Hà Giang: Đồng thuận thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình mục tiêu quốc gia 1719) được đánh giá là chương trình tổng lực giúp thay đổi bộ mặt và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hiện nay, các cấp, ngành, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang nỗ lực triển khai thực hiện; qua đó, đã tạo được sự đồng thuận cao của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh cùng chung tay xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc trên mỗi bản làng hay rẻo cao biên giới.

Xây dựng đời sống vùng đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng nông thôn miền núi phát triển bền vững. Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 tới vùng đồng bào các dân tộc trên địa bàn Hà Giang đã góp phần xây dựng hạ tầng, chăm lo đời sống, hỗ trợ sinh kế, thực hiện công tác an sinh xã hội đến người dân một cách hiệu quả, thiết thực.

">

Những ngôi nhà được xây mới từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, giúp bà con ở các thôn, bản vùng cao biên giới Hà Giang “an cư, lạc nghiệp”.

Trong giai đoạn này, Hà Giang có 10 dự án và 12 tiểu dự án. Các dự án bao gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển giáo dục-đào tạo nâng cao nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số và phát triển du lịch… Việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia đã được sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ về công tác chỉ đạo và thực hiện Chương trình này, đồng chí Lý Xuân Lù, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Vị Xuyên cho biết: “Ban Thường vụ huyện đã chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này, thông qua Ban Thường vụ, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách cơ sở; đồng thời quán triệt, tuyên truyền tới toàn bộ cán bộ, đảng viên và nhân dân về các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia 1719. Nhờ triển khai một cách đồng bộ, đến nay, Vị Xuyên được đánh giá là một trong những Đảng bộ thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia”.

">

Chú trọng mở các lớp dạy nghề, tạo việc làm cho bà con dân tộc thiểu số.

Đồng chí Vũ Hồng Mạnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) thông tin thêm: “Với vai trò trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, triển khai cho các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, các cá nhân thường xuyên kiểm tra, giám sát Chương trình; đồng thời, thực hiện giám sát chuyên đề về các công trình, Dự án được Nhà nước đầu tư. Qua công tác kiểm tra, giám sát đến nay các Chương trình thực hiện đúng tiến độ đề ra”.

Trên cơ sở phê duyệt của Chính phủ, Hà Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 23 Nghị quyết; xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 29 Quyết định, 18 Kế hoạch, 2 Thông báo để triển khai các nhiệm vụ. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 25 về lãnh đạo triển khai chương trình, nêu rõ mục tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc thiểu số bình quân đạt 8%/năm trở lên. Phấn đấu giảm 29 xã/127 xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm trở lên. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã có đường nhựa hoặc bê tông. 90% thôn, tổ dân phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng. Duy trì 100% cơ sở y tế xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế. 100% thôn biên giới có điện, đường giao thông đạt chuẩn nông thôn mới; trên 96% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, trong đó 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số qua đào tạo đạt 60% vào năm 2025… Những mục tiêu này đã được chính quyền các cấp và người dân quyết tâm thực hiện để xây dựng vùng nông thôn miền núi Hà Giang trở thành những vùng quê đáng sống.

">

Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) tăng cường công tác tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Để tạo được sự đồng thuận từ người dân thông qua công tác vận động quần chúng trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng chí Lò Sỉ Chảo, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Quản Bạ cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao vai trò lãnh đạo của cơ sở, đặc biệt là ở các xã, thị trấn, những người trực tiếp triển khai gắn với vai trò kiểm tra, giám sát, đôn đốc hướng dẫn của ngành chuyên môn, vì vậy việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia luôn tạo được sự đồng thuận từ người dân và đảm bảo tiến độ thực hiện”.

Có thể thấy, đến thời điểm này, các ngành, địa phương của Hà Giang đang nỗ lực khắc phục khó khăn, khẩn trương, quyết liệt triển khai các bước đầu tư xây dựng. Với mục tiêu phù hợp và định hướng cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 được kỳ vọng sẽ phát huy, khai thác tiềm năng, lợi thế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đây sẽ là động lực quan trọng để Hà Giang đẩy nhanh giảm nghèo bền vững, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/chinh-sach-phat-trien/ha-giang-dong-thuan-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-1719-757679

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/632734-ha-giang-dong-thuan-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-1719.html