Hà Nội có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước | Hà Nội tin mỗi ngày

Hà Nội có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước; Công an Hà Nội lập 5 tổ công tác 'đặc biệt' xử lý vi phạm giao thông; Nhiều nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị tổ chức nước ngoài đăng ký trước… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Bộ Công Thương vừa công bố Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Trong số 10 địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước, Hà Nội đứng ở vị trí thứ tám với kim ngạch đạt 16 tỷ USD.

Thời gian qua, TP. Hà Nội đã tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa được chú trọng từ việc huy động nguồn lực, kích thích sản xuất, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đến việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Đặc biệt, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, tạo cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đồng thời, TP Hà Nội cũng tranh thủ tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do… Nhờ đó hoạt động xuất khẩu của TP. Hà Nội đã đạt những kết quả tích cực, duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ổn định. Trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội đạt 5,8 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 3,5 tỷ USD tăng 18,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,3 tỷ USD giảm 2,7%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ gồm: máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 783 triệu USD tăng 6,2%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 729 triệu USD tăng 15,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 637 triệu USD tăng 11,3%; hàng dệt may đạt 637 triệu USD tăng 2,6%...

Hoạt động xuất khẩu trên địa bàn TP. Hà Nội đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia bao gồm: khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực FDI. Theo Cục Thống kê Hà Nội, cơ cấu thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu trên địa bàn TP. Hà Nội đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế FDI và giảm dần tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước.

Thời gian tới dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế trong nước và thành phố còn gặp nhiều khó khăn, thách thức từ các yếu tố tác động tiêu cực bên ngoài cũng như hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế cần phải khắc phục. Hà Nội đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm như đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai, nhân lực, tăng cường xúc tiến thương mại. Tập trung khai thác và phát huy thị trường nội địa, tổ chức hiệu quả các biện pháp kích cầu đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước thông qua Chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Thực hiện các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm chế biến, nông sản, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, trong đó chú trọng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đẩy mạnh lưu thông các sản phẩm hàng hóa của Hà Nội nhất là sản phẩm OCOP.

Công an Hà Nội lập 5 tổ công tác 'đặc biệt' xử lý vi phạm giao thông

Chiều 16/5, Công an thành phố Hà Nội tổ chức ra quân 5 tổ công tác đặc biệt để tuần tra, xử lý vi phạm giao thông các khu vực nội thành. Chỉ sau hơn 1 tiếng đồng hồ triển khai, lực lượng chức năng đã xử lý nhiều trường hợp thanh niên ngổ ngáo, vi phạm giao thông, xe giả danh thương binh. Chỉ tính riêng từ 16h - 17h cùng ngày, lực lượng chức năng đã xử lý 56 trường hợp vi phạm, tạm giữ 26 phương tiện, trong đó có 2 xe chở hàng cồng kềnh và ba bánh do đối tượng giả danh thương binh điều khiển.

Tổ công tác đặc biệt làm nhiệm vụ. Ảnh: QĐND

Tổ công tác đặc biệt làm nhiệm vụ. Ảnh: QĐND

Thiếu tá Nguyễn Quốc Huy - Đội phó Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 - Tổ trưởng tổ công tác số 3 cho biết, bên cạnh việc cắm chốt xử lý thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, các tổ công tác đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông theo phương châm kiên trì, bền bỉ, quyết liệt xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm góp phần xây dựng "văn hóa giao thông", tạo lập thói quen và ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối với người tham gia giao thông.

Trước đó, Công an Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 172 về tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông. Theo đó, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã lập 5 tổ công tác đặc biệt để tuần tra, xử lý vi phạm giao thông các khu vực nội thành. Các tổ công tác này gồm lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động phối hợp với Công an phụ trách địa bàn thực hiện kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm giao thông trên các tuyến đường nội đô.

Khác với kế hoạch 141 đã được Công an Thành phố triển khai 13 năm qua (từ 2011 đến nay), 5 tổ công tác đặc biệt không có sự tham gia của Cảnh sát hình sự. Cán bộ, chiến sĩ 5 tổ công tác sẽ tập trung xử lý vi phạm giao thông vào khung giờ cao điểm, giờ đi làm, giờ tan tầm tại các nút giao thông và các tuyến phố trọng điểm. Các tổ công tác sẽ xử lý mạnh tay, kiên quyết với các trường hợp giả danh thương binh sử dụng xe ba bánh tự chế, các trường hợp chở hàng cồng kềnh. Đồng thời thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông theo phương châm kiên trì, bền bỉ, quyết liệt xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Góp phần xây dựng văn hóa giao thông, tạo lập thói quen và ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông.

