Giá vàng liên tục biến động và tăng cao khiến cơ quan quản lý 'đau đầu' tìm giải pháp

Trước những biến động của thị trường giá vàng thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã họp rất nhiều lần, nhiều công điện được đưa ra yêu cầu siết chặt quản lý thị trường, cũng như tìm giải pháp để bình ổn.

Với nhiều người, vàng là tài sản tích trữ an toàn trước những biến động kinh tế. Không những thế, kim loại quý này còn được coi là một kênh đầu tư sinh lời, bảo toàn giá trị tăng trưởng qua thời gian. Điều này khiến nó trở thành lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư muốn phân tán rủi ro và duy trì danh mục đầu tư ổn định, linh hoạt.

Vì lý do đó, sau giai đoạn ổn định từ 2014-2018, từ năm 2019 đến nay, giá vàng trong nước bước vào chu kỳ tăng dữ dội. Đầu năm 2019, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mốc 36,58 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Đến cuối năm này, giá vàng miếng SJC đã vọt lên 42,6 triệu đồng/lượng, tức tăng tới 6,02 triệu đồng/lượng. Tới năm 2020, giá vàng miếng SJC từ mức 42,75 triệu đồng/lượng vào đầu năm đã tiến tới mức 56,1 triệu đồng/lượng vào cuối năm, tức tăng 13,35 triệu đồng/lượng.

Năm 2021, giá vàng tiếp tục xu hướng tăng. Phiên đầu năm 2021, giá vàng miếng SJC được giao dịch ở mức 56,7 triệu đồng/lượng. Chốt phiên cuối năm này, giá vàng miếng SJC có giá 61,45 triệu đồng/lượng, tăng 4,75 triệu đồng/lượng.

Năm 2022, giá vàng miếng SJC cũng tăng tới 4,9 triệu đồng/lượng, lên mức 66,7 triệu đồng/lượng vào cuối năm. Đáng chú ý, vào đầu năm 2022, giá vàng miếng SJC lập đỉnh ở mốc 74,4 triệu đồng/lượng.

Sang năm 2023, giá vàng ổn định vào đầu năm. Nhưng mấy tháng cuối năm, giá vàng biến động dữ dội theo xu hướng tăng cao. Có những phiên tăng - giảm trong vùng 1-2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC vọt lên đỉnh lịch sử 80,3 triệu đồng/lượng vào ngày 27/12/2023, sau đó rớt còn 74,02 triệu đồng trong phiên giao dịch cuối năm 2023. Tính chung trong năm 2023, giá vàng miếng SJC tăng 6,9 triệu đồng/lượng chiều bán.

 Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng liên tiếp lập đỉnh.

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng liên tiếp lập đỉnh.

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng miếng liên tục tăng mạnh. Có nhiều phiên, vàng miếng SJC tăng giá nhanh bất chấp vàng thế giới giảm. Như phiên 3/1, vàng miếng SJC tăng 500 nghìn/lượng dù thế giới đảo chiều giảm.

Có những phiên, giá vàng miếng SJC tăng "điên cuồng" không ngừng nghỉ, liên tục phá đỉnh lịch sử.

Đáng chú ý, những ngày đầu tháng 5, giá vàng sôi sục và liên tục lập đỉnh cao mới, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nỗ lực tìm giải pháp tăng cung với 5 cuộc đấu thầu vàng miếng SJC, trong đó, có 2 phiên có đơn vị trúng thầu với tổng số 6.800 lượng.

Bất chấp những động thái can thiệp thị trường của NHNN, giá vàng miếng SJC vẫn tăng điên cuồng. Đà tăng này khiến giá vàng miếng trong nước liên tục phá đỉnh qua từng ngày.

Vào ngày 10/5, giá vàng miếng SJC tăng lên mức 92,4 triệu đồng/lượng - mức cao chưa từng có trong lịch sử.

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC đã tăng 18,38 triệu đồng/lượng. Còn tính từ đầu năm 2019 đến nay, giá vàng miếng SJC tăng tới 55,82 triệu đồng/lượng ở chiều bán.

Trước những biến động của thị trường, Chính phủ, Thủ tướng đã đưa ra một loạt chỉ đạo với NHNN cùng các Bộ, ngành liên quan để tăng cường biện pháp quản lý thị trường. Vàng cũng trở thành mối quan tâm rất lớn của Chính phủ và các cơ quan quản lý thời gan qua,

Mới đây nhất, tại cuộc họp về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chiều tối 16/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lại một lần nữa nhấn mạnh lại yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan chủ động triển khai ngay các công cụ, giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn thị trường vàng phù hợp, kịp thời và hiệu quả hơn nữa; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; kiểm tra, giám sát, kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng tại các doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm, nhất là buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định…

Trước đó, tại cuộc họp với lãnh đạo NHNN về các giải pháp quản lý thị trường vàng, ngày 14/5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu yêu cầu NHNN và các bộ, cơ quan liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiến hành các giải pháp quản lý thị trường vàng; khắc phục tình trạng giá vàng miếng trong nước và quốc tế chênh lệch cao, bất hợp lý.

NHNN cùng các bộ, cơ quan, địa phương hoàn thiện và ban hành kế hoạch thanh tra. Chậm nhất 17/5, cơ quan phải công bố quyết định thanh tra theo quy định để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN và các cơ quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng tại các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng.

Bộ Tài chính phải hoàn thành báo cáo chậm nhất trong quí II/2024 và có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Liên quan việc điều tiết thị trường vàng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh Nhà nước không can thiệp, bảo hộ giá hay kiểm soát giá vàng. Nhà điều hành chỉ độc quyền sản xuất vàng miếng chứ không độc quyền kinh doanh vàng miếng.

