E-magazine Người tâm huyết với làng golf phố núi

Anh Nguyễn Tiến Việt theo gia đình từ huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) vào sinh sống ở vùng biên giới Đức Cơ từ nhỏ. Khi biết Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai) tuyển sinh, anh đã mạnh dạn đăng ký và là thí sinh duy nhất của huyện Đức Cơ được tuyển.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Múa, anh Việt về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Đam San (nay là Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San). Từ một diễn viên múa, anh trở thành biên đạo dàn dựng nhiều chương trình lớn nhỏ. Nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh khi tổ chức các sự kiện thường mời anh về làm biên đạo. Anh nổi danh với cái tên “Việt múa” cũng từ những cống hiến bền bỉ của mình.

Sau khi chuyển đến công tác tại Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ Gia Lai rồi Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh, anh Việt vẫn hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Nghiệp múa không chỉ giúp anh thỏa mãn đam mê sáng tạo, với những vũ điệu uyển chuyển mà còn giúp anh có thu nhập ổn định để chăm lo cho gia đình. Vì vậy, khi anh quyết định nghỉ việc để đi học đánh golf tại TP. Hồ Chí Minh ở tuổi gần 40, người thân và bạn bè ai nấy đều ngỡ ngàng.

Năm 2017, trong một lần đi cùng người quen đến sân tập golf Xuân Thủy (phường Thống Nhất, TP. Pleiku), chứng kiến một người thầy tại TP. Hồ Chí Minh về dạy golf, anh liền tham gia tập thử và nhanh chóng yêu thích môn thể thao này. Anh tâm sự: “Suốt nửa năm trời ở TP. Hồ Chí Minh, tôi phải ở trọ, ăn cơm bụi rồi đến sân golf học chứ không hề hào nhoáng như những gì người ta thường thấy ở các golfer”.

Sau khi trở về từ TP. Hồ Chí Minh, anh Việt là người Gia Lai đầu tiên có chứng chỉ Golf Level 1 của Hiệp hội Golf Việt Nam, trở thành huấn luyện viên của Học viện Golf GGA. Anh vào làm tại sân tập golf Xuân Thủy với vai trò huấn luyện viên. Sân tập ít người, anh phải bắt tay làm từ những việc nhỏ nhất như: cắt cỏ, nhặt bóng…

Đó là thời điểm phong trào golf tại Gia Lai mới manh nha nên lượng người chơi còn ít ỏi. Anh Việt thường dạy miễn phí để thu hút người chơi và gây dựng phong trào. Anh Việt kể: “Tôi phải mất 3 năm đầu khá chênh vênh, thu nhập ít, đi lại xa, ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống gia đình. Nhưng đã xác định rồi nên tôi miệt mài cho công tác huấn luyện ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk… Dần dần, cuộc sống ổn định, tôi tự tin có thể sống nhờ golf”.

Hiện tại, Gia Lai có khoảng 300 người thường xuyên luyện tập golf, trong đó có hàng trăm golfer do anh hướng dẫn. Số học viên ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk của anh Việt lên đến khoảng 500 người. Từ một môn thể thao được xem là quý tộc dành cho giới thượng lưu, golf đã trở nên đại trà hơn cùng sự phát triển của kinh tế-xã hội, nó trở thành môn thể thao rèn luyện sức khỏe, trí lực rất tốt.

Với tâm niệm muốn cải thiện kỹ thuật bản thân, học hỏi kinh nghiệm thực chiến từ những trận đấu chính thức qua đó để truyền đạt một cách thực tế, hiệu quả nhất cho học viên, anh Việt thường xuyên tham gia thi đấu các giải trên toàn quốc. Và anh đã trở thành một golfer cự phách với biệt danh “Việt tay to” hay “Việt voi Gia Lai”. Nhờ khổ luyện, anh Việt đã 27 lần giành giải nhất ở các bảng đấu, 6 lần giành ngôi quán quân Best Gross của các giải do Hiệp hội Golf Việt Nam tổ chức. Trong đó, nổi bật là ngôi vị số 1 tại Giải Vô địch các câu lạc bộ golf toàn quốc năm 2022.

Chị Đinh Thị Quỳnh Anh (phường Trà Bá, TP. Pleiku, một học trò của anh Việt) bày tỏ: “Ban đầu có người bạn rủ chơi golf, tôi cũng khá ngại ngùng vì nghĩ nó khó và lạ lẫm. Song sau 10 buổi tập, được thầy Việt hướng dẫn tận tình từ những động tác nhỏ nhất, tôi rất thích môn thể thao này. Golf giúp tôi có sức khỏe và vóc dáng đẹp. Đặc biệt, mỗi lần đến sân, tôi lại được thư giãn, tiếp thêm năng lượng, cảm hứng khi trở lại với công việc”.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nguoi-tam-huyet-voi-lang-golf-pho-nui-post277989.html