Để TP HCM thật sự là nơi đáng sống: Nỗ lực xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp

Giải quyết nhanh các vấn đề kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường; làm nổi bật các nét độc đáo sống xanh; xây dựng thành phố kinh tế - tri thức, văn minh, nghĩa tình…

Bạn đọc Nguyễn Quốc Cường:

Giải quyết nhanh các vấn đề bức xúc

Để trở thành nơi đáng sống, TP HCM phải đáp ứng nhiều mục tiêu theo chuẩn quốc tế, hiện thực hóa văn minh đô thị và phát triển kinh tế bền vững.

Tuy nhiên, trước hết cần giải quyết nhanh các vấn đề bức xúc như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường; làm nổi bật các nét độc đáo sống xanh, thu hút thêm du khách.

Hiện nay giao thông công cộng đã cải thiện nhiều, xe buýt được nâng cao chất lượng dịch vụ, sắp tới metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được đưa vào khai thác là cơ hội để tổ chức lại giao thông kết nối thuận lợi hơn, giảm bớt phương tiện cá nhân.

Tạo thêm ưu thế cho xe buýt bằng cách phủ rộng mạng lưới hoạt động, có bố trí làn riêng. Khuyến khích, nhân rộng sử dụng xe buýt điện.

Cùng với đó, làm đồng bộ các giải pháp mềm, tăng cường phạt nguội các vi phạm, thu phí phương tiện vào trung tâm, nhân rộng phố đi bộ tại khu vực trung tâm, thuận lợi nhất là trưng dụng mặt đường lân cận vào buổi tối có kết nối với các nơi công cộng như thương mại, nhà ga, bến xe, bến cảng vừa giúp hình thành các phố chuyên doanh vừa tổ chức các sự kiện văn hóa càng khuyến khích người dân tiếp cận sử dụng giao thông công cộng cùng các điểm dịch vụ, mua sắm, vui chơi.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án chống ngập; nạo vét cống, mương, rạch để khơi thông dẫn dòng chảy ra không gian rộng lớn để thoát nước ra kênh rạch, sông. Rà soát lại bản đồ từng lưu vực, diện tích, dân số để tính toán chống ngập hiệu quả, tránh phát sinh điểm ngập mới.

Nơi công cộng, công viên, đất trống thì tạo thêm mảng xanh, bồn hoa, thảm cỏ vừa tạo cảnh quan vừa là nơi thấm nước. Các công trình công cộng, dịch vụ hay kinh doanh ngoài trời nên ưu tiên sử dụng vật liệu có độ hút nước cao, thấm hút nước xuống nền đất. Thiết lập khu dân cư xanh, sạch, đẹp, không ngập nước.

Chính quyền phường, xã nên chủ động vào cuộc, xử lý triệt để tình trạng xả rác bừa bãi; tổ chức thu gom rác thải điện tử, rác cồng kềnh trên địa bàn; tổ chức phân loại rác tại nguồn. Tùy khu vực nội ngoại thành, khu công nghiệp mà ban hành quy ước ứng xử với môi trường và không xả rác. Đặc biệt sử dụng công nghệ hiện đại để xử lý rác bằng cách tái chế, đối kín, tiêu hủy nhanh.

Thành phố đáng sống không thể thiếu cây xanh. Rà soát các tuyến đường, khu phố, không gian trống để trồng bổ sung cây xanh. Các dự án xây dựng mới phải buộc chủ đầu tư ưu tiên thực hiện mảng xanh. Đánh giá và chấm điểm các công trình, tòa nhà, khách sạn, khu dân cư dựa trên tác động môi trường đáp ứng cây xanh.

Khuyến khích tạo không gian xanh cho từng khu phố, cầu đường, công trình xây dựng. Có thể làm vườn trên cao, vườn hành lang, vườn đứng…

Chuyển đổi xanh phải được xem là vấn đề sống còn, bắt buộc chứ không đơn thuần là sự ưu tiên lựa chọn. Chính quyền nên sớm xây dựng kế hoạch khả thi, chính sách phù hợp để thu hút các nguồn lực tư nhân cùng tham gia.

