Dọn nhà, học nói cảm ơn và những bài tập Tết độc lạ

Không phải những bài tập Văn, Toán truyền thống, năm nay, nhiều giáo viên tâm lý, sáng tạo, gửi đến học trò những bài tập Tết 'kiểu mới'.

 Cô Hồng Hà lên ý tưởng về nhiệm vụ Tết cho học trò từ trước đó một tháng. Ảnh: NVCC.

Cô Hồng Hà lên ý tưởng về nhiệm vụ Tết cho học trò từ trước đó một tháng. Ảnh: NVCC.

Sáng 5/2, cô Nguyễn Thị Hồng Hà (giáo viên trường Tiểu học Đại Yên, Hà Nội) lên lớp với phiếu bài tập Tết trên tay.

Nghe cô giáo thông báo sẽ có bài tập trong kỳ nghỉ lễ này, gương mặt nhiều học sinh ỉu xìu. Thế nhưng, khi nhận được phiếu bài tập đặc biệt từ cô, các em lại tỏ ra háo hức, thích thú.

"Không có bài tập nào nặng về kiến thức, tất cả đều đều liên quan đến giá trị nhân văn, kết nối với văn hóa truyền thống, phát triển kỹ năng toàn diện, gắn kết gia đình - đó là quan điểm của tôi khi giao bài tập Tết cho học sinh", cô Hồng Hà chia sẻ.

 Phiếu nhiệm vụ Tết của cô Hồng Hà. Ảnh: NVCC.

Phiếu nhiệm vụ Tết của cô Hồng Hà. Ảnh: NVCC.

Bài tập Tết độc lạ

Trao đổi với Tri thức - Znews, cô Hồng Hà cho hay năm nay, ngoài giao nhiệm vụ dọn dẹp góc học tập, phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, cô Hà còn khơi gợi văn hóa Tết, văn hóa ứng xử cho học trò như ghi lại một số món ăn ngày Tết, gửi lời chúc đến người thân, thầy cô, bạn bè, gửi lời cảm ơn khi nhận được lì xì.

Cô Hà cũng không quên "thiết kế" góc chia sẻ để học trò có thể ghi lại trải nghiệm và cảm xúc của bản thân trong những ngày nghỉ lễ.

"Trước khi nghỉ Tết, các con sẽ được nhận một phiếu giao nhiệm vụ. Khi thực hiện được một nhiệm vụ nào đó, bố mẹ hoặc các con sẽ tự tích dấu để ghi nhận. Tôi hy vọng các con sẽ gắn kết hơn với bố mẹ, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ - những thứ đang dần biến mất khi phụ huynh bận rộn với công việc thường ngày", cô Hà chia sẻ.

Tương tự, năm nay, thầy Lương Hải Đăng (giáo viên chủ nhiệm lớp 6 tại trường Tiểu học & THCS Victoria Thăng Long, Hà Nội) cũng khiến học trò thích thú với bài tập Tết "thơ hóa". Thầy vừa đưa ra yêu cầu, nhưng cũng lại đề ra giải pháp ngay bên dưới. Những câu thơ lục bát rất dung dị, gần gũi, như một lời dặn dò.

"Trong bài tập Tết của mình, tôi khích lệ, hướng dẫn các con thường xuyên làm từ những việc rất nhỏ như gấp quần áo, nấu ăn, quét nhà, rửa bát, tập thể dục mỗi ngày, tranh thủ từng giây phút để đọc sách…Tôi tin đây là những kỹ năng mà học trò của tôi cần", thầy Đăng chia sẻ.

Bên cạnh đó, là giáo viên chủ nhiệm nhưng cũng là giáo viên môn Ngữ văn, thầy Đăng cho biết qua bài tập Tết, thầy cũng muốn bồi dưỡng thêm cho học sinh về những nét đặc sắc, độc đáo của thơ ca Việt Nam.

 Bài tập Tết "thơ hóa" của thầy Lương Hải Đăng. Ảnh: NVCC.

Bài tập Tết "thơ hóa" của thầy Lương Hải Đăng. Ảnh: NVCC.

Đặt mình vào học trò để thấu hiểu

Thầy Đăng nhớ lại ngày đi học, ai cũng có nỗi nợ mang tên bài tập Tết. Giờ đây, trên cương vị là giáo viên, đặt mình vào học trò, thầy Đăng thấu hiểu các con sẽ có chút e ngại khi nhắc đến bài tập trong kỳ nghỉ lễ.

"'Tại sao phải làm bài tập?', 'Tại sao lại có bài tập Tết' luôn là câu hỏi khiến các em băn khoăn. Vậy nên, tôi muốn biến nỗi lo, sự băn khoăn của các em thành động lực, thành niềm vui mỗi khi được giao bài tập Tết", thầy Đăng chia sẻ.

