Giữ 'ngày về hào hoa' trong tim

kinhtedothi - Hơn 4 tháng nữa mới đến kỷ niệm ngày 'Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về', nhưng những ngày này, Hà Nội đã hào hoa hướng về ngày lịch sử hào hùng ấy bằng tất cả tấm lòng yêu mến và tự hào.

70 năm như mới ngày hôm qua, trên hành trình gần 3/4 thế kỷ ấy, người Hà Nội luôn giữ ký ức “ngày về hào hoa” trong tim, làm hành trang để khơi dòng chảy phát triển không ngừng trên mảnh đất đón đoàn quân Giải phóng năm nào.

“Một thời đạn bom, một thời hòa bình”

Tôi hay thương nhớ Hà Nội qua câu hát - những câu hát đã đi suốt dọc chiều dài tháng năm, từ “lúc bom rơi thời chiến tranh, đất rung, ngói tan, gạch nát”, cho đến “một thời hòa bình” với “những đêm hoa sữa thơm nồng” trên phố. Ở đó, người Hà Nội, dù trong khói lửa đạn bom, hay trong dựng xây cuộc sống thời bình, cứ hiện lên bình dị, đời thường, mà hào hoa, cốt cách đến lạ lùng.

Bà nội tôi - cô gái phố cổ thời Hà Nội đạn bom năm nào, hay dạy tôi từ thuở chập chững đến trường học chữ, học làm người: “Con cứ nghe các bài hát về Hà Nội thôi là đã đủ thấy một Hà Nội trường đoạn mà anh hùng, người Hà Nội bình dị nhưng sắt son một niềm tin ở tương lai”.

Bà nói đúng thật, những ngày này, lật giở lại những khúc ca khải hoàn ghi bóng dáng ngày Thủ đô giải phóng năm nào, càng thấy thấm lời bà nói. Hà Nội ngay cả “lúc bom rơi thời chiến tranh, đất rung, ngói tan, gạch nát”, thì “em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mới” và tình yêu đôi lứa lúc ấy cũng là “khúc quân ca, là ước mơ xa hướng lên Ba Đình” (“Nhớ về Hà Nội” - Hoàng Hiệp). Khi “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời, Hà Nội hồng, ầm ầm rung”, thì người Hà Nội “thét lên xung phong căm hờn sôi gầm súng. Bùng cháy góc phố ta ơi, vùng lên chiến sĩ ta ơi!”.

Hà Nội hôm nay không ngừng đổi mới, phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Công Hùng

Cả khi “Trời Hà Nội đỏ máu, bụi hè đường cuốn bốc tung bay, xác thù rơi dưới gót giày”, thì người Hà Nội vẫn sắt son niềm tin “Ầm ầm cười tiếng súng vui thay vang ngày mai sáng láng/ Mai này lớp lớp người đi ánh sao tưng bừng chói lói lòng ta/ Mai này lớp lớp người đi thét vang vang trời khải hoàn” (“Người Hà Nội” - Nguyễn Đình Thi)…Thấy rõ ở đó hình ảnh những con người Hà Nội hào hoa, phong nhã, thậm chí có chút lãng tử, nhưng lại luôn lạcquan với niềm tin chiến thắng.

Chính cái hào hoa, phong nhã đã được ghi dấu là “truyền thống cha ông, gìn giữ non sông từ thuở Thăng Long vẫn in trong lòng” đó là sức mạnh để người Hà Nội có ngày hào hùng “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố, trùng trùng say trong câu hát, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời/ Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về, cả cuộc đời tươi vui về đây” (“Tiến về Hà Nội” - Văn Cao). Đó không phải là một “dự đoán lạ kỳ” khi bài hát ra đời trước ngày quân giải phóng từ năm cửa ô tiến về tiếp quản Thủ đô tới 5 năm. Mà hơn tất cả, nó là khúc ca khải hoàn tuyệt vời khẳng định niềm tin chiến thắng sắt son và quyết tâm giành lại Thủ đô hào hoa của người Hà Nội.

