Gương sáng nữ trí thức dân tộc thiểu số

Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) sinh ra trong những buôn làng nghèo, tồn tại định kiến, khuôn mẫu về giới. Họ phải nỗ lực để xóa bỏ rào cản xã hội, không ngừng học tập để trở thành những trí thức đóng góp tích cực cho xã hội.

Vượt qua định kiến giới

Sinh ra trong gia đình thuần nông ở buôn Phu Ma Miơng (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa), nữ bác sĩ Rah Lan Huế (SN 1988) không thoát khỏi quan niệm “con gái phải lấy chồng sớm”. Chị kể: “Năm tôi học lớp 9, mẹ bắt phải nghỉ học lấy chồng. Gia đình vốn rất khó khăn, nhà đông anh chị em. Bố mẹ quan niệm con gái thì không cần học nhiều, nhất là người hỏi cưới lại có việc làm ổn định. Chứng kiến bao phụ nữ ở làng vì lấy chồng sớm mà dở dang việc học, đánh mất tương lai nên tôi rất sợ mình chịu chung số phận như vậy. Tôi khóc lóc xin bố mẹ. Rồi có lần, bố đi theo và thấy tôi vào khu nhà mồ của làng, ông sợ tôi tự tử nên mới thôi không nhắc chuyện cưới xin nữa. Nhưng cũng từ đó, hễ tôi bước chân vào nhà là mẹ “đòi” giấy khen vì bà từng tuyên bố “không lấy chồng thì phải học thật giỏi”. Đó cũng là áp lực khiến tôi không ngừng nỗ lực để học tập”.

Bác sĩ Rah Lan Huế thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: H.N

Bác sĩ Rah Lan Huế thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: H.N

Nhưng con đường học hành của nữ bác sĩ người Jrai không ít chông gai. 2 người chị gái dù học giỏi nhưng hết lớp 12 đều phải nghỉ học, còn chị may mắn hơn. “Năm tôi học lớp 11 thì may mắn nhận được học bổng của Báo Gia Lai phối hợp với Công ty Bia Huế trao cho học sinh nghèo học giỏi số tiền 1,5 triệu đồng. Số tiền khá lớn với gia đình, được mẹ mua 1 cặp dê giống. 2 năm sau, cặp dê đẻ được 4 con, mẹ bán lấy tiền nuôi tôi bước vào năm đầu Học viện Quân y Hà Đông (Hà Nội). Từ cặp dê giống ấy, cùng với sự chu cấp của bà nội, tôi có thêm điều kiện để học hết 6 năm đại học”-chị Huế kể.

Những năm đại học, chị luôn nỗ lực để được cấp học bổng và là một trong những sinh viên có thành tích xuất sắc được kết nạp vào Đảng ngay trong trường.

Ra trường, bác sĩ Rah Lan Huế về làm việc tại Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa. Sau đó, chị chuyển lên công tác tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Năm 2021, chị tham gia trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 và bị nhiễm bệnh khi đang làm nhiệm vụ. Nhớ lại những ngày tháng căng mình chống dịch, chị chia sẻ: “Ngày con gái vào lớp 1, tôi không thể có mặt để dắt con đến trường. Lúc đó, tôi đang làm nhiệm vụ và nhiễm bệnh trong khu cách ly. Ở cửa sinh tử mới nhận ra cuộc sống thật đáng quý, là một hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ”.

Về cuộc hôn nhân không trọn vẹn, chị chia sẻ: “Tôi từng đấu tranh phá bỏ định kiến để được đi học, trở thành một bác sĩ. Vì vậy nên thật khó khăn khi mọi người thấy mình thất bại trong hôn nhân. Nhưng chúng ta muốn vượt qua định kiến của xã hội trước hết phải vượt qua rào cản trong suy nghĩ của chính bản thân mình. Phụ nữ nếu không hạnh phúc trong hôn nhân, tình yêu thì hãy mạnh mẽ đi tìm hạnh phúc mới vì mình xứng đáng với điều đó”.

Nữ bác sĩ cho biết, đến giờ, chị vẫn luôn khao khát được đi học, nâng cao trình độ chuyên môn để phục vụ người bệnh tốt hơn. Năm 2017, chị vừa làm vừa tự túc học chuyên khoa I và có kế hoạch tiếp tục học chuyên khoa II khi điều kiện cho phép.

Không ngừng học tập

Vóc dáng nhỏ bé, giọng nói nhỏ nhẹ, nhưng cô gái dân tộc Thái Huỳnh Thị Ngọc Lan (SN 1983) không chỉ trở thành “thủ lĩnh” phong trào phụ nữ ở vùng đất nghèo Ia Pa, mà còn là thạc sĩ Kinh tế và là 1 trong 4 ủy viên trong Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh có trình độ này. Sinh ra ở thị trấn Đak Tô (huyện Đak Tô, tỉnh Kon Tum) trong gia đình không trọn vẹn khi bố mẹ ly thân, một mình mẹ làm nông nuôi 2 chị em ăn học, cuộc sống rất vất vả.

“Cũng từ sự vất vả của mẹ, tôi nhận ra phụ nữ sinh ra đã thiệt thòi, nhưng tiềm tàng bên trong là sức mạnh, là ý chí. Vì vậy, đừng nghĩ mình là phụ nữ mà bỏ lỡ những cơ hội quý báu”-chị Lan chiêm nghiệm.