Nhiều nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị tổ chức nước ngoài đăng ký trước

Doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng cả trong và ngoài nước tồn tại rất lâu đời và mang đến những sản phẩm, dịch vụ chất lượng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã không bảo vệ thương hiệu của họ bằng việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Thuốc lá Vinataba, cafe Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, gạo Nàng Hương. Đây là một số thương hiệu đã bị đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trước ở Mỹ, do doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng bảo hộ.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, do chưa chú trọng đến bảo hộ sở hữu trí tuệ nên nhiều nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng. Hoặc khi tiến ra thị trường nước ngoài đã bị các đối thủ cạnh tranh đăng kí mất. Thực tế đã có không ít các nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị đăng ký trước ở Mỹ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tốn rất nhiều chi phí và thời gian thuê luật sư khởi kiện đòi lại thương hiệu. Thậm chí, có trường hợp phải mua lại nhãn hiệu của chính mình với giá cao hoặc chấp nhận sử dụng một thương hiệu khác trên đất Mỹ.

Thực trạng xâm phạm quyền nhãn hiệu hàng hóa và sử dụng trái phép nhãn hiệu hàng hóa thường xuyên xảy ra không chỉ tại Việt Nam mà còn cả ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tới đây, các doanh nghiệp Việt Nam tìm đến các nền tảng thương mại điện tử quốc tế như: Amazon, eBay, Alibaba… để mở rộng thị trường nhiều hơn thì việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu càng quan trọng. Theo Amazon Global Selling Việt Nam, nhận thức của các đối tác bán hàng Việt Nam về tầm quan trọng của việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiện đang từng bước được cải thiện.

Trang bán hàng của Nam Huy trên Amazon. Ảnh: Anninhthudo

Trang bán hàng của Nam Huy trên Amazon. Ảnh: Anninhthudo

Trong ba năm qua, số lượng thương hiệu Việt Nam đăng ký thương hiệu trên Amazon đã tăng gấp 7 lần và thời gian để đối tác bán hàng Việt Nam chuyển từ giai đoạn đăng ký tài khoản bán hàng đến đăng ký thương hiệu đã rút ngắn trung bình 85%. Một số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khi kinh doanh trên Amazon đã chú ý đến việc đăng ký thương hiệu luôn tại Mỹ. Ví dụ như, kể từ tháng 6/2020, Longevity Sea Grapes - thương hiệu rong nho của Việt Nam đã đăng ký nhãn hiệu thành công tại Mỹ nhằm bảo vệ và củng cố uy tín của mình. Hay mới đây, thương hiệu trái cây sấy Nam Huy tại Đồng Tháp đã đăng ký thành công nhãn hiệu Nam Huy tại Mỹ thông qua Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử - Go Export do Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục thương mại điện tử và kinh tế số) triển khai cùng với các đối tác, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến. Theo Cục Cục thương mại điện tử và kinh tế số, khi doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế và muốn bảo vệ thương hiệu, việc hiểu rõ các quy định và thủ tục đăng ký bảo vệ thương hiệu tại từng quốc gia và trên từng sàn giao dịch là hết sức quan trọng.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể rút ra hai bài học lớn từ thực tiễn trên là: chủ động rà soát và đăng ký sớm các quyền sở hữu trí tuệ ở các thị trường nước ngoài của mình nhằm tránh rủi ro bị chiếm đoạt mất quyền bởi các đối thủ. Khi phát hiện quyền sở hữu trí tuệ của mình bị mất, cần nhanh chóng nghiên cứu và thuê luật sư chuyên nghiệp thu thập chứng cứ, nộp đơn phản đối, hủy bỏ hoặc đình chỉ hiệu lực quyền sở hữu trí tuệ đó dựa trên một số tiêu chuẩn bảo hộ mang tính quốc tế hóa. Để tránh việc phải bỏ rất nhiều thời gian, chi phí và công sức để giành lại chính thương hiệu của mình, doanh nghiệp cần chủ động, sáng suốt hơn trong việc bảo vệ thương hiệu trong bối cảnh hội nhập hiện nay./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-co-kim-ngach-xuat-khau-dan-dau-ca-nuoc-ha-noi-tin-moi-ngay-238356.htm