Giảm giá vé máy bay: cần sự đồng lòng từ các hãng hàng không, các cơ quan quản lý Nhà nước

Nguyên nhân chính của việc tăng giá đến từ nhiều yếu tố nhưng thực tế giá vé máy bay tăng mạnh thời gian qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến nhu cầu đi lại, giao dịch của người dân. Vì vậy, muốn hạ nhiệt vé máy bay cần giải pháp đồng bộ từ nhiều cơ quan ban ngành, nhà quản lý, doanh nghiệp, hàng không…

Nỗ lực tìm giải pháp "hạ nhiệt" giá vé máy bay. Ảnh: Khánh Huy.

Nỗ lực tìm giải pháp "hạ nhiệt" giá vé máy bay. Ảnh: Khánh Huy.

Chi phí tăng mạnh

Phát biểu tại hội thảo “Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" do Báo Thanh Niên tổ chức vừa qua, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA) Đặng Anh Tuấn cho rằng, giá vé máy bay hiện tại tăng bình quân 15- 20%. Tuy nhiên, mức tăng hiện nay còn rất xa so với mức giá trần mà Nhà nước quy định. Giá vé hiện phổ biến chỉ đạt khoảng 76%, có chặng chỉ 43% so với quy định.

Nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng là do chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76-77%. Các khoản chi phí này nằm ngoài tầm kiểm soát không chỉ riêng của VNA mà là chung cho các hãng hàng không.

Theo ông Đặng Anh Tuấn, với xăng, so với năm 2019, mặt hàng giá xăng năm nay tăng 5.700 tỷ đồng và chi phí tỷ giá biến động tăng thêm 4.700 tỷ đồng. Tổng mức tăng do chi phí nhiên liệu lên tới khoảng 11.000 tỷ đồng. Khoản tăng này nằm ngoài tầm kiểm soát của VNA cũng như tất cả các hãng hàng không.

Hơn nữa, các xung đột địa chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy cũng khiến phát sinh nhiều vấn đề và chi phí cho các hãng. Cụ thể như trước đây, để sửa chữa bảo hành một chiếc máy bay mất khoảng 150 ngày thì hiện tại đến 200-300 ngày, thậm chí đến 1-1,5 năm. Thời gian bảo trì kéo dài khiến chi phí vận hành cũng tăng cao.

Thêm vào đó, giá thuê tàu bay trên thế giới hiện đắt gấp đôi so với trước đây. Nhưng kể cả như vậy, việc đi thuê cũng rất khó khăn" - ông Tuấn phân tích những lý do khiến giá vé tăng cao.

Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc thương mại Vietjet Nguyễn Bác Toán cũng cho rằng, tình trạng thiếu máy bay và linh kiện thay thế do chuỗi cung ứng bị đứt gãy sau dịch Covid-19. Nhân lực ngành hàng không sụt giảm, nhu cầu của khách hàng chi tiêu cho ngành hàng không giảm cũng là nguyên nhân khiến giá vé tăng cao.

Với Bamboo Airways, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Trương Việt Cường cho biết, số lượng máy bay toàn ngành hàng không nội địa giảm hiện đã từ 230 chiếc còn 160 – 170 chiếc. Năng lực khai thác đã giảm 25 – 30% so với trước đây.

Giải pháp giảm vé máy bay trong nước

Theo Phó Tổng Giám đốc VNA Đặng Anh Tuấn để giảm giá vé máy bay, VNA đang nỗ lực tiết giảm các loại chi phí trong khoảng 10% so với hiện tại.

Tuy nhiên, về lâu dài, Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí trong điều hành, khai thác tại các sân bay, tăng năng lực điều hành khai thác tại các cảng hàng không. Từ đó, giảm thời gian quay đầu của các chuyến bay, tăng tần suất, tăng năng lực vận hành khai thác, giảm giá dịch vụ các khung giờ bay đêm để tăng cường các chuyến bay đêm phục vụ hành khách.

Bên cạnh đó, việc hạ nhiệt giá vé máy bay không chỉ phục thuộc vào ngành hàng không mà cần một giải pháp tổng hợp từ nhiều phía: nhà quản lý, hàng không, du lịch, doanh nghiệp... để đạt hiệu quả tốt nhất.

"Chúng tôi mong muốn Chính phủ xem xét trên mặt bằng về giá xăng dầu hiện nay mà dự báo sẽ còn tăng. Mong muốn xem xét giảm thuế nhập khẩu, phí cất hạ cánh điều hành bay", Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airway Trương Việt Cường nêu ý kiến.

Ngoài ra, theo ông Trương Việt Cường, quy trình điều hành ở cảng cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Theo đó, máy bay ngày càng hiện đại, công nghệ ngày càng cao. Vận tốc bay nhanh hơn nhưng thực tế, hiện thời gian bay lại không thể rút ngắn. Hạ tầng sân bay và mật độ khai thác quá cao đã ảnh hưởng rất lớn thời gian bay của các hãng. Nếu thời gian được rút ngắn, các hãng hàng không có thể khai thác nhiều hơn, tăng doanh thu cao hơn, từ đó chi phí được giảm xuống. Doanh nghiệp (DN) hàng không cũng đỡ khó khăn hơn.

Phó Tổng Giám đốc thương mại Vietjet Nguyễn Bác Toán cũng kiến nghị, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần xem xét hỗ trợ các DN thông qua việc miễn, giảm các loại thuế, phí hiện hành, giảm thuế nhập khẩu xăng, dầu, khuyến khích DN nghiên cứu và ứng dụng các nguyên liệu thay thế nhằm bảo vệ môi trường và tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, thực hiện các chiến lược, chương trình quảng bá du lịch ở tầm quốc gia với sự thống nhất và tận dụng các nguồn lực của Chính phủ, DN, người dân nhằm thu hút thêm nhiều hơn nữa du khách quốc tế đến với Việt Nam cũng như người dân Việt Nam ủng hộ du lịch Việt Nam. Các hãng hàng không đã làm nhiều rồi, nhưng cần làm nhiều hơn nữa, kích cầu hơn nữa…

Về phía Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), Cục phó Cục Hàng không Đào Hồng Cẩm khẳng định, cả ngành hàng không từ các hãng bay đến cơ quan quản lý không thờ ơ với khách hàng, xã hội.

“Cục Hàng không và các hãng bay cũng sẽ tiếp tục ngồi lại với nhau để tìm cách giảm giá vé. Tuy nhiên, giá vé sẽ giảm như thế nào thì cần sự phối hợp, sự vào cuộc giữa các bên liên quan. Vấn đề không chỉ là giảm giá vé mà còn cần phải tiếp tục đảm bảo chất lượng dịch vụ và độ an toàn của các chuyến bay” – ông Đào Hồng Cẩm nói.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, công tác điều hành, năng lực nhân sự và năng suất lao động để tiết giảm chi phí. Làm sao đưa về mức phù hợp hơn với khả năng chi trả của đa số khách hàng.

Đại diện Cục Hàng không nhận định, hiện giá vé máy bay đã "hạ nhiệt". Tuy nhiên, trong những dịp cao điểm nghỉ lễ sắp tới và nghỉ hè giá vé có tăng mạnh trở lại không là vấn đề được xã hội rất quan tâm.

Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay, đồng lòng hợp sức từ phía các hãng hàng không cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước, vì sự phát triển bền vững của ngành hàng không.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/giam-gia-ve-may-bay-can-su-dong-long-tu-cac-hang-hang-khong-cac-co-quan-quan-ly-nha-nuoc-381248.html