TP HCM là nơi “đất lành chim đậu”, thay đổi nhanh chóng với sự phát triển không ngừngẢnh: Tấn Thạnh

TP HCM là nơi “đất lành chim đậu”, thay đổi nhanh chóng với sự phát triển không ngừngẢnh: Tấn Thạnh

Bạn đọc Lưu Đình Long:

4 tiêu chí xây dựng thành phố đáng sống

Thành phố kinh tế - tri thức: TP HCM là trung tâm kinh tế - giáo dục với nhiều doanh nghiệp, trường học. Chỉ tính lượng doanh nghiệp lớn và phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao cũng có thể thấy nơi đây là cơ hội rất lớn để sinh viên các ngành nghề ra trường có môi trường thi triển tài năng.

Khi thành phố có sự đầu tư giáo dục - khoa học thì sẽ có những người có năng lực cao tham gia vào việc đóng góp trí tuệ, đưa thành phố vươn mình trở thành thành phố lớn không chỉ của quốc gia, khu vực mà còn trên thế giới.

Thành phố nghĩa tình: Phát huy hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa mà nhiều năm qua, thành phố đã chăm lo rất tốt. "Uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" là bài học quan trọng, khơi lên niềm tự hào để người trẻ có lý tưởng sống đẹp, ra sức xây dựng thành phố.

Bên cạnh đó, phát huy ưu điểm của chính sách chăm lo cho người nghèo của thành phố để hỗ trợ người nghèo thoát nghèo, qua đó tăng cường chất lượng sống cho người dân và giảm thiểu tệ nạn.

Thành phố văn minh: Xử lý nghiêm tình trạng hàng rong, xe ôm chèo kéo, chặt chém khách; chăn dắt ăn xin; xả rác bừa bãi…Nâng cao ý thức người dân sẽ góp phần làm cho thành phố văn minh hơn. Từng chút một trong ứng xử nơi công cộng của mỗi công dân thành phố sẽ góp phần xây nên thành phố đáng sống.

Thành phố thân thiện: Sự nhiệt tình giúp đỡ nhau, chia sẻ với du khách về thành phố mình đang sống bằng cử chỉ, hành động, nụ cười thân thiện sẽ là hình ảnh khắc sâu trong tim mọi người.

Sự thân thiện còn đến từ môi trường xanh, sạch. Cần xanh hóa môi trường bằng những chính sách thiết thực.

Xây dựng ý thức, giữ gìn bản sắc

TP HCM là nơi "đất lành chim đậu", thay đổi nhanh chóng với sự phát triển không ngừng của cơ sở hạ tầng, năng động và đa sắc màu với sự sống chung của nhiều nét văn hóa.

Để thành phố thực sự là nơi đáng sống, cần giải quyết nhiều vấn đề.

Trước hết, xử lý tình trạng ùn tắc giao thông bằng việc xây dựng các thành phố vệ tinh. Tạo ra không gian xanh và hướng dẫn người dân biết "sống xanh".

Tuyên truyền, giáo dục thường xuyên để người dân có ý thức sử dụng hợp lý quyền tự do cá nhân, biết tuân thủ pháp luật, biết nhường nhịn lẫn nhau khi tham gia giao thông; có ý thức tự giác, không làm phiền người khác (không hát karaoke gây ồn ào, không xả rác nơi công cộng...).

Một vấn đề nữa cần chú ý là bản sắc văn hóa. TP cần hiện đại, cần hội nhập, nhưng phải giữ được nét văn hóa bản địa thể hiện trong kiến trúc đô thị, âm nhạc, ẩm thực, văn hóa ứng xử, nét sinh hoạt đời thường…

TS Lê Hồng Phước (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM)

Huỳnh Hiếu ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-tp-hcm-that-su-la-noi-dang-song-no-luc-xay-dung-thanh-pho-xanh-sach-dep-196240517213809883.htm