Tám năm gắn bó với nghề giáo nhưng đã 6 năm nay, thầy Đăng không còn giao bài tập Tết theo dạng truyền thống cho học sinh. Thầy cho hay so với trước đây, tinh thần của thầy về việc giao bài tập Tết có nhiều điểm mới lạ và phù hợp với học trò.

Không chỉ chăm chăm vào việc giao bài để ôn lại kiến thức thuần túy, thầy khích lệ các trò sáng tạo theo cách của riêng mình, để các con hiểu được giá trị của các nhiệm vụ và lan tỏa những điều tích cực.

Trong khi đó, cô Hà cho hay trước Tết một tháng, cô đã bắt đầu lên ý tưởng để triển khai các nhiệm vụ Tết cho học trò, tích hợp các kiến thức liên quan. Năm nay là năm thứ 2 cô thực hiện việc này.

"Cứ sát Tết, việc giao bài tập luôn là vấn đề gây tranh cãi. Là giáo viên trẻ, tôi coi đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để đưa ra những phương dạy học và giao nhiệm vụ học tập sáng tạo đổi mới hơn. Thay vì giao bài tập nặng kiến thức với số lượng nhất định, tôi thay thế chúng bằng những phiếu nhiệm vụ", cô Hà mong muốn học trò được tận hưởng Tết trọn vẹn bên gia đình, giảm bớt áp lực học tập.

Nữ giáo viên cho hay những nhiệm vụ Tết này cũng gắn liền với chương trình giáo dục phổ thông 2018, chú trọng trang bị phẩm chất, năng lực cho học trò. Từ nhiệm vụ Tết, các em có thể học những kỹ năng cần thiết, đồng thời giáo dục về tình cảm gia đình, coi trọng giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của quê hương.

Học trò đón nhận bài tập Tết của thầy Đăng và cô Hà. Ảnh: NVCC.

Học trò đón nhận bài tập Tết của thầy Đăng và cô Hà. Ảnh: NVCC.

Học trò hào hứng, phụ huynh đồng tình

Thầy Lương Hải Đăng cho hay mỗi năm, thầy đều giao nhiệm vụ Tết theo các hình thức khác nhau, vì vậy, học sinh rất hào hứng và thích thú. Thậm chí, các em còn ngóng đợi bài tập từ thầy.

"Từ trước Tết, nhiều học sinh đã hỏi tôi về nhiệm vụ năm nay. May mắn cho tôi, học trò và phụ huynh đều hạnh phúc khi đón nhận món quà Tết này", thầy Đăng chia sẻ.

Giữa tháng 1/2024, thầy Đăng đã gửi bài tập Tết đến học trò. Từ lúc đó, mỗi ngày, thầy đều nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh, nói rằng học trò đã có những thay đổi bất ngờ mà không cần đôn đốc, nhắc nhở.

Các em nhận thấy niềm vui khi được làm bài tập Tết, được ghi nhận công sức và lan tỏa nhưng giá trị tốt đẹp.

"'Mẹ ơi, hôm nay để con nấu ăn cho nhé', 'Bố ơi, hôm nay con sẽ dọn lại phòng', 'Hôm nay, con có thể giúp đỡ bố mẹ việc gì ạ?'... Tôi hạnh phúc khi đọc những dòng chia sẻ đó", thầy Đăng tin rằng học trò sẽ không bao giờ sợ những bài tập Tết dạng này. Các em sẽ làm một cách say sưa, phấn khởi khi được động viên, khích lệ, được ghi nhận từ bố mẹ, thầy cô.

Bên cạnh đó, thầy Đăng cũng mong đợi học trò sẽ biến bài tập Tết thành thói quen, để sau này các em cũng biết cách làm những "bài tập" của cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội, biết yêu thương và sống một đời ý nghĩa.

Nhiệm vụ Tết của cô Hồng Hà cũng được học sinh đón nhận nhiệt tình. Ngay khi ở lớp, các con đã bày tỏ sự thích thú, hào hứng. Để động viên, khuyến khích học trò, cô Hà thường áp dụng khen thưởng hoặc tuyên dương những em hoàn thành mọi nhiệm vụ, có ảnh lưu lại khoảnh khắc cùng ba mẹ để làm kỷ niệm.

"Các năm trước, phụ huynh và các con đều cùng nhau hoàn thành. Tôi nhận về phản hồi tích cực, nhiều phụ huynh chia sẻ rất hài lòng khi con biết gửi lời chúc tết đến người thân, nhận lì xì bằng 2 tay, nói lời cảm ơn...", cô Hà chia sẻ.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://znews.vn/don-nha-hoc-noi-cam-on-va-nhung-bai-tap-tet-doc-la-post1458770.html