Đông Anh tập trung triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Từ năm 2020 đến nay, huyện Đông Anh không còn hộ nghèo. Theo đó, công tác giảm nghèo bền vững được gắn liền với quy hoạch đô thị và xây dựng nông thôn mới.

Triển khai các chính sách giảm nghèo

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, thời gian gần đây huyện đã chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện đầy đủ các chính sách theo quy định của Nhà nước đối với công tác giảm nghèo. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại tổng dư nợ tín dụng hàng năm dành cho các chương trình này đạt trên 500 tỷ đồng, để hỗ trợ nhóm đối tượng và hộ cận nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi; thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm, tăng thu nhập; hoặc giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch và hỗ trợ trang trải chi phí học tập của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…

Công tác vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo được triển khai, thực hiện hiệu quả đến 24 xã, thị trấn và các ngành ban, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp. Năm 2023, Quỹ vì người nghèo cấp huyện đạt 3.795.000.000 đồng; cấp xã đạt 1.956.380.000 đồng. Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, hàng tháng huyện đã chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên cho nhóm đối tượng yếu thế với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng/tháng cho trên 10.000 người.

Thời gian qua huyện Đông Anh đã tích cực triển khai các chính sách để giảm nghèo bền vững.

Đồng thời triển khai cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho 100% đối tượng hộ cận nghèo, thoát cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định; Hỗ trợ giáo dục, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trên 1.200 lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền trên 1,9 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách – xã hội trong dịp lễ, tết đặc được triển khai thực hiện đồng bộ, bằng nguồn vận động xã hội hóa, đã chăm lo cho trên 6.000 người yếu thế, hộ khó khăn với mức 500.000 đồng/người...

“Qua triển khai thực hiện rà soát hộ nghèo theo chuẩn mới tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 13/2021/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, từ năm 2020 đến nay trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo. Năm 2021 huyện có 1.551 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,5%. Đến tháng 4/2024, toàn huyện tiếp tục duy trì không còn hộ nghèo, hiện có 562 hộ cận nghèo với 1.624 nhân khẩu (giảm 63,8%), là huyện có tỷ lệ hộ cận nghèo thấp thứ 3 so với 18 huyện của TP” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám thông tin.

Đồng bộ các giải pháp

Cũng theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Đông Anh, để công tác giảm nghèo bền vững được thực hiện hiệu quả, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kết hợp chặt chẽ với các Chương trình, Kế hoạch của UBND TP Hà Nội và huyện như: Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch số 251/2022/KH-UBND của UBND TP Hà Nôịhưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đến năm 2025; UBND Huyện cũng xây dựng và tập trung thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 – 2025...

Trên địa bàn huyện Đông Anh không còn hộ nghèo. Các hộ cận nghèo được hỗ trợ đầy đủ theo đúng chính sách của Nhà nước.

Năm 2023, huyện Đông Anh đã hoàn thành hồ sơ đề xuất thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận, được HĐND TP Hà Nội thông qua. Hoàn thành hồ sơ trình công nhận huyện đạt Chuẩn Nông thôn mới nâng cao, với tổng số 20 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.

“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả các tổ chức nhận ủy thác vay vốn, tổ tiết kiệm vay vốn của các đoàn thể, tổ chức xã hội hướng dẫn lập phương án sản xuất, kinh doanh, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay dành cho hộ cận nghèo. Chủ động, khuyến khích tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, sản phẩm làng tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Đồng thời, tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, là một trong những giải pháp để giảm nghèo bền vững“ – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết thêm.

Doãn Thành

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-anh-tap-trung-trien-khai-nhieu-giai-phap-giam-ngheo-ben-vung.html