Đề xuất người cao tuổi được vay vốn tạo việc làm

Hiện nay, nhiều người cao tuổi Việt Nam không có lương hưu, họ vẫn phải đi làm để có tiền đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Trong khi đó, có không ít người cao tuổi muốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại thiếu vốn. Muốn vay vốn, họ phải nhờ qua người thân hoặc qua các tổ chức.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thiếu vốn phát triển kinh tế

Ở tuổi 68, bà Nguyễn Thị Bình (trú tại phường Thống Nhất, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) vẫn miệt mài làm việc tại cơ sở sản xuất và chế biến tinh dầu từ cây sả do bà thành lập. Mạng xã hội, máy vi tính để phục vụ cho công việc được bà Bình sử dụng một cách thành thục. Điều bà Bình trăn trở hiện nay là chưa thể mở rộng quy mô cơ sở sản xuất do khó khăn về nguồn vốn.

"Tôi đã có tuổi rồi nên việc vay vốn ngân hàng, nhất là những khoản vốn vay ưu đãi, rất khó. Những lúc cần vốn, tôi đều phải vay mượn bạn bè, người thân hoặc nhờ con cái đứng tên vay hộ", bà Bình chia sẻ.

Câu chuyện khó tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh không chỉ xảy ra với bà Bình mà còn là nỗi băn khoăn của ông Nguyễn Hữu Soại (66 tuổi, trú tại xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Ông Soại trước đây là trưởng thôn. Sau khi nghỉ công tác, thấy sức khỏe mình vẫn tốt nên ông cùng vợ bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gà thương phẩm, nuôi cá và trồng trọt. Ý tưởng của vợ chồng ông thời gian đầu bị chững lại do gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn. "Nhiều đơn vị cho rằng do tuổi tác của tôi đã cao nên không có khả năng trả nợ.

Ở tuổi 68, bà Nguyễn Thị Bình vẫn miệt mài làm việc

Ở tuổi 68, bà Nguyễn Thị Bình vẫn miệt mài làm việc

Thời gian đầu, tôi phải huy động vốn gia đình cũng như từ bạn bè chứ không thể vay được ngân hàng. Giờ đây, khi trang trại đã hoạt động ổn định, nhiều lúc tôi muốn mở rộng sản xuất nhưng lại thôi vì thiếu vốn", ông Soại chia sẻ.

Còn thiếu thông tin kết nối cung - cầu lao động cho người cao tuổi

Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đưa ra đề xuất người hết tuổi lao động nhưng muốn tiếp tục làm việc được đào tạo kỹ năng nghề, vay vốn tạo việc làm. Đây là một trong những nội dung được Bộ đưa ra trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) và đang được lấy ý kiến rộng rãi.

Theo đó, người hết tuổi lao động (hiện nam 61 tuổi, nữ 56 tuổi 4 tháng) nhưng còn khả năng và có nhu cầu làm việc thì được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; vay vốn hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm.

Người cao tuổi muốn vay vốn để tạo hoặc mở rộng việc làm phải đáp ứng nhiều tiêu chí như: Thuộc hộ nghèo; người khuyết tật hoặc người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Khi làm hồ sơ vay vốn, người vay có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trình phương án sử dụng vốn vay để tự tạo việc làm, duy trì hoặc mở rộng công việc tại địa phương và các loại giấy tờ chứng minh thuộc nhóm ưu tiên.

Tại Hội thảo "Cần đấu tranh chống chủ nghĩa tuổi tác để người cao tuổi thuận lợi khởi nghiệp" do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) phối hợp với TƯ Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức mới đây, ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch TƯ Hội Người cao tuổi Việt Nam, cho rằng cần xây dựng thêm nhiều chính sách hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp và tạo điều kiện để họ tiếp cận vốn tín dụng.

Thực tế, nhiều người lao động sau khi về hưu nhưng không chọn lối sống nghỉ ngơi mà tiếp tục khởi nghiệp, làm giàu cho gia đình. Do vậy, cần xóa bỏ định kiến khởi nghiệp chỉ dành cho thanh niên hay người trung tuổi.

Việc thực hiện hỗ trợ cho vay vốn đối với người cao tuổi còn đủ khả năng lao động giúp họ trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà còn tạo ra của cải cho xã hội, giúp người cao tuổi chủ động cuộc sống, xóa bỏ tư tưởng "là đối tượng sống phụ thuộc".

Theo ông Phan Văn Hùng, việc hỗ trợ vay vốn còn là cách tạo động lực cho người cao tuổi tích cực sáng tạo trong lao động sản xuất. Tham gia lao động giúp người cao tuổi sống khỏe hơn vì họ được rèn luyện sức khỏe, suy nghĩa tích cực, góp phần giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch TƯ Hội Người cao tuổi Việt Nam

Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch TƯ Hội Người cao tuổi Việt Nam

Trao đổi với báo chí, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho rằng, để làm tốt chính sách lao động với người cao tuổi, Việt Nam cần xây dựng nhiều nền tảng.

Bởi hiện nay, chúng ta vẫn thiếu thông tin kết nối cung - cầu lao động cho người cao tuổi, chưa có sàn giao dịch việc làm cho đối tượng này, đặc biệt chúng ta chưa có các gói hỗ trợ riêng cho người cao tuổi. Nguyên Phó cục trưởng Cục Việc làm đánh giá, hiện nay các chính sách hỗ trợ việc làm vẫn là lồng ghép với các chương trình, quy định khác.

Trong khi đó, nhiều người vẫn cho rằng, người cao tuổi khởi nghiệp là khó khả thi. Đây cũng là rào cản khiến vấn đề việc làm của người cao tuổi vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, trong đó, có hơn 5,4 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với Cách mạng, 15 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế...

Cả nước có trên 7 triệu người cao tuổi trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh; gần 734.000 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể…; đóng góp 2 triệu ngày công, hiến hơn 1 triệu m2 đất, 260 tỉ đồng thực hiện phong trào nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tỉ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo là 3,6%, cận nghèo là 11,6%, cao hơn bình quân chung cả nước.

Nguyễn Hải Phong

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/de-xuat-nguoi-cao-tuoi-duoc-vay-von-tao-viec-lam-20240517164746091.htm