GS.TS. Mạch Quang Thắng: Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người hội tụ cả đức lẫn tài

Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, GS.TS. Mạch Quang Thắng, nguyên Giảng viên Cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hội đủ hai yếu tố làm thành một chỉnh thể: đức và tài.

GS. Mạch Quang Thắng khẳng định, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giá trị văn hóa của dân tộc và con người Việt Nam, là tâm điểm để mọi người Việt Nam yêu nước soi vào học tập, làm theo. (Ảnh: NVCC)

GS. Mạch Quang Thắng khẳng định, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giá trị văn hóa của dân tộc và con người Việt Nam, là tâm điểm để mọi người Việt Nam yêu nước soi vào học tập, làm theo. (Ảnh: NVCC)

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn có tính thời sự

Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay?

Chủ tịch Hồ Chí Minh - con người chân chính, con người có ích cho xã hội, là người hội đủ hai yếu tố làm thành một chỉnh thể: đức và tài. Xưa, thời Lê, Thân Nhân Trung đã cho khắc lên bia đá rằng: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Mà hiền tài tức là đề cập con người có cả đức và tài.

Trong chỉnh thể đức tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đức là gốc. Bản thân Người là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Bất kỳ người Việt Nam yêu nước nào cũng đều thấy rất rõ điều này.

Trong cuộc sống hiện nay ở nước ta, vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Trong đó, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giá trị văn hóa của dân tộc và con người Việt Nam, là tâm điểm để mọi người Việt Nam yêu nước soi vào học tập, làm theo.

Đó cũng là lý do Đảng ta, trong nhiều năm nay đã mở các cuộc vận động học tập và làm theo gương Bác Hồ vĩ đại. Các cuộc vận động này đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần tích cực vào việc xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới vì mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải được vận dụng một cách phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Và để làm được điều này có khó không, thưa Giáo sư?

Khi đề cập thực hiện một công việc nào đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, khó hay dễ đều là do con người ta quan niệm, nếu cho nó khó thì cảm thấy khó, nếu cho nó dễ thì dễ. Nhưng việc khó đến mấy, nếu quyết tâm, bền bỉ, có tâm, có trí thì đều thực hiện được hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.

Vấn đề hiện nay ở chỗ, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải phù hợp với từng lúc và từng nơi, nghĩa là có yêu cầu cao về tính hiệu quả của việc học tập và vận dụng. Cuộc sống vận động không ngừng, có những lúc biến chuyển nhanh chóng, cho nên phải có tinh thần đổi mới sáng tạo trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào thực tế của từng giới, từng người, từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực.

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn có tính thời sự, song dù thế nào đi chăng nữa, thời kỳ hiện nay đã có nhiều cái khác so với thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh sống. Nhưng biến chuyển thế nào, hành vi có thể thay đổi ở những thời điểm khác nhau, nhưng bản chất tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn là hằng số đi cùng chúng ta vào tương lai. Việc này, theo tôi, là không khó, nếu hội đủ ba điều kiện, đó là có tâm thế tốt; hiểu đúng bản chất tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và vận dụng cho phù hợp.

Trong tình hình mới, với sự phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ, cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời đại hiện nay ra sao?

Chúng ta đang sống trong sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều đặc trưng, trong đó có đặc trưng trí tuệ nhân tạo. Sự tiến bộ của khoa học và công nghệ vừa đưa đến cho đất nước những cơ hội sự phát triển nhanh và bền vững, đồng thời là thách thức rất lớn cho bước tiến của dân tộc trên con đường xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Trong tình hình đó, việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nên chú ý thêm những điểm sau đây:

Một là, phải có quan điểm kế thừa và phát triển. Kế thừa là tiếp nối những cái tốt, cái hay, cái đẹp lên mức độ mới trong tình hình mới. Đồng thời, sửa chữa, cắt bỏ những cái lạc hậu, lực cản trong con đường phát triển. Khoa học và công nghệ chính là "cú hích" quan trọng cho quá trình đó.

Hai là, ứng dụng một cách có hiệu quả những thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào cuộc sống của công cuộc ba giải phóng theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội (trong đó có giải phóng giai cấp), giải phóng con người.

