Đồng yên yếu - thách thức cho phần lớn doanh nghiệp Nhật Bản

Theo kết quả cuộc khảo sát gần đây của Teikoku Databank, nhiều công ty Nhật Bản đang cảm thấy đồng yen suy yếu gần đây là một yếu tố tiêu cực cho hoạt động kinh doanh của mình.

Đồng 10.000 yen và đồng 100 USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng 10.000 yen và đồng 100 USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo của Teikoku Databank công bố ngày 17/5 cho thấy khoảng 64% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết việc đồng yen mất giá gần đây đã làm giảm lợi nhuận của họ, trong khi chỉ 7,7% nhận thấy tác động tích cực.

Các công ty cho rằng tác động tiêu cực là do họ không thể chuyển toàn bộ chi phí nguyên vật liệu đầu vào đang tăng cao sang giá bán cho khách hàng. Khoảng 50% số công ty được khảo sát cho biết tỷ giá đồng yen ở mức 110-120 yen đổi 1 USD là phù hợp. Tính đến giữa trưa ngày 17/5 tại thị trường Tokyo, đồng yen được giao dịch ở mức khoảng 155,8 yen đổi 1 USD. Báo cáo của Teikoku Databank được đưa ra trong bối cảnh các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp, bao gồm Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Keidanren và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda, đã gia tăng cảnh báo về đồng yen. Biến động mạnh gần đây của đồng tiền này đã dẫn đến suy đoán rằng Chính phủ Nhật Bản đã có hành động can thiệp vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ đồng yen và đã chi khoảng 9.400 tỷ yen (60,8 tỷ USD). Báo cáo trên phản ánh ý kiện từ 1.046 công ty, bao gồm cả các nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian, ngay cả sau khi BoJ thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên trong 17 năm trong tháng 3/2024. Điều này đang tạo áp lực khiến đồng yen giảm giá. Mặc dù đồng yen yếu đã hỗ trợ lợi nhuận của các nhà xuất khẩu như Tập đoàn Toyota Motor Corp., nhưng nó lại gây ảnh hưởng đến hoạt động trong nước. Chi tiêu của hộ gia đình đã giảm hàng tháng trong hơn một năm qua do người tiêu dùng phải thắt chặt ngân sách để đối phó với chi phí sinh hoạt leo thang. Đầu tháng này, Giám đốc điều hành của hãng hàng không Japan Airlines Co., bà Mitsuko Tottori, cho biết đồng yen là một "vấn đề lớn" và bày tỏ mong muốn đồng yen quay trở lại mức khoảng 130 yen đổi 1 USD. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết chính phủ đang cố gắng giảm thiểu tác động tiêu cực của việc đồng yen mất giá thông qua các chính sách, bao gồm các biện pháp giảm giá. Ngày 16/5, Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này trong quý I/2024 giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 2 quý. So với quý trước đó, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 0,5%. GDP của Nhật Bản giảm do nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng của tình trạng lạm phát tăng cao và việc công ty Daihatsu Motor Co. thuộc tập đoàn sản xuất ô tô Toyota tạm ngừng xuất khẩu sau bê bối gian lận kiểm tra an toàn xe. Như vậy, kinh tế Nhật Bản trong quý I/2024 giảm sâu hơn các mức dự báo trước đó của các nhà kinh tế, trong đó Trung tâm nghiên cứu kinh tế của Nhật Bản dự báo mức giảm 1,17% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,29% so với quý trước đó. Tiêu dùng cá nhân vốn đóng góp hơn 50% cho nền kinh tế Nhật Bản giảm 0,7%. Đây là quý thứ 4 liên tiếp tiêu dùng cá nhân ở Nhật Bản giảm và là chuỗi giảm dài nhất trong 15 năm qua, cho thấy nhu cầu trong nước đang suy yếu, một yếu tố quan trọng để Nhật Bản thúc đẩy chu kỳ tăng lương và giá, qua đó BoJ có thể tiếp tục cắt giảm chương trình kích thích tiền tệ mà ngân hàng này đã duy trì trong nỗ lực chống giảm phát nhiều năm qua. Giá căn hộ cũ ở trung tâm Tokyo đang tăng vọt trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô đến trước sức hút từ đồng yen yếu. Bất chấp xu hướng kéo dài nhiều năm, các căn hộ ở trung tâm Tokyo vẫn tương đối rẻ so với những căn hộ ở những nơi như Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.

