Để hành khách quay lại bến xe

Thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tình trạng 'xe dù, bến cóc', xe hợp đồng trá hình đã tồn tại dai dẳng nhiều năm nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu.

Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả hoạt động của các bến xe, dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông cao. Hiện các bến xe lớn của TP Hà Nội đều giảm 30% số phương tiện vào bến, lượng hành khách giảm tới 50%, trong đó Bến xe Gia Lâm giảm gần 70%.

Ông Đoàn Ngọc Hùng, Công ty TNHH Văn Minh, cho biết, số lượng xe 16 chỗ hoán cải thành xe Limousine hoạt động trá hình lớn hơn rất nhiều so với xe chạy tuyến cố định, tuy nhiên quy định quản lý lại lỏng lẻo. Việc chứng minh hành vi vi phạm của xe hợp đồng trá hình không dễ và mất nhiều thời gian, phải kiểm tra trực tiếp tại các doanh nghiệp, văn phòng đại diện thì mới có thể xác định được.

Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, cũng thừa nhận, những hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chế tài xử lý chưa đảm bảo tính răn đe đã khiến nhiều doanh nghiệp tìm mọi phương thức, thủ đoạn để né tránh cơ quan chức năng, trốn tránh khi bị xử lý.

Ở một góc nhìn khác, bà Phan Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, lại cho rằng, các doanh nghiệp vận tải và hành khách chưa mặn mà vào bến xe vì nhiều điều kiện chưa đáp ứng được nhu cầu. Chẳng hạn ở Bến xe miền Đông (TPHCM), cơ sở vật chất rất hiện đại khang trang nhưng không có khách, nguyên nhân là do quy hoạch bến xe ở thời điểm này chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, nhiều bến xe không có tính kết nối cao với các loại hình phương tiện khác; nhiều xe trong bến chất lượng kém, vẫn hoạt động theo lề lối cũ. Để kéo xe khách và người dân quay lại bến, theo bà Phan Thu Hiền, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và bến xe giúp chất lượng đảm bảo, kết nối tốt. Nếu có sự vào cuộc đồng bộ, nâng chất lượng từ bến xe, đơn vị vận tải, các loại hình trung chuyển xe ôm, xe taxi… thì việc hành khách quay trở lại bến xe hoàn toàn khả thi.

Tại cuộc tọa đàm do Bộ GTVT tổ chức vào ngày 24-4, các ý kiến chuyên gia đều cho rằng, vấn đề quy hoạch bến xe, chọn vị trí bến xe và tiện nghi trong bến xe là hết sức quan trọng; cần phải giữ các bến xe ở trung tâm của các thành phố lớn. Bên cạnh đó, các bến xe nên tăng cường, hoàn thiện xây dựng hạ tầng khang trang, hiện đại hơn, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cơ chế quản lý bến xe cũng cần phải linh hoạt, năng động, giám đốc bến xe phải được tự chủ trong việc “điều binh khiển tướng”, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện công tác hậu kiểm. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng “xe dù, bến cóc”, lắp đặt camera, giám sát, xử lý mạnh tay, quyết tâm dẹp bằng được tình trạng này; và chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc trách nhiệm hơn.

MINH DUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-hanh-khach-quay-lai-ben-xe-post737149.html