Để cao tốc đúng nghĩa là cao tốc

Ngành giao thông nhận được một cú hích quan trọng vào những ngày đầu năm khi Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định 2024 sẽ là năm tăng tốc xây dựng các công trình giao thông với tổng mức đầu tư lên đến 422.000 tỉ đồng. Nhờ vào quyết tâm này cũng như việc phân bổ vốn đầu tư kịp thời, các công trình giao thông trọng điểm ở nước ta sẽ gấp rút triển khai, vừa để hoàn thiện hệ thống giao thông của cả nước, vừa tạo động lực để nền kinh tế phát triển, giải quyết nhiều công ăn việc làm cho nhiều địa phương.

Điều mong muốn của người dân là song song với việc triển khai các dự án mới, ngành giao thông nhanh chóng đưa vào kế hoạch việc nâng cấp các dự án đã hoàn thành nhưng chưa đạt chuẩn ở nhiều khía cạnh, từ đó mới phát huy hết hiệu quả của các công trình giao thông mới. Ngay trong tháng Giêng sau Tết đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên các cao tốc mới đưa vào sử dụng, một phần vì những bất cập đã từng được phản ánh trước đó.

Chẳng hạn, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51 ki lô mét, từ khi được đưa vào khai thác từ tháng 4-2022 đến nay đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, một phần do cao tốc này có 4 làn xe nhưng chưa có làn dừng khẩn cấp. Với tốc độ mới được nâng lên thành 90 ki lô mét/giờ, giả thử có xe bị hư hỏng phải dừng ở làn bên phải để sửa chữa, các xe chạy sau khó lòng xử lý kịp, rất dễ xảy ra va chạm. Trong một năm sau khi khai thác, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có trên 7,2 triệu lượt xe đi qua, đã xảy ra hơn 2.800 sự cố, trong đó có khoảng 100 vụ ô tô va chạm nhau.

Hay như tuyến đường Cam Lộ – La Sơn được các báo gọi là cao tốc nhưng chỉ có hai làn xe, không có giải phân cách cứng nên cũng thường xảy ra tai nạn giao thông. Đúng là nhiều vụ tai nạn xảy ra do ý thức của người điều khiển xe tham gia giao thông còn quá kém nhưng một phần cũng do tuyến đường chưa đạt chuẩn như mong muốn và thực tế cũng đã có kế hoạch mở rộng thành bốn làn xe vào sau năm 2030. Các tuyến đường “cao tốc” nhưng chỉ có hai làn xe, không có dải phân cách cứng như tuyến Cam Lộ – La Sơn còn nhiều, như tuyến La Sơn – Túy Loan; Nội Bài – Lào Cai; Yên Bái – Lào Cai…

Ngoài ra, còn có những tuyến đường như hai đoạn cao tốc từ Vĩnh Hảo đến Dầu Giây dài 200 ki lô mét nhưng không có trạm dừng nghỉ, buộc người dân phải dùng các điểm dừng khẩn cấp để nghỉ ngơi, đi vệ sinh bất đắc dĩ. Đoạn 100 ki lô mét Vĩnh Hảo – Phan Thiết chỉ có hai làn nên mỗi khi xe bị sự cố là rất nguy hiểm, tương tự như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Thiết nghĩ ngành giao thông phải đề xuất sao cho trong tổng vốn đầu tư cho các công trình giao thông có một tỷ lệ nhất định dành cho việc nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường dù đã hoàn tất nhưng nay bộc lộ các khiếm khuyết như nói ở trên. Trước mắt, cần chấm dứt việc đầu tư vào các tuyến đường chỉ có hai làn xe như tuyến Cam Lộ – La Sơn để hạn chế rủi ro sau khi đưa vào sử dụng; chẳng thà chúng ta làm chậm một chút nhưng an toàn. Với các dự án cần nâng cấp, không thể chờ đến sau năm 2030 mà ngay từ bây giờ cần sớm có kế hoạch mở rộng thêm làn, làm dải phân cách, xây trạm dừng chân…

Hệ thống giao thông ở nước ta đang ngày càng hoàn thiện nhờ những khoản đầu tư công rất lớn rót vào đây. Thế nhưng sự hoàn thiện đó không nên tính bằng số ki lô mét cao tốc làm được mà nên tính bằng hiệu quả giao thông các cao tốc mới đem lại, kể cả sự an toàn của người dân.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-cao-toc-dung-nghia-la-cao-toc/