Dòng bank 'níu chân' thị trường, cổ phiếu vừa và nhỏ hút tiền trong phiên cuối tuần

Sự thiếu đồng thuận của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khiến thị trường khó tăng tốc, thậm chí có thời điểm đảo chiều điều chỉnh. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có sức hút lớn với nhiều mã giao dịch bùng nổ.

Nhóm cổ phiếu vua nhanh chóng hạ nhiệt và chuyển qua trạng thái phân hóa khiến VN-Index kém khởi sắc hơn so với phiên hôm qua, thậm chí có thời điểm thủng mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, thị trường tiếp tục đi lên nhờ diễn biến dòng tiền sôi động chảy qua các nhóm ngành khác, với điểm nóng là nhóm cổ phiếu chăn nuôi, cùng đà tăng mạnh của một số mã bluechip. Chỉ số VN-Index đã tạm khép lại phiên sáng cuối tuần với mức tăng chỉ hơn 5 điểm nhưng cũng đủ để leo lên mức giá cao nhất của phiên, sát mốc 1.275 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, một số mã bluechip “quay xe”, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng, đã khiến VN-Index nhanh chóng thu hẹp biên độ. Nhưng sắc đỏ lại một lần nữa kích hoạt thành công, ngay khi thủng mốc tham chiếu, lực cầu gia tăng đã giúp thị trường bật hồi và xác nhận phiên tăng điểm thứ tư liên tiếp trong tuần với thanh khoản tiếp tục được cải thiện.

Sóng ngành khá ngắn và nhanh chóng luân chuyển đang là động lực chính dẫn dắt đà tăng của thị trường. Tuy nhiên, việc thiếu điểm tựa từ các trụ đỡ khiến xu hướng tăng của thị trường khá mong manh.

Chốt phiên, sàn HOSE có 234 mã tăng và 176 mã giảm, VN-Index tăng 4,33 điểm (+0,34%), lên 1.273,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 937 triệu đơn vị, giá trị gần 23.074 tỷ đồng, tăng 5,88% về khối lượng và 1,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 106,2 triệu đơn vị, giá trị gần 2.597 tỷ đồng.

Nhóm VN30 phân hóa với 14 mã tăng và 12 mã giảm, kết phiên chỉ tăng gần 2 điểm. Trong đó, các mã lớn như VCB, FPT, BID, MBB đều nới nhẹ đà giảm điểm, nhưng đã được MSN và GVR “cân tất”.

Cổ phiếu MSN đóng cửa tăng 4,3% lên mức giá 75.500 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất trong gần 2 tháng qua; đồng thời thanh khoản cũng ấn tượng với hơn 12,3 triệu đơn vị khớp lệnh, gấp 2,5 lần khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây và cũng là con số cao nhất trong hơn 2 tháng qua, kể từ phiên 5/3 khớp gần 13 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, trong top 5 mã bluechip tăng mạnh còn có sự xuất hiện của 2 cổ phiếu nhà Vingroup, trong đó VRE tăng 2% và VHM tăng 1,5%, với khối lượng khớp lệnh đều đạt hơn 10 triệu đơn vị.

Trái với diễn biến phân hóa ở rổ bluechip, dòng tiền sôi động đã tiếp sức cho “cuộc chạy đua” của nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ. Điển hình là cặp đôi HAG – HNG đều đóng cửa tại mức giá trần, trong đó HAG khớp lệnh tới hơn 38,2 triệu đơn vị và dư mua trần tới hơn 10 triệu đơn vị. Các mã nhỏ khác như CIG, TLD, EVF cũng trong trạng thái dư mua trần, trong đó EVF khớp lệnh bùng nổ, đạt gần 21 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm nông lâm ngư tiếp tục nới rộng biên độ và là điểm sáng của thị trường. Trong đó, ở nhóm chăn nuôi, cặp đôi HAG và BAF vẫn “trần cứng”, còn DBC không giữ được sắc tím nhưng đóng cửa cũng tăng tới 6,4% lên mức giá 33.400 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong hơn 2 năm qua, đồng thời thanh khoản bùng nổ với hơn 20,4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Thuộc top 3 tăng tốt nhất không ai khác chính là nhóm cổ phiếu cùng nhịp đập thị trường, với sắc xanh lan rộng ở nhóm chứng khoán. Điểm sáng ngành là cổ phiếu VND khi đóng cửa tăng 4% lên mức 21.900 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh hơn 21,7 triệu đơn vị.

