Dự án Bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng tại thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị: Cần đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa người dân và doanh nghiệp

Dự án Bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng tại thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị được chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục pháp lý và cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chấp thuận, tuy nhiên nhiều hộ dân địa phương lại phản đối. Tiếp nhận phản ánh từ người dân, phóng viên Báo Quảng Trị đã tìm hiểu sự việc và cung cấp thông tin để bạn đọc được rõ.

Tuyến đường Còn Chọ khá xung yếu với nhiều khúc cua, không có vỉa hè - Ảnh: LÊ MINH

Tuyến đường Còn Chọ khá xung yếu với nhiều khúc cua, không có vỉa hè - Ảnh: LÊ MINH

Dự án đã được cấp chủ trương đầu tư

Dự án bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng có diện tích 4.800 m2 , tổng mức đầu tư 730.000.000 đồng; vị trí thực hiện tại Tiểu khu 832, thuộc thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị; chủ đầu tư là hộ kinh doanh ông Nguyễn Văn Cẩm có hộ khẩu ở thôn Như Lệ, xã Hải Lệ. Nguồn tập kết vật liệu xây dựng là cát sỏi lòng sông tại mỏ cát, sỏi Ba Lòng (Khu B) - Khu vực 1, thuộc xã Ba Lòng, huyện Đakrông được UBND tỉnh cấp phép thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Quyết định số 908/QĐ-UBND ngày 16/4/2021 và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định. Công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ và môi trường GFC là đơn vị nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản.

Để thực hiện dự án, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Cẩm đã gửi văn bản đến các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và UBND thị xã Quảng Trị để được hướng dẫn thủ tục. Phúc đáp các văn bản của hộ kinh doanh, các sở và UBND thị xã Quảng Trị đã hướng dẫn với các nội dung: Dự án thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện; hướng dẫn lập hồ sơ thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; bãi tập kết nằm ngoài phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của hạng mục đập số 7, thuộc công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn; dự án phù hợp với phát triển KT - XH, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục pháp lý, được địa phương cấp chủ trương đầu tư, ngày 21/8/2023, UBND tỉnh có Thông báo số 187/ TB-UBND với nội dung đề nghị UBND thị xã Quảng Trị cấp phép môi trường để dự án đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, đến nay UBND thị xã Quảng Trị vẫn chưa cấp phép môi trường cho dự án đi vào hoạt động với lý do nhiều hộ dân ở địa phương chưa đồng thuận vì lo ngại dự án này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống.

Lo ngại về môi trường và giao thông

Chủ tịch UBND xã Hải Lệ Nguyễn Đạo Ái cho biết, sau khi UBND thị xã Quảng Trị cấp chủ trương đầu tư dự án bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng của hộ ông Nguyễn Văn Cẩm, nhiều hộ dân ở thôn Tân Mỹ không đồng tình vì lo ngại ảnh hưởng môi trường, không đảm bảo an toàn giao thông trong khâu vận chuyển. Trong đó, 52 hộ ở đội Tân Tập làm nghề nuôi cá và đánh bắt thủy sản trong lòng hồ lo ngại việc tàu thuyền vận chuyển cát sỏi sẽ ảnh hưởng đến công việc của họ. Để tạo đồng thuận trong Nhân dân, UBND xã Hải Lệ đã tổ chức nhiều phiên đối thoại giữa người dân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp vận chuyển. Sau các phiên đối thoại, 52 hộ dân ở đội Tân Lập đã đồng thuận với các cam kết của doanh nghiệp đưa ra, đồng ý cho dự án triển khai. Hiện nay, còn lại 19 hộ nằm xa khu vực bãi tập kết chưa đồng thuận với lý do không đảm bảo môi trường và an toàn giao thông trong khâu vận chuyển.

