Giải quyết tình trạng quá tải khách du lịch leo núi Phú Sĩ – Mỗi địa phương một cách tiếp cận

Quá tải khách du lịch đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng của Núi Phú Sĩ, nhưng Yamanashi và Shizuoka, hai tỉnh mà ngọn núi cao nhất Nhật Bản đang xử lý tình hình theo những cách khác nhau.

Khách du lịch chen chúc nhau để ngắm núi Phú Sĩ từ Chùa Chureito. Ảnh: Phạm Tuân

Khách du lịch chen chúc nhau để ngắm núi Phú Sĩ từ Chùa Chureito. Ảnh: Phạm Tuân

Núi Phú Sĩ là Di sản Thế giới được hơn 200.000 lượt khách tham quan ghé thăm mỗi mùa hè. Tuy nhiên, gần đây, các vấn đề như leo núi qua đêm nguy hiểm, đám đông và xả rác đã trở nên báo động.

Để chống lại tình trạng tắc nghẽn giao thông lên núi, tỉnh Yamanashi dự kiến sẽ bắt đầu thu phí vào mùa hè này để sử dụng Đường mòn Yoshida lên đỉnh núi. Trong khi đó, tỉnh Shizuoka không áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với ba con đường mòn lên núi từ hướng của địa phương này.

Ùn tắc vì muốn ngắm bình minh trên núi

Nhớ lại tình hình của núi Phú Sĩ vào năm ngoài, anh Yotaro, người quản lý nhà nghỉ trên núi Kamaiwakan nằm trên đường mòn Yoshida cho biết: “Giống như chúng ta đang ở một khu vực trung tâm thành phố nào đó. Tôi nghe thấy tiếng đám đông khách du lịch la hét, áo mưa, đồ ăn, đồ uống bị vứt rải rác đây đó”.

Khi bình minh ló dạng, những người leo núi cố gắng đón những tia nắng đầu tiên trên đỉnh núi đã bị hạn chế đứng ở trạm thứ tám của ngọn núi. Do nhiều người chen chúc nên làm tăng nguy cơ đá rơi và người bị trượt ngã.

Nhiều người leo núi phải ngủ trưa bên vệ đường mòn vì họ đã leo suốt đêm để lên đỉnh đón bình minh mà không ghé lại nhà nghỉ nào. Những người như vậy có nguy cơ cao bị say độ cao và hạ thân nhiệt, vì độ cao tăng đột ngột và thiếu ngủ có thể làm giảm sức chịu đựng của một người.

Anh Yotaro cho biết vào tháng 9 năm ngoái, hai nam sinh viên đại học đến từ Mỹ và Mexico chỉ mặc áo khoác nhẹ, quần jeans và giày thể thao để leo đến đỉnh núi. Thế nhưng, sau khi lên đến đỉnh, họ không thể cử động vì mệt mỏi và lạnh giá. Cuối cùng họ phải kêu cứu.

Theo trung tâm sơ cứu Fujiyoshida, nơi các nhân viên y tế túc trực, có 332 người đã được điều trị trong mùa leo trước và gần 60% trong số họ có triệu chứng say độ cao. Một số người được phát hiện đã thực hiện kế hoạch leo núi rất mất sức để lên đỉnh của ngọn núi cao 3.776 mét này.

Biện pháp của tỉnh Yamanashi

Oshino Hakkai, một ngôi làng gần núi Phú Sĩ, cũng là điểm check-in ưa thích của du khách muốn ngắm núi Phú Sĩ. Ảnh: Xuân Giao

Oshino Hakkai, một ngôi làng gần núi Phú Sĩ, cũng là điểm check-in ưa thích của du khách muốn ngắm núi Phú Sĩ. Ảnh: Xuân Giao

Để ngăn chặn đám đông và những người leo núi qua đêm, chính quyền tỉnh Yamanashi sẽ thiết lập một cổng ở trạm thứ năm của Đường mòn Yoshida - nơi được sử dụng bởi khoảng 60% tổng số người leo núi Phú Sĩ - và thu phí vào cửa 2.000 yên mỗi người từ tháng ngày 1/7. Ngoài ra, tỉnh sẽ áp đặt giới hạn chỉ cho 4.000 người leo núi đi qua cổng này hàng ngày.

Hạn ngạch đặt chỗ trực tuyến hàng ngày được đặt ở mức 3.000 người và những người không đặt chỗ trước có thể qua cổng nếu dưới mức trần 4.000 người.

Những người leo núi đặt chỗ trực tuyến sẽ nhận được mã QR qua email mà họ phải quét tại trạm thứ năm của đường mòn. Họ sẽ được cấp một dây đeo tay nhận dạng. Tối đa 20 nhân viên, bao gồm cả người thu phí và nhân viên bảo vệ, sẽ được phân công phụ trách bán vé tại cổng.

Cổng sẽ đóng từ 4 giờ chiều cho đến 3 giờ sang hôm sau. Việc đặt chỗ đã bắt đầu được thực hiện trên trang web chính thức leo núi Phú Sĩ kể từ ngày 13/5. Thống đốc tỉnh Yamanashi, ông Kotaro Nagasaki, cho biết số tiền thu phí được tính dựa trên chi phí giải quyết đám đông và số tiền này sẽ được sử dụng cho các biện pháp an toàn.