Giải phóng dân tộc là điều kiện tiên quyết cho các cuộc giải phóng sau; hai cuộc giải phóng sau là củng cố vững chắc cho cuộc giải phóng đầu tiên. Giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội chỉ là mục tiêu ở tầm trung, còn cái đích cuối cùng là giải phóng con người. Muốn thế, phải nắm lấy sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, nắm lấy để phục vụ cho tiến bộ xã hội, để giải phóng con người khỏi mọi sự áp bức, bất công trên cả hai bình diện tự nhiên và xã hội.

Học tập Bác Hồ điều quan trọng nhất là làm theo gương Người. (Ảnh: Tư liệu).

Học tập Bác Hồ điều quan trọng nhất là làm theo gương Người. (Ảnh: Tư liệu).

Tô thắm phẩm chất tốt đẹp của Người

Suốt đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến đạo đức cách mạng và tự mình nêu gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng. Vậy cần tô thắm những phẩm chất tốt đẹp của Người thế nào, thưa ông?

Bản thân những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và bản thân sự nêu gương của Người về nội dung này đã là sự nổi trội, là sự “thắm” trong xã hội Việt Nam từ trước đến nay và từ nay về sau, không những thế, còn có giá trị quốc tế.

Người ta nhìn thấy ở Chủ tịch Hồ Chí Minh sự biểu tượng của cái tốt, cái thiện, cái đẹp. Thế nên, UNESCO, trong Nghị quyết năm 1987 về Kỷ niệm 100 năm sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc và là Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam trong mặc định đoạn mở đầu của nghị quyết là tôn vinh “những trí thức lỗi lạc” và “những danh nhân văn hóa trong phạm vi quốc tế”. Việc “tô thắm những phẩm chất tốt đẹp” từ Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay và mai sau, hóa ra là nằm trong sự thể hiện của các thế hệ sau khi thực hành đạo đức cách mạng theo gương sáng của Người.

Giáo sư có kiến nghị gì liên quan việc đầu tư cho đào tạo cán bộ, nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp; cũng như đấu tranh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong thời buổi hiện nay?

Mỗi người có thể có cách tiếp cận khác nhau về vấn đề này. Từ cách tiếp cận của mình, tôi nêu lên một số kiến nghị:

Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc giáo dục và đào tạo con người Việt Nam, trong đó có việc huấn luyện cán bộ nhằm xây dựng được nguồn nhân lực có chất lượng cao. Điều này phải biến thành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và phải thực sự biến thành hành động thực tế của mỗi con người Việt Nam.

"Bản thân những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và bản thân sự nêu gương của Người đã là sự nổi trội, là sự 'thắm' trong xã hội Việt Nam từ trước đến nay và từ nay về sau và còn có giá trị quốc tế".

Thứ hai, tiếp tục thực hành thật tốt sự nêu gương. Người lớn tuổi nêu gương cho người ít tuổi hơn, người đảng viên nêu gương cho người ngoài Đảng, đảng viên có chức quyền nêu gương cho những đảng viên thường, người cán bộ có chức vụ cao nêu gương cho người có chức vụ thấp hơn. Đó là con đường một chiều. Đây là biện pháp rất phù hợp với người phương Đông, trong đó có người Việt Nam, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.

Thứ ba, tiếp tục kiên quyết, kiên trì phòng và chống tiêu cực, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Xây cái tốt và chống cái xấu một cách có hiệu quả. Đề nghị khôi phục cách làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây: biên soạn và xuất bản loại sách Người tốt việc tốt phát hành rộng rãi trong xã hội với giá phù hợp để lan tỏa những cái tốt, cái đẹp.

Kỷ nguyên số cũng đặt ra nhiều yêu cầu về năng lực và kiến thức, kỹ năng. Làm sao để có một thế hệ trẻ bản lĩnh, trí tuệ, vừa có đức vừa có tài, có ích cho đất nước?

Điều này là trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam, của cả hệ thống chính trị, của các gia đình, của toàn xã hội và nhất là của chính bản thân thế hệ trẻ. Thời nào cũng vậy, nước nào cũng vậy, thường có tâm lý lo lắng cho thế hệ trẻ.

Tôi cho rằng, phải có lòng tin và thực sự có cơ sở để đặt lòng tin vào thế hệ trẻ Việt Nam. Họ sẽ xứng đáng đứng trên vai các thế hệ trước để tạo ra những giá trị mới sáng láng hơn, nhất định họ sẽ là những người đưa đất nước Việt Nam đến bến bờ quang vinh của hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Yến Nguyệt

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gsts-mach-quang-thang-chu-tich-ho-chi-minh-mot-con-nguoi-hoi-tu-ca-duc-lan-tai-271696.html