Ngoài ra, đồng yen suy yếu đang thu hút tiền từ nước ngoài. Đồng yen rẻ khiến bất động sản ở thủ đô Nhật Bản trở thành "một món hời", dù những căn hộ cũ hàng chục năm hiện có giá gấp ba lần giá được bán ban đầu.

Tokyo, một trung tâm thương mại phát triển mạnh, cũng mang lại lợi nhuận tương đối cao khi cho thuê những bất động sản này. Điều này cho thấy giá có thể sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian tới. Tại các khu vực xung quanh Ga Shin-Ochanomizu trên tuyến Chiyoda của Tokyo Metro, giá trung bình trên 3,3 mét vuông là 12,552 triệu yen (80.580 USD), tăng từ mức 4,248 triệu yen cách đây 10 năm.

Tòa Waterras Tower Residence, hoàn thành vào năm 2013, có đơn giá trung bình ban đầu là 101,18 triệu yen, nhưng giá trị thị trường bán lại ở đây đã lên tới 278,23 triệu yen.

Tốc độ tăng cao tiếp theo là xung quanh Ga Roppongi-itchome của Tokyo Metro, nơi giá bán lại tăng 170%. Giá trên 3,3 mét vuông tăng từ 4,796 triệu yen lên 12,742 triệu yen. Tại Ark Hills Sengokuyama Residence, một căn hộ ban đầu có giá 188,85 triệu yen giờ đây có thể thu về 357,6 triệu yen. Tại Osaka, miền Tây Nhật Bản, những căn hộ đã được 10 năm gần ga Osaka của Đường sắt Tây Nhật Bản tăng giá gấp đôi. Tại Nagoya, miền trung Nhật Bản, giá bán lại căn hộ gần ga Hisaya-odori trên tàu điện ngầm thành phố Nagoya tăng khoảng 40%. Một yếu tố đằng sau sự gia tăng giá trị mạnh mẽ là các bất động sản cũ này được hoàn thành một vài năm sau trận động đất lớn, sóng thần và ba đợt rò rỉ phóng xạ làm rung chuyển vùng Đông Bắc Nhật Bản vào năm 2011, tạo ra sự bất ổn trên khắp đất nước và làm suy yếu giá trị bất động sản ở thời điểm đó. Giờ đây, có một động lực khác đang diễn ra, đó là dòng vốn từ các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài. Ông Joe Rigby, Chủ tịch Housing Japan, một công ty bất động sản chủ yếu bán các căn hộ chung cư hiện có ở trung tâm Tokyo cho người nước ngoài, cho biết kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lắng xuống, giao dịch của người mua nước ngoài đã trở nên mạnh mẽ. Ông nói thêm rằng giá tính bằng USD của bất động sản ở Tokyo không tăng và được coi là rẻ. Vào tháng 1/2021, 1 USD có thể đổi được 103 hoặc 104 yen. Năm nay, con số này có lúc đã lên tới 160 yen. Nói cách khác, giá căn hộ ở trung tâm Tokyo bắt đầu tăng tốc vào năm 2021 khi giá trị đồng yen giảm mạnh. Ngày 13/5, trong một hoạt động nghiệp vụ định kỳ, BoJ đã chào mua một lượng trái phiếu chính phủ ít hơn so với ngày 24/4, nhằm giảm sự hiện diện của mình trên thị trường nợ của nước này. Động thái này có thể đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ của Nhật Bản lên cao, thu hẹp khoảng cách lợi suất đáng kể giữa Nhật Bản và Mỹ - yếu tố đang gây áp lực lên đồng yen. Lợi suất cho trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản đã tăng ngay sau thông báo của BoJ, trong khi đồng yen thu hẹp đà giảm trước đó.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 2011, lên tới 2,03% vào cuối phiên giao dịch buổi chiều. Bên cạnh đó, đồng yen đã thu hẹp đà giảm trước đó sau thông báo này, và hiện giao dịch ổn định ở mức 155,81 yen đổi 1 USD.

BoJ cho biết sẽ mua 425 tỷ yen (2,7 tỷ USD) trái phiếu kỳ hạn từ 5 đến 10 năm, so với lượng trái phiếu trị giá 475,5 tỷ yen được mua trong đợt điều hành tháng trước. Con số này vẫn nằm trong phạm vi được lên kế hoạch cho quý hiện tại. Đây là lần giảm mua trái phiếu đầu tiên kể từ cuối tháng 12 năm ngoái.

Minh Hằng (Theo Bloomberg)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-yen-yeu-thach-thuc-cho-phan-lon-doanh-nghiep-nhat-ban/333442.html