Bà Lê Thị Minh Thủy đại diện cho 19 hộ dân chưa đồng thuận cho rằng, các hộ dân lo lắng trong khâu vận chuyển sẽ gây rơi vãi vật liệu, bụi bẩn trên đường đi qua khu dân cư các hộ đang sinh sống. Đặc biệt là vấn đề an toàn giao thông cho các hộ dân sống 2 bên tuyến đường. Quan sát của phóng viên cho thấy, đoạn đường các phương tiện vận chuyển cát, sỏi sẽ đi qua là tuyến đường liên thôn có tên Còn Chọ dài khoảng 1.000 m, trong đó 500 m là đường bê tông, với 14 hộ dân đang sinh sống 2 bên đường. Đoạn 500 m đường bê tông khá xung yếu, với chiều rộng nền đường 5,5 m; không có vỉa hè dành cho người đi bộ, một nhà dân có tường giáp với mặt đường; đoạn đường có các khúc cua cong, khuất tầm nhìn; đoạn đường nằm ở vị trí triền đồi, một bên đường cao, một bên thấp, một số nhà dân có vị trí thấp so với mặt đường phải làm kè chống sạt lở.

Ông Ngô Văn Phước, thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ đưa cho phóng viên 1 biên bản họp xóm ngày 23/10/2023, trong đó có nội không đồng ý việc các phương tiện vận chuyển cát sỏi từ bãi tập kết đi qua tuyến đường vì ảnh hưởng đến sinh hoạt và không đảm bảo an toàn giao thông.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định, dự án này không phải thực hiện lấy ý kiến tham vấn cộng đồng. Tuy nhiên, để tạo đồng thuận trong Nhân dân, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều phiên đối thoại nhưng đến nay một số hộ vẫn chưa đồng ý.

Nên mở lối đi tránh qua khu dân cư

Ông Nguyễn Xuân Giang, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ và môi trường GFC cho biết, để đảm bảo an toàn giao thông trong khâu vận chuyển, chủ dự án đã có cam kết với các giải pháp gửi chính quyền địa địa phương và Nhân dân. Trong đó, sẽ lắp đặt cọc tiêu, đèn báo nguy hiểm tại lối ra vào trong công trường, tại những vị trí dễ xảy ra tai nạn như ngã ba giao nhau, khúc cua, đường cong khuất tầm nhìn.

Xe vận chuyển đúng tải trọng, không làm rơi vãi cát, sỏi trên đường đi; không chạy nhanh vượt ẩu, không dừng đỗ xe trên các tuyến đường hẹp, dưới lòng đường; không vận chuyển vào các giờ cao điểm như giờ bắt đầu đi làm, đi học từ 6 giờ 30 - 7 giờ 30, giờ tan ca trưa từ 10 giờ 30 - 14 giờ, giờ tan ca chiều từ 16 giờ - 17 giờ để tránh ùn tắc giao thông và không vận chuyển vào ban đêm. Cung cấp thông tin toàn bộ phương tiện, lắp camera trên đường vận chuyển để chính quyền giám sát; thực hiện biện pháp khắc phục nếu tuyến đường bị hư hỏng.

Về môi trường, có nhiều giải pháp trong quá trình vận chuyển từ tàu lên bãi tập kết, đồng thời bố trí nhân lực vệ sinh giảm thiểu khói bụi và hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân trên đoạn đường Còn Chọ. Bên cạnh đó, cam kết hỗ trợ địa phương đầu tư hạ tầng xây dựng nông thôn mới như đầu tư đường giao thông, các công trình thể thao, văn hóa; hằng năm hỗ trợ địa phương kinh phí 100 triệu đồng... Ông Nguyễn Xuân Giang cho biết thêm, nếu chính quyền địa phương và Nhân dân ủng hộ, doanh nghiệp sẽ đầu tư kinh phí mở lối đi tránh qua khu dân cư.

Từ diễn biến sự việc cho thấy, nhu cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh của hộ kinh doanh, doanh nghiệp là phù hợp với quy định và nhu cầu phát triển KT - XH địa phương, trong khi đó kiến nghị của người dân cũng chính đáng cần xem xét giải quyết. Theo chúng tôi, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có tiếng nói chung giữa người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kiến nghị giải pháp với cấp có thẩm quyền về tuyến vận chuyển mới. Về phía người dân cần tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt là pháp luật giao thông đường bộ. Đối doanh nghiệp cần thực hiện đúng cam kết của mình trước chính quyền và Nhân dân. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi của người dân và giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ban-doc-phap-luat/du-an-bai-tap-ket-kinh-doanh-vat-lieu-xay-dung-tai-thon-tan-my-xa-hai-le-thi-xa-quang-tri-can-dam-bao-hai-hoa-quyen-loi-giua-nguoi-dan-va-doanh-nghiep/182387.htm