Một góc làng Oshina Hakkai trong mùa cao điểm du lịch. Ảnh: Nguyễn Tuyến

Một góc làng Oshina Hakkai trong mùa cao điểm du lịch. Ảnh: Nguyễn Tuyến

Giới hạn 4.000 người được cho là đã được tính toán dựa trên mức độ tắc nghẽn trong quá khứ và các yếu tố khác. Tuy nhiên, chỉ có 10 ngày trong năm 2019 trước đại dịch có số lượng người leo núi vượt quá 4.000 người và chỉ có 5 ngày như vậy vào năm 2023. Do đó, không biết liệu quy định này có hiệu lực trong suốt mùa leo núi 72 ngày trong một năm nay hay không.

Trang web đặt chỗ có sẵn bằng tiếng Anh và tiếng Trung, nhưng hiện giờ vẫn chưa rõ liệu thông tin liên quan có đến được đầy đủ với khách du lịch nước ngoài hay không, nhóm chiếm khoảng 30% tổng số, vì việc đặt chỗ qua website chỉ mới được khởi động chưa được một tuần.

Núi Phú Sĩ từ lâu đã là biểu tượng tôn thờ tôn giáo. Một cơ quan cố vấn của UNESCO đã kêu gọi hạn chế số lượng lớn người leo núi vì sợ làm tổn hại đến bầu không khí thiêng liêng của ngọn núi. Thế nhưng không thể phủ nhận, việc thu hút nhiều du khách sẽ làm phong phú thêm nền kinh tế địa phương.

Người quản lý nhà nghỉ trên núi Mannenyuki ở phía tỉnh Shizuoka, ông Komaga, cho biết ông nhận được ngày càng nhiều yêu cầu đặt chỗ từ Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc và các nơi khác. Ông nói: “Điều quan trọng là phải phổ biến thông tin về tính chất thiêng liêng” của ngọn núi.

Người quản lý cửa hàng Komitake Baiten bên phía Yamanashi bày tỏ cảm xúc lẫn lộn. Người quản lý nói: “Cần có những hạn chế phù hợp, nhưng tôi lo ngại rằng khách hàng sẽ đổ về phía Shizuoka khi Yamanashi hạn chế”.

Theo chính quyền tỉnh Shizuoka, hầu hết các con đường mòn giữa trạm thứ năm với thứ tám ở phía Shizuoka đều nằm trên đất thuộc sở hữu nhà nước, khiến việc quản lý chúng thông qua các sắc lệnh của tỉnh trở nên khó khăn.

Núi Phú Sĩ nhìn từ phía tỉnh Yamanashi. Ảnh: Nguyễn Tuyến

Núi Phú Sĩ nhìn từ phía tỉnh Yamanashi. Ảnh: Nguyễn Tuyến

Bắt đầu từ mùa leo núi này, tỉnh Shizuoka sẽ khuyến khích những người leo núi đăng ký kế hoạch leo núi trực tuyến và yêu cầu họ không leo núi sau 4 giờ chiều.

Thị trưởng Fujinomiya Hidetada Sudo đã phàn nàn rằng các hạn chế này không phù hợp với các hạn chế của tỉnh Yamanashi: “Tôi ủng hộ những hạn chế, nhưng Yamanashi đang tiến hành các cuộc thảo luận mà không xem xét đến tình hình của Shizuoka”.

Trong khi đó, nhà leo núi nổi tiếng thế giới Ken Noguchi, 50 tuổi, cho rằng, tỉnh Yamanashi “đã đưa ra một quyết định đúng đắn khi hạn chế leo núi bằng cách thu phí, mặc dù nền kinh tế của tỉnh này phụ thuộc nhiều vào du lịch”.

Theo ông, “phí nhập cảnh ở nước ngoài thường là hàng chục nghìn, thậm chí hàng triệu yên. Các hạn chế hiệu quả cũng đòi hỏi các hình phạt để có hiệu lực và các cơ quan quản lý liên quan nên chủ động tạo ra phiên bản cuối cùng của các hạn chế thông qua quá trình thử nghiệm và sai sót”.

Núi Phú Sĩ, đỉnh núi cao nhất Nhật Bản, được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO vào năm 2013, trải dài giữa tỉnh Yamanashi và Shizuoka, là một địa điểm du lịch nổi tiếng. Được xem là hình ảnh biểu tượng cho xứ sở Mặt trời mọc, ngọn núi này thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch trong mùa leo núi mỗi năm, đem lại một nguồn lợi kinh tế cho địa phương.

Đảm bảo cho cảnh quan, môi trường núi Phú Sĩ không bị hư hại cũng như đảm bảo an toàn cho khách leo núi, hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của cả Yamanashi và Shizuoka. Tỉnh Yamanashi đã đi trước một bước với biện pháp hạn chế số khách leo núi. Cách tiếp cận khác nhau này đã được các nhà quan sát đang theo dõi xem liệu biện pháp hạn chế của tỉnh Yamanashi có được những người leo núi chấp nhận và cuối cùng có chứng minh được hiệu quả hay không.

Nguyễn Tuyến – Phạm Tuân – Xuân Giao (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/giai-quyet-tinh-trang-qua-tai-khach-du-lich-leo-nui-phu-si-moi-dia-phuong-mot-cach-tiep-can-20240520182620444.htm