Bà tôi nói đúng, 7 thập kỷ đã đi qua với bao đổi thay rạng rỡ của đất và người nơi này, nhưng những hình ảnh Hà Nội trong câu hát thuở ấy vẫn hiển hiện trong lòng người Hà thành hôm nay, nhắc nhớ không thôi về một Hà Nội “lắng hồn núi sông ngàn năm” và “đượm thắm máu hồng tươi” của bao thế hệ đã ngã xuống để thế hệ tiếp nối có được ngày hôm nay.

Lời tri ân của người đương thời

Hà Nội hôm nay đã là Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố Sáng tạo, đang ngày đêm chuyển mình trong công cuộc chỉnh trang và tái thiết đô thị. Người Hà Nội hôm nay đã mang nét hào hoa xưa để hòa mình vào nhịp sống thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập thế giới hôm nay và không bao giờ quên “một thuở cha ông gìn giữ non sông” ngày nào.

Thế nên ngay từ đầu năm 2024 - mốc kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã hối hả các hoạt động chào mừng sự kiện lớn này. Những lời tri ân được đan cài, thực hiện một cách thiết thực, gắn với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của TP và các quận, huyện, xã, phường.

Vẫn với tính cách Hà Nội, TP đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô gồm 9 nhóm nhiệm vụ lớn với 47 nhiệm vụ cụ thể, thực hiện từ tháng 1 đến ngày 10/10. Các hoạt động cao điểm diễn ra trong 10 ngày, từ 29/9 đến 10/10. Các quận, huyện, thị xã đã hào hứng vào cuộc bằng các hoạt động hưởng ứng, đúng như ý tưởng của lãnh đạo TP: việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được thực hiện với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo. Các hoạt động hướng về cơ sở, bắt đầu từ cơ sở, làm tốt công tác chăm lo đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, chăm lo cơ sở vật chất đối với người có công, đặc biệt là các gia đình khó khăn về nhà ở. Cùng với đó, các cơ quan, địa phương tập trung bảo đảm an sinh, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa…). Các sự kiện văn hóa, thể thao quy mô toàn quốc và khu vực được tổ chức hướng tới sản phẩm phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, quảng bá, giới thiệu về văn hóa Thủ đô Hà Nội, góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế.

Phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng đã được TP phát động rộng khắp gắn với 10 nội dung cụ thể, điển hình như thi đua xây dựng đô thị văn minh, “Sáng - xanh - sạch - đẹp”; Thực hành tiết tiệm, chống lãng phí” đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Thi đua bảo đảm an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, tuyên truyền, giáo dục truyền thống…

Đến thời điểm này, khá nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hướng tới dịp kỷ niệm đã khai màn như: cuộc thi Ảnh nghệ thuật Hà Nội mở rộng và cuộc thi Sáng tác ca khúc Thanh âm Hà Nội; hội Sách Hà Nội lần thứ IX - năm 2024 với chủ đề “Hà Nội: Thủ đô văn hiến, anh hùng - Thành phố vì hòa bình”; giải chạy Báo Hànôịmới mở rộng lần thứ 49 - Vì hòa bình năm 2024; hội khỏe Phù Đổng TP… Thật vui vì các hoạt động có sự chung tay góp sức của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, nhiều hoạt động còn tạo ảnh hưởng lớn, thu hút sự quan tâm của người Hà Nội.

Đặc biệt là ở những hoạt động gắn với đời sống như: hội nghị đại biểu Nhân dân bàn về xây dựng đời sống văn hóa; khởi công, xây dựng nhà cho hộ nghèo, cận nghèo; giáo dục truyền thống trong trường học, thanh, thiếu niên; hoạt động tại các không gian sáng tạo, văn hóa như: đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể, tổ chức lễ hội truyền thống với nhiều chương trình trải nghiệm đặc sắc...

Điều đó chứng tỏ Hà Nội luôn ở trong trái tim người Hà Nội, phong nhã, hào hoa, khí phách xưa vẫn tiếp lửa cho thế hệ hôm nay để sống và cống hiến bằng nhiệt huyết tự trái tim mình. “Ngày về hào hoa” tháng 10/1954 vẫn vẹn nguyên trong từng câu hát, trong trái tim người Hà Nội hôm nay.

Thu Hoa

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giu-ngay-ve-hao-hoa-trong-tim.html