Mặt khác, nhóm cổ phiếu ngân hàng “quay xe” sau phiên khởi sắc hôm qua, dù mức giảm không quá lớn. Trong đó, bên cạnh các mã vốn hóa lớn hơn như VCB, BID, CTG, MBB điều chỉnh giảm, thì LPB và SHB vẫn giao dịch khởi sắc.

Cổ phiếu SHB đã có phiên sôi động với thanh khoản hơn 67 triệu đơn vị khớp lệnh, cao nhất trong hơn 1 tháng qua, tuy nhiên, áp lực bán gia tăng đã khiến mã này thiếu chút nữa để mất mốc 12.000 đồng/CP.

Trên sàn HNX, mặc dù có những nhịp giật lùi về sát mốc tham chiếu, nhưng lực cầu sôi động đã giúp HNX-Index khép lại ở mức giá cao nhất ngày.

Đóng cửa, sàn HNX có 97 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index tăng 1,53 điểm (+0,64%), lên 241,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 99 triệu đơn vị, giá trị gần 1.926 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 8,1 triệu đơn vị, giá trị 108,1 tỷ đồng, trong đó riêng GKM thỏa thuận hơn 2,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 100,4 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nhỏ trên HNX cũng đua nhau khởi sắc. Bên cạnh bộ 3 gồm IDJ, API và APG tăng kịch trần với thanh khoản vài triệu đơn vị, một số mã khác như TAR có thời điểm cũng chạm trần và đóng cửa tăng 7% với khối lượng khớp 4,62 triệu đơn vị, TIG tăng 2% và khớp 4,51 triệu đơn vị, VGS tăng 7,3% và khớp 1,22 triệu đơn vị…

Trong khi đó, cổ phiếu TNG sau phiên nổi sóng lớn hôm qua đã nhanh chóng hạ nhiệt và chuyển qua trạng thái rung lắc. Đóng cửa, TNG tăng 0,8% lên mức 25.400 đồng/Cp và khớp 4,34 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, cổ phiếu chứng khoán vẫn là tâm điểm, với SHS đóng cửa tăng 1% và khớp lệnh 18,3 triệu đơn vị, MBS tăng 6% và xác lập đỉnh mới tại mức giá 31.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 8,26 triệu đơn vị, VFS tăng 1%, BVS tăng 1,3%, VIG tăng 1,4%...

Trên UPCoM, thị trường tiếp tục có thêm phiên tăng nhẹ.

Đóng cửa, chỉ số UPCoM-Index tăng 0,37 điểm (+0,4%), lên 93,07 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 63,48 triệu đơn vị, giá trị gần 747 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 9,2 triệu đơn vị, giá trị 148,8 tỷ đồng, trong đó riêng GCF thỏa thuận hơn 5,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 100 tỷ đồng.

Cổ phiếu AAH đã lấy lại mốc tham chiếu và đóng cửa đứng tại mức giá 6.000 đồng/CP, giao dịch vẫn sôi động nhất với hơn 9,57 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Một số mã đáng chú ý trên sàn như BSR tăng 1% và khớp 6,8 triệu đơn vị, DDV hồi phục và đóng cửa tăng 2,2% lên mức giá cao nhất ngày 19.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 2,3 triệu đơn vị, BVB tăng 2,4% và khớp 2,2 triệu đơn vị, VGI tăng 10,8% lên mức 89.000 đồng/CP và khớp gần 1,5 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tăng và 2 hợp đồng giảm với mức biến động chỉ trên dưới 1 điểm. Trong đó, VN30F2406 đáo hạn gần nhất vào ngày 20/6, đóng cửa giảm nhẹ 0,6 điểm xuống mức 1.307,9 điểm, khớp lệnh hơn 176.190 đơn vị, khối lượng mở hơn 39.150 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, hai mã giao dịch sôi động nhất là CHPG2332 khớp 2,41 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 2,1% xuống 950 đồng/cq; và CHPG2331 khớp 2,15 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 950 đồng/cq.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dong-bank-niu-chan-thi-truong-co-phieu-vua-va-nho-hut-tien-trong-phien-cuoi-tuan-post345435.html