manila của Philippines là một ví dụ. Đây vốn là thành phố cảng nằm bên vịnh biển và phát triển theo kiểu vết dầu loang, dần trở thành một đại đô thị không có ngoại ô. Nông dân không còn đất làm nông nghiệp, tràn vào thành phố bán hàng rong và làm đủ các việc không tên. Ngày nay, siêu đô thị Manila có hơn 11 triệu người, tình trạng kẹt xe, ngập nước, khu ổ chuột đã trở thành vấn đề cực kỳ nan giải.

Ngay tại thủ đô Hà Nội, bài học kinh nghiệm khi có huyện trở thành quận phát triển đô thị rất nhanh như quận Nam Từ Liêm. Nhưng bình quân thu nhập vẫn thấp; thu ngân sách địa phương phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ đất đai. Cho nên với các huyện trước hết là Gia Lâm, Đông Anh, sau này là Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, phải tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh. Nhất là phải khơi mở nguồn lực về văn hóa, trước hết là các di tích văn hóa, lịch sử, các lễ hội, làng nghề sẵn có.

Như huyện Gia Lâm, theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, huyện có hơn 300 di tích, trong đó có hai di tích gắn với hai trong Tứ bất tử của Việt Nam là Phù Đổng Thiên Vương và Chử Đồng Tử. Nhưng hai di tích này chưa phát huy được giá trị to lớn để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ và sinh kế cho người dân. Với huyện Đông Anh sở hữu di tích Cổ Loa độc đáo với hàng loạt truyền thuyết, huyền tích đầy sức hút. Nhưng khả năng khai thác nguồn lực văn hóa biến thành sức mạnh về thương mại, dịch vụ vẫn còn còn ở dạng tiềm ẩn.

Thực tế đang đặt ra yêu cầu đối với các huyện là phải đổi mới tư duy và hành động. Mấu chốt là tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Bởi lên quận thực chất phải bằng nội lực không ai có thể làm thay. Mọi việc không đơn thuần chỉ là đổi chữ “huyện” thành “quận”, mà vấn đề cốt lõi là cuộc sống của người dân phải được thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

Công ty vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông lãi tăng vọt nhờ đâu?

với hơn 30.000 người dân đi tàu điện trên cao mỗi ngày, đơn vị vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông vừa có báo lãi gấp gần 6 lần năm trước tương đương hơn 13 tỷ đồng.

Công ty TNHH Một thành viên đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) - đơn vị quản lý, vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho biết, đây là năm thứ hai liên tiếp công ty có lợi nhuận dương trở lại sau nhiều năm chịu lỗ. Báo cáo tài chính đã kiểm toán cho thấy, doanh thu Hanoi Metro đạt hơn 515 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2022. Trong cơ cấu doanh thu, nguồn thu từ cung cấp dịch vụ tức bán vé chỉ chiếm 74 tỉ đồng. Trong khi giá vốn hàng bán tiếp tục tăng 8,6%, lên tới 507 tỉ đồng cả năm 2023.

Việc trợ giá 441 tỷ đồng trong năm qua của TP Hà Nội đã bù đắp phần thiếu hụt cho Hanoi Metro bởi vì doanh thu thực tế từ bán vé không đảm bảo chi phí. Đồng thời còn giúp Hanoi Metro có lợi nhuận gộp 7,8 tỉ đồng. Theo báo cáo, doanh thu hoạt động tài chính của công ty này tăng mạnh gấp 12,7 lần lên gần 26,6 tỷ đồng. Toàn bộ đều đến từ lãi tiền gửi khi công ty đang có hơn 685 tỷ đồng nhàn rỗi trong ngân hàng. Trong khi đó, Hanoi Metro cắt giảm được toàn bộ chi phí lãi vay nên không ghi nhận chi phí tài chính trong kỳ.

Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đường sắt đô thị là lĩnh vực dịch vụ công nên với mức giá rẻ có trợ giá để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Việc trợ giá cho đường sắt đô thị được quy định trong Luật đường sắt. Lợi ích kinh tế của dự án công cộng là lợi ích kinh tế tổng thể không đo đếm hay nhìn thấy được.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13 km đi trên cao với 12 nhà ga, chính thức được đưa vào vận hành thương mại từ cuối năm 2021.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13 km đi trên cao với 12 nhà ga, chính thức được đưa vào vận hành thương mại từ cuối năm 2021.

Hiện nay, giá vé thấp nhất cho một lượt di chuyển là 8.000 đồng và nếu đi toàn tuyến là tối đa 15.000 đồng. Đối với giá vé ngày không bị giới hạn lượt di chuyển là 30.000 đồng/ngời. Vé tháng cho khách phổ thông là 200.000 đồng/người và giá vé tháng dành cho các học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp là 100.000 đồng. Hiện metro Cát Linh - Hà Đông đã chứng minh được tính ưu việt của một phương thức giao thông công cộng văn minh, hiện đại, có sức chở lớn, tốc độ nhanh trên những trục giao thông lưu lượng lớn thường xuyên tắc nghẽn. Nhờ tiết kiệm thời gian lưu thông và thoát khỏi ám ảnh những tuyến đường Hà Nội ken đặc người, ùn tắc kéo dài, đông đảo người dân Thủ đô dần thay đổi thói quen tham gia giao thông và lựa chọn tuyến tàu điện này trở thành phương tiện đi lại thường xuyên.

Theo nhìn nhận của ông Đỗ Việt Hải - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị sẽ tạo ra các cơ hội thực hiện phát triển đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh, hiện đại, văn minh và phát triển bền vững, giảm ách tắc giao thông và cải thiện môi trường. Mạng lưới các tuyến đường sắt đô thị còn kết nối với nhau và với các loại hình giao thông vận tải công cộng khác.

Năm 2024, Hanoi Metro đặt kế hoạch vận chuyển được gần 11 triệu lượt khách, tổng doanh thu hơn 529 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 13,4 tỉ đồng.

Hà Nội hỗ trợ tới 100% phí phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID

Đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam cư trú trên địa bàn TP Hà Nội, có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng này.

Theo Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn, qua thời gian ngắn từ 22/4 - 06/5/2024, Sở Tư pháp đã tiếp nhận trên 5 nghìn hồ sơ. Trong đó có hơn 2 nghìn hồ sơ tiếp nhận qua ứng dụng VNeID đạt gần 40%. Mặc dù đạt kết quả đáng khích lệ bước đầu, nhưng nhìn chung tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng VNeID để yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp còn chưa cao. Đây là dịch vụ mới triển khai thí điểm trên VNeID nên chưa được nhiều người biết đến. Do đó ngoài việc tiếp tục tăng cường việc thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân của Thủ đô cần thiết có cơ chế khuyến khích, động viên, hỗ trợ người dân tham gia sử dụng dịch vụ.

Hà Nội hỗ trợ tới 100% phí phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID.

Hà Nội hỗ trợ tới 100% phí phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID.

Để tiến tới sử dụng thống nhất ứng dụng VNeID trong giải quyết thủ tục hành chính nói chung, trước mắt trong giai đoạn thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp của TP trên ứng dụng VNeID, UBND TP cho rằng cần thiết phải triển khai sớm các biện pháp đẩy mạnh sử dụng ứng dụng VNeID.

Cụ thể, hỗ trợ phí phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ, gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ. Mức hỗ trợ 100.000 đồng/lần/người. Trường hợp đối tượng quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp từ phiếu thứ 3 trở lên trong một lần yêu cầu thì được hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/lần/người, tương đương 10 phiếu lý lịch tư pháp.

Cùng với công cuộc chuyển đổi số, việc sử dụng ứng dụng công dân số VNeID để thực hiện các giao dịch thủ tục đang ngày càng được khuyến khích. Điều này đem lại lợi ích không chỉ cho người dân mà cả cơ quan quản lý./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-se-co-hai-quan-moi-ha-noi-tin-moi-chieu-238194.htm