Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Những 'nút thắt' cần tháo gỡ

Có một nghịch lý là cả doanh nghiệp và người dân đều khó khăn về tài chính, trong khi Ngân hàng khẳng định 'không thiếu tiền', nhưng cung và cầu lại chưa thể gặp nhau. Vậy, giải pháp nào để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận gần hơn với gói tín dụng này?

Từ thực tế công tác phát triển nhà ở xã hội, cả doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các chuyên gia đều chỉ ra rằng: Rất khó để có thể vay được gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Đối với doanh nghiệp, ngoài chấp nhận chủ trương, cấp phép, chủ đầu tư còn phải thẩm định giá bán, đối tượng mua và nhiều quy định khác. Trong khi đó, người mua nhà cũng phải đáp ứng một loạt điều kiện như chưa có nhà ở và thu nhập dưới mức chịu thuế thu nhập cá nhân… Trong khi đó, phía Ngân hàng thì khẳng định “bất kể lúc nào cũng có vốn cho doanh nghiệp vay, vấn đề là doanh nghiệp có đủ điều kiện để vay không?”.

“Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cao, nhưng nhu cầu vay lại là một vấn đề, bởi quyết định vay để nua một căn nhà là tùy thuộc vào người dân. Trong Luật Nhà ở sửa đổi đã có quy định cho phép các doanh nghiệp có thể mua nhà để bố trí chỗ ở cho công nhân. Đây là điểm tích cực để gói tín dụng này có thể tăng dư nợ giải ngân”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cao (Ảnh minh họa: KT)

Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cao (Ảnh minh họa: KT)

Tại phiên họp lần thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhìn nhận, gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. Doanh nghiệp bất động sản vẫn đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội; xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà ở xã hội. Trong đó, cần tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua nhà ở xã hội và tiếp cận vốn vay, ưu tiên thúc đẩy tiến độ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Trên thực tế, mặc dù Chính phủ đã rất quyết tâm, liên tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp, nhưng công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong đó, một số chính sách cần thiết kế lại.

“Chúng ta chỉ sử dụng Ngân sách Nhà nước để hỗ trợ lãi suất chứ không sử dụng Ngân sách Nhà nước để cho vay. Tiền gốc cho vay là thực hiện từ phía các Ngân hàng thương mại. Việc này chúng ta phải thực hiện trên cơ sở nguyên tắc thị trường. Chúng ta nên tránh áp đặt vào các quy định hành chính vì có thể nảy sinh những rủi ro rất lớn. Đối với nguồn tín dụng này, nên xem xét trên mấy yếu tố là quy mô, cách thức và quy mô từ phía Nhà nước, thứ hai là quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan tới chương trình hỗ trợ tín dụng cả về mặt cấp tín dụng cũng như việc hỗ trợ lãi suất”, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế phân tích.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây chỉ là một gói tín dụng mang tính tự nguyện nên tính pháp lý không cao. Mức giảm lãi suất 1,5% với chủ đầu tư và 2% với người mua nhà trên thực tế lãi cho vay vẫn còn khá cao, chưa đủ để hấp dẫn đối với những người tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn.

“Thống nhất quy định về chủ đầu tư đủ điều kiện được hưởng gói vay 120.000 tỷ đồng này cần rất rõ ràng, công khai, minh bạch. Đối với các cá nhân được hưởng gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội thì cũng cần quy định rõ ràng bao nhiêu điều kiện, những điều kiện đó là gì, thời hạn vay ra sao, mức độ vay thế nào. Thực ra nếu vay thời hạn dài từ 20 năm đến 25 năm được giảm lãi suất thì đúng là một khoản lớn, nhưng chỉ được 5 ba năm thôi thì không được bao nhiêu”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Cần tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua nhà ở xã hội và tiếp cận vốn vay (Ảnh minh họa: KT)

Cần tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua nhà ở xã hội và tiếp cận vốn vay (Ảnh minh họa: KT)

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Xây dựng liên tục đôn đốc các địa phương khẩn trương công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp cũng đang tích cực hoạt động để kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm phát triển nhà ở xã hội hiệu quả hơn.

Hiện nay, nhiều chủ đầu tư đã quan tâm và có ý định tham gia phát triển dòng sản phẩm nhà ở xã hội. Thế nhưng, từ ý định đi đến hiện thực và cho ra sản phẩm là một quá trình dài. Đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại mới cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó, 12 dự án có nhu cầu giải ngân với số tiền 956 tỷ đồng. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có được triển khai hiệu quả hay không, phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong việc cải cách thủ tục hành chính.

“Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng vừa có văn bản số 1699 về chấp thuận chủ trương đầu tư có đơn giản các điều kiện, thủ tục đối với chủ đầu tư khi làm các thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, vẫn phải có tên trong danh mục mà tỉnh công bố và phải đáp ứng được các tiêu chí của các tổ chức tín dụng. Trên đà đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện nay chỉ còn 2 thủ tục, trước đây có cả cấp phép, giải phóng mặt bằng. Như vậy là việc đơn giản thủ tục hành chính sẽ giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn”, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết thêm.

Các doanh nghiệp, địa phương đề xuất, các chương trình, gói tín dựng ưu đãi dành cho nhà ở xã hội cần có cách làm mới, phù hợp với nhu cầu thực tế hơn. Bởi, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này về bản chất không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội, mà chỉ là gói tín dụng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay thông thường.

Nhiều ý kiến cho rằng, để gói vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, thủ tục đầu tư dự án. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung bố trí quỹ đất, sớm công bố danh mục các dự án để những đối tượng thụ hưởng có thể tiếp cận vốn vay. Để thực hiện thành công Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2030, bên cạnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã ban hành, Chính phủ cần xem xét thêm gói tín dụng dành riêng cho công nhân, người lao động mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với mức lãi suất vay ưu đãi khoảng 5% và thời gian vay kéo dài để người thu nhập thấp có thể trả nợ được.

Bài viết cùng loạt bài: "Để gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát huy hiệu quả"

Bài 1: Vì sao giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đạt thấp?

Thành Trung/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/goi-tin-dung-120000-ty-dong-nhung-nut-that-can-thao-go-post1095852.vov