Chị Lan cũng từng đổ vỡ hôn nhân và một mình nuôi con trai, nay cháu chuẩn bị vào lớp 9. Trong suốt thời gian đó, chị vẫn hoàn thành nhiều khóa học để nâng cao trình độ. Chị trải lòng: “Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nên tôi luôn lấy sự học, thành công trong công việc làm động lực để vươn lên. Sau đổ vỡ hôn nhân, bình tâm lại, tôi càng quyết tâm học tập nâng cao trình độ. Tri thức, hiểu biết và sự thấu hiểu là “vũ khí” để bảo vệ, hỗ trợ mình làm tốt hoạt động hội, phong trào phụ nữ lẫn công tác xã hội”.

Cô giáo Đinh Thị Thanh Thúy (đính hoa đỏ trên ngực) chụp hình kỷ niệm cùng học trò. Ảnh: H.N

Cô giáo Đinh Thị Thanh Thúy (đính hoa đỏ trên ngực) chụp hình kỷ niệm cùng học trò. Ảnh: H.N

Là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Pa, chị Lan thường xuyên gần gũi với hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ DTTS để truyền động lực, giúp họ nâng cao kiến thức, thay đổi cuộc sống của mình. Hạnh phúc cũng mỉm cười với người phụ nữ Thái mang tên một loài hoa đẹp khi chị tìm được bến đỗ mới và chuẩn bị đón đứa con thứ 2 chào đời.

Theo chị Lan, phụ nữ Thái hay Jrai, Bahnar đều rất coi trọng giá trị văn hóa gia đình, nguồn cội. Nhưng có những định kiến đã kìm hãm chị em suốt thời gian dài. Cùng với nhiều chương trình hành động để xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới, giải phóng phụ nữ khỏi những rào cản vô hình, chính bản thân phụ nữ phải mạnh dạn làm cách mạng trong “tư tưởng” để quyết định cuộc sống, tìm hạnh phúc cho riêng mình.

So với nhiều phụ nữ DTTS, thạc sĩ Toán học Đinh Thị Thanh Thúy-giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) tự nhận có nhiều may mắn. Chị là người dân tộc Hrê sinh ra ở xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Bố mẹ chị làm nông nhưng có tư tưởng tiến bộ, luôn tạo điều kiện cho con được học hành. Chị có mối tình đẹp với chàng trai Jrai nên theo về Gia Lai công tác sau khi tốt nghiệp đại học.

Có chồng cùng ngành nên chị được hỗ trợ rất nhiều. Tuy nhiên, những khó khăn riêng thì không phải ai cũng hiểu. Ví dụ như vợ chồng cùng đi dạy, nhưng chồng dạy cách xa nhà nhiều chục cây số, đi sớm về muộn, còn chị ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ trường lớp, về nhà còn gánh thêm bao nhiêu việc không tên, dạy dỗ 2 đứa con bước vào tuổi dậy thì. Chị Thúy nghiệm ra, nhiều thứ muốn có được đều phải đánh đổi. Với chị, đó là sự đánh đổi thời gian dành riêng cho bản thân để toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp “trồng người” lẫn vai trò giữ lửa ấm trong gia đình.

Cho rằng phụ nữ thường thiệt thòi hơn nam giới, nhất là phụ nữ DTTS, vì vậy, suốt 20 năm gắn bó với ngành Giáo dục, ngoài truyền đạt kiến thức, cô giáo Thúy xem việc thay đổi định kiến trong tư duy của học sinh nữ cũng là trách nhiệm của mình. Cô trò thường xuyên có những cuộc gặp gỡ, chuyện trò, sẻ chia như những người bạn.

“Học sinh lớp tôi chủ nhiệm nhiều em có ý định bỏ học ở nhà lấy chồng. Gần đây, có em học sinh lớp 12 đã đính ước chuẩn bị cưới. Tôi phải tìm mọi cách gần gũi, tâm tình, khuyên bảo. Cuối cùng, em hoãn cưới để tiếp tục học tập. Tôi nói với các nữ sinh, không ai cấm các em yêu, nhưng hãy cho mình cơ hội trải nghiệm đời sinh viên, đi đây đó để mở mang tầm mắt, khám phá bản thân xem mình khao khát, ước mơ gì. Nếu phụ nữ dám ước mơ, làm chủ cuộc sống thì sẽ chẳng có định kiến nào trói buộc, chẳng có rào cản nào mà các em không thể vượt qua”-cô giáo Thúy chia sẻ.

...Phía sau thành công của phụ nữ DTTS là sự nỗ lực khiến mọi người khâm phục và trân trọng. Những nữ trí thức trẻ DTTS kể trên là những tấm gương điển hình về người phụ nữ thời đại mới, nỗ lực vượt qua định kiến giới và khẳng định giá trị bằng tri thức và sức mạnh hiếm có. Tinh thần ấy đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần làm thay đổi cuộc đời của nhiều chị em và trẻ em DTTS và miền núi.

HOÀNG NGỌC

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/guong-sang-nu-tri-thuc-dan-toc-thieu-so-post241381.html