Đồng minh vượt giới hạn, Mỹ có nối bước hỗ trợ tên lửa tầm xa cho Ukraine?

Các quan chức giấu tên phương Tây cho biết đã có một cuộc thảo luận kín trong chính quyền Tổng thống Biden về việc có cung cấp tên lửa dẫn đường đất đối đất ATACMS cho Ukraine hay không.

Anh đã cung cấp tên lửa hành trình Storm Shadow cho Ukraine vào tháng 5/2023. Pháp cũng cam kết hỗ trợ tên lửa tầm xa SCALP tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Litva tuần này.

Dù vậy, hiện nay, Mỹ vẫn do dự hỗ trợ Ukraine Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS), thậm chí cả khi chính quyền Tổng thống Biden thừa nhận các lực lượng của Kiev đang cạn kiệt đạn dược trong cuộc phản công Nga.

Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS). Ảnh: Reuters

Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS). Ảnh: Reuters

Ukraine từ lâu đã khao khát sở hữu tên lửa ATACMS có tầm bắn 300km, xa hơn tên lửa Anh và Pháp đang cung cấp cho Kiev. Lầu Năm Góc vẫn giữ lập trường Ukraine hiện không cần ATACMS, tên lửa có khả năng tấn công sâu vào phòng tuyến đối phương, bao gồm cả lãnh thổ Nga và Bán đảo Crimea.

Tuy nhiên, 2 nguồn tin từ Mỹ và 1 nguồn tin từ châu Âu cho biết đã có một cuộc thảo luận kín trong chính quyền Tổng thống Biden về việc có cung cấp tên lửa dẫn đường đất đối đất ATACMS cho Ukraine hay không, hiện đang được dự trữ cho các mối đe dọa an ninh khác.

Giống như Mỹ, Pháp trước đó đã loại bỏ khả năng cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa do lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga và làm leo thang xung đột. Tuy nhiên, Tổng thống Emmanuel Macron đã thông báo sẽ cung cấp tên lửa SCALP để giúp Ukraine tự vệ.

Cuộc phản công của Ukraine hiện đang tiến triển chậm do Kiev phải đối phó với các lực lượng của Moscow đã có nhiều tháng xây dựng các phòng tuyến kiên cố.

Trước đó, Mỹ từng một vài lần gạt bỏ sự do dự trong việc cung cấp vũ khí tiên tiến cho Ukraine, trong đó có hệ thống Patriot, xe tăng Abrams và đạn chùm. Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đưa ra quyết định hỗ trợ Ukraine đạn chùm vào tuần trước, mặc dù việc sử dụng đạn chùm là trái quy định tại một số nước đồng minh thân cận của Mỹ. Ông Biden gọi đây là lựa chọn khó khăn nhưng dẫn ra rằng "Ukraine đang cạn kiệt đạn dược".

ATACMS nằm trong số các vũ khí quan trọng Ukraine muốn được hỗ trợ và Mỹ vẫn do dự cung cấp. Các quan chức quốc phòng Mỹ cảnh báo kho tên lửa ATACMS tương đối ít và các tên lửa này nằm trong các kế hoạch khác của Lầu Năm Góc tại một số nơi, trong đó có Bán đảo Triều Tiên. Chỉ khoảng 4.000 tên lửa ATACMS được sản xuất kể từ khi tên lửa này được phát triển vào những năm 1980, Người phát ngôn tập đoàn Lockheed Martin cho hay ngày 11/7.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nhận định với báo giới ngày 11/7 rằng, ông "hoàn toàn chắc chắc mọi thứ bất khả thi hiện nay" sẽ trở nên khả thi.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: New York Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dong-minh-vuot-gioi-han-my-co-noi-buoc-ho-tro-ten-lua-tam-xa-cho-ukraine-post1032185.vov