Tuy nhiên, vàng miếng lại là sản phẩm đặc biệt, vừa có tính chất hàng hóa, vừa có tính chất tiền tệ. Do đó, NHNN có trách nhiệm can thiệp, bình ổn thị trường, tạo sân chơi bình đẳng để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đầu cơ, lũng đoạn thị trường vàng...

Cho ý kiến về vấn đề này, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết, trước tình hình giá vàng biến động phức tạp, Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng nhiều vấn đề.

"Trong đó, kiến nghị các giải pháp quan trọng liên quan đến an ninh tiền tệ, an ninh quốc gia, tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định về độc quyền vàng miếng SJC, tăng cường quy mô dự trữ vàng, quản lý khuôn vàng miếng SJC tại nhà máy in tiền quốc gia...", Trung tướng nói.

Bên cạnh đó, Trung tướng Hùng cho biết Bộ Công an kiến nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xây dựng, áp dụng cơ chế can thiệp của cơ quan quản lý vào thị trường vàng như các cơ chế can thiệp vào giá mua, giá bán, cơ chế can thiệp vào cung - cầu thị trường, kịp thời bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua - bán vàng miếng.

"Đồng thời, cần ban hành quy định về trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến việc quản lý thị trường vàng gồm vàng miếng, sản xuất gia công vàng trang sức... Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường...", Trung tướng nói.

Về phía Bộ Tài chính, lãnh đạo Bộ Công an cho rằng cần nghiên cứu ban hành quy định pháp lý kiểm soát nghĩa vụ thuế về kinh doanh vàng như bắt buộc xuất hóa đơn hàng điện tử online, quy định về thuế giá trị gia tăng, mã số, mã vạch...

Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng mua vàng miếng, buôn bán vàng trang sức, mỹ nghệ không có hóa đơn, chứng từ, mua bán tự do... Đặc biệt, một số đơn vị cơ sở kinh doanh vàng miếng chưa được cấp phép nhưng bán chui cho người dân gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Công an kiến nghị với UBND các tỉnh, thành phố cần quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh vàng của cá nhân, doanh nghiệp được cấp phép, không để xảy ra các đơn vị kinh doanh vàng vi phạm pháp luật như hiện nay, nhập lậu vàng, vàng giả, vàng giả SJC; kịp thời phát hiện các hoạt động vi phạm, đấu tranh, xử lý các vi phạm.

Trước con sốt của giá vàng, cuối tháng 4 vừa qua, NHNN đã đưa ra giải pháp đấu thầu vàng miếng để hạ nhiệt giá vàng trong nước, thế nhưng hầu hết các phiên đấu thầu vàng đều thất bại (3/5 phiên bị hủy), cũng như chưa có lượng cung vàng nào ra thị trường, điều này làm cho giá vàng càng tăng.

Ngày 8/5, NHNN tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Lần đấu thầu này là lần thứ hai thành công, với 3 đơn vị trúng thầu 3.400 lượng vàng, chiếm 20% so với quy mô 16.800 lượng vàng chào thầu. Giá trúng thầu là 86,05 triệu đồng/lượng. Trong khi các phiên trước đó, giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng và thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng. Như vậy, phiên đấu thầu này, các doanh nghiệp đã phải trả giá cao hơn để trúng thầu và giá gần như sát với giá thị trường là 87,5 triệu đồng/lượng (ngày 8/5).

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, NHNN cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 - 500 lượng vàng, thay vì 1.400 lượng như hiện nay, như vậy sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn. Ngoài ra, giá cọc cũng cần thay đổi, bởi hiện tại, các doanh nghiệp đều cho rằng giá còn cao.

Theo ông Khánh, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, cần sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Nếu sửa nghị định, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng. Ngược lại, nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể tiếp tục lập kỷ lục mới.

“Câu chuyện giá vàng sắp tới phụ thuộc lớn vào giải pháp căn cơ là tăng nguồn cung. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam có đề xuất NHNN cho phép lưu hành một vài thương hiệu vàng miếng khác như PNJ, DOJI, thay vì chỉ có SJC, để tăng tính cạnh tranh về mặt giá cả và đa dạng hóa nguồn cung”, ông Khánh chia sẻ thêm.

Ông Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cũng đồng tình quan điểm phải sửa gấp Nghị định 24, bởi từ khi ra đời, hơn 10 năm qua, thị trường hoàn toàn không được bổ sung nguồn cung mới, trong khi nhu cầu mỗi năm lại tăng. Cầu tăng, trong khi cung không có, nên chênh lệch giá vàng ngày càng bất hợp lý.

“Giải pháp đấu thầu vàng miếng vẫn chưa phù hợp để quản lý thị trường vàng trong nước hạ nhiệt với mức giá hợp lý như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Thực tế, việc đấu thầu vàng miếng chỉ giúp NHNN cung vàng ra thị trường với một mức giá hợp lý, sát với giá thị trường, mà không bị trách nhiệm. Bởi, nếu NHNN cung vàng với giá thấp quá thì sẽ bị trách nhiệm, mà giá quá cao thì các tổ chức vàng không mua nên biện pháp này chỉ là giải pháp giảm trách nhiệm về định giá vàng”, ông Đinh Thế Hiển cho biết.

Chính vì vậy, việc đấu thầu vàng miếng của NHNN không giải quyết được yếu tố vì sao giá vàng trong nước quá chênh lệch với giá vàng thế giới, mà chỉ là làm sao đưa vàng ra có mức giá sát với thị trường. Như vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế, chứ không phải là giải pháp lâu dài cho việc quản lý giá vàng hợp lý.

Nội dung: Hà Lan

Thiết kế: Hải An

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/longform-gia-vang-lien-tuc-bien-dong-va-tang-cao-khien-co-quan-quan-ly-dau-dau-tim-giai-phap-88079.html