Đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn

Bắt tay với nhiều 'ông lớn' công nghệ đào tạo kỹ sư ngành bán dẫn, Việt Nam kỳ vọng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và dần trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới

Ngày 3-5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã phối hợp với Công ty Samsung Việt Nam tổ chức khai giảng chương trình phát triển nhân tài công nghệ, nhằm đào tạo các lĩnh vực về trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và internet vạn vật (IoT) cho sinh viên đến từ các trường đại học trong nước.

Tiến cùng thế giới

Công nghiệp bán dẫn được xác định là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Từ năm 2001 đến 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm. Doanh thu của ngành này tính đến năm 2023 đạt gần 600 tỉ USD và được kỳ vọng đạt 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc lạc quan cho rằng Việt Nam đã chủ động trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.

Theo bà Ngọc, Bộ KH-ĐT đã trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời đề xuất Chính phủ thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù; hình thành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với hàng ngàn chuyên gia, trí thức về khoa học - công nghệ trên toàn cầu. "Bộ KH-ĐT luôn xác định nguồn nhân lực chính là yếu tố đặc biệt quan trọng và cần đầu tư bài bản để phát triển lâu dài, hiệu quả. Đây cũng là tinh thần triển khai chủ trương của Nghị quyết Đại hội XIII về nguồn lực con người" - bà Ngọc nêu rõ.

Với đề án đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn, trong đó dự kiến có khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế và 35.000 kỹ sư cho các công đoạn còn lại của ngành công nghiệp bán dẫn, thời gian vừa qua, Bộ KH-ĐT đã thực hiện nhiều chương trình phát triển nguồn nhân lực như chương trình nhân tài số hợp tác với Google; chương trình thách thức đổi mới sáng tạo hợp tác với Meta; chương trình đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn hợp tác với Synopsys, Cadence, Siemens, Đại học Bang Arizona...

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho hay các doanh nghiệp công nghệ cao trên toàn thế giới đang cạnh tranh tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, do đó nhu cầu về nhân tài công nghệ cao cũng gia tăng đột biến, mang lại những cơ hội lớn cho nhiều bạn trẻ Việt Nam. Ông Choi Joo Ho nhấn mạnh đến cam kết của Samsung, sẽ nỗ lực để có thể đóng góp vào việc giải quyết vấn đề đào tạo nhân tài công nghệ của Việt Nam.

Các đại biểu tham quan một lớp học về phát triển nhân tài công nghệ tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia

Hướng đi chiến lược

Với việc hợp tác với Công ty Samsung Việt Nam khai giảng chương trình phát triển nhân tài công nghệ, Bộ KH-ĐT kỳ vọng đây là bước đi phù hợp với xu thế phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam trong những năm tới. Việc này cũng sẽ góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và dần trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị Samsung và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tăng thêm số lượng học viên và mở rộng thêm các chủ đề đào tạo, không chỉ trong lĩnh vực AI, Big Data và IoT mà còn trong các lĩnh vực như sản xuất thông minh, an ninh mạng…

GS-TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, đánh giá cao việc hợp tác đào tạo này, kỳ vọng chương trình sẽ góp phần đào tạo nhiều sinh viên chất lượng cao, phục vụ cho ngành bán dẫn nói riêng và lĩnh vực công nghệ nói chung như mục tiêu đề ra. Theo GS-TSKH Vũ Hoàng Linh, cần có thêm nhiều chương trình theo mô hình Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp để đào tạo sinh viên cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Chia sẻ thêm về tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cho rằng Việt Nam đang có lợi thế lớn cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành kỹ thuật - công nghệ. Tuy nhiên, việc tập trung đào tạo kỹ sư trong ngành bán dẫn chưa được chú trọng, nên tạo ra khoảng cách lớn giữa nguồn cung và nhu cầu trong ngành. "Do đó, việc tập trung đầu tư vào đào tạo kỹ sư bán dẫn là một hướng đi chiến lược nhằm tận dụng tốt nội lực trong nước để làm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