Đề thi Ngữ văn: Thái độ sống bình thản trước sóng gió cuộc đời

Câu nghị luận văn học đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn tỉnh Hưng Yên yêu cầu học sinh bàn về ý nghĩa của thái độ sống bình thản trước sóng gió cuộc đời.

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản:

Trời xanh và gió (Phạm Tiến Duật)

Hãy tin vào nhau, đừng nghe ai nói cả

Ta vẫn là của ta ngày tháng xa xôi

Anh vụng dại vẫn hồn nhiên vụng dại

Chỉ giữ cho riêng mình là một em thôi.

Có những trống trải giữa đời,

Thấy thiên hạ đua tài dằn dữ quá,

Ngồi giữa người quen mà như thấy lạ

Khao khát tình yêu thương chân thật nụ cười.

Muốn co về riêng mình, ta chỉ một ta thôi

Bỗng hụt hẫng ta chẳng là ta nữa,

Cuộc đời không chỉ nằm bên bờ bậu cửa

Nhân loại không chỉ là loáng thoáng ở đằng kia.

Chẳng còn ý nghĩa gì nếu không sống say mê

Đừng tẻ lạnh, đừng tị hiềm, dối trá

Dẫu đường dài có toàn nước và lửa

Thì trời xanh và gió vẫn trên đầu.

(Tác phẩm văn học được giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn học, 2017, trang 591)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ trên.

Câu 2. Chỉ ra biện pháp tu từ được thể hiện trong những dòng thơ sau:

Có những trống trải giữa đời,

Thấy thiên hạ đua tài dằn dữ quả,

Ngồi giữa người quen mà như thấy lạ

Khao khát tình yêu thương chân thật nụ cười.

Câu 3. Nêu nội dung của những dòng thơ:

Muốn co về riêng mình, ta chỉ một ta thôi

Bỗng hụt hẫng ta chẳng là ta nữa,

Cuộc đời không chỉ nằm bên bờ bậu cửa

Nhân loại không chỉ là loáng thoáng ở đằng kia.

Câu 4. Từ những suy ngẫm của tác giả về hình ảnh trời xanh và gió trong các dòng thơ Dẫu đường dài có toàn nước và lửa/Thì trời xanh và gió vẫn trên đầu, anh/chị hãy rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của thái độ sống bình thản trước sóng gió cuộc đời.

Câu 2. (5,0 điểm)

Trong tác phẩm "Người lái đò Sông Đà", nhà văn Nguyễn Tuân viết:

Tôi có bay tạt ngang qua Sông Đà mấy lần, và thấy đó cũng là thêm cho mình một góc độ nhìn một cách nhìn về con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình. Từ trên tàu bay mà nhìn xuống Sông Đà, không ai trong tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại chính là cái con sông hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà. Cũng không ai nghĩ rằng đó là con sông của câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thủy Tinh "Núi cao sông hãy còn dài – Năm năm báo oán đời đời đánh ghen". Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ sông núi, thì mỗi lúc ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống đất nước Tổ quốc bao la, càng thấy quen thuộc với từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình. Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà từ từ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về.

(Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, năm 2021, tr 190-191)

Anh/Chị hãy phân tích đoạn trích trên; từ đó, nhận xét về sự tài hoa, độc đáo ở phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Thể thơ tự do.

Câu 2. Biện pháp tu từ so sánh: Ngồi giữa người quen mà như thấy lạ. Nhấn mạnh sự lạc lỏng, trống trải của cái tôi trữ tình.

Câu 3. Cuộc sống vô cùng rộng lớn, tươi đẹp và có nhiều ý nghĩa. Con người nếu không chịu học hỏi, đối diện và trưởng thành thì sẽ dần đánh mất ý nghĩa tốt đẹp của cuộc sống.

Câu 4. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả nhưng chỉ cần chúng ta cố gắng thì những khó khăn rồi cũng sẽ qua đi. Chúng ta cần lạc quan và suy nghĩ tích cực kể cả trong những trường hợp xấu nhất.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Thái độ sống bình thản trước sóng gió: Là thái độ bình tĩnh đón nhận, không than trách, lo lắng hay sợ hãi khi gặp phải nghịch cảnh đó. Thái độ sống bình thản trước sóng gió giúp con người bình tĩnh, sáng suốt dễ dàng đưa ra những quyết định, hướng đi đúng đắn giải thoát khỏi nghịch cảnh.

Lối sống này giúp con người bình tĩnh, sáng suốt, dễ dàng đưa ra những quyết định, hướng đi đúng đắn khi gặp những khó khăn, bất trắc trong cuộc sống.

Câu 2. Vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà.

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nội dung đoạn trích và vấn đề cần nghị luận

- Góc nhìn từ trên cao (máy bay), Sông Đà mang vẻ đẹp của một mĩ nhân:

"Dây thừng ngoằn ngoèo": Nhìn từ trên cao thấy dòng sông uốn lượn ở phía dưới trở nên nhỏ bé, vô hại, hiền lành.

Điệp ngữ "tuôn dài": Nhấn mạnh, làm nổi bật về độ dài của con sông, mở ra hút tầm mắt người nhìn.

"Áng tóc trữ tình": so sánh: gây ấn tượng mạnh mẽ, làm nổi bật về sự mềm mại, uyển chuyển, bồng bềnh của mái tóc người thiếu nữ -> sông Đà mang vẻ đẹp của một mỹ nhân.

- Hài hòa với núi rừng Tây Bắc, vẻ đẹp vừa tinh khiết vừa lộng lẫy đan xen cả sự thơ mộng, huyền ảo, hấp dẫn.

- Màu nước sông biến đổi theo mùa: so sánh làm nổi bật vẻ đẹp riêng biệt, khác lạ, không trộn lẫn với những con sông khác. Sông Đà mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng, gợi cảm và nên thơ

- Phủ nhận việc con sông bị gọi là sông Đen: Niềm tự hào rất riêng, sự yêu quý dành cho con sông.

Đặc điểm của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân

- Nhà văn khám phá, phát hiện sự vật ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ: con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình.

- Nhìn con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ: Ông lái đò được miêu tả như một dũng tướng tài năng nhưng có phong thái của một nghệ sĩ tài hoa.

- Từ ngữ được sử dụng sắc sảo in đậm dấu ấn riêng.

Khái quát nội dung và nghệ thuật của đoạn trích. Khẳng định vai trò, vị trí của nhà văn Nguyễn Tuân trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-ngu-van-thai-do-song-binh-than-truoc-song-gio-cuoc-doi-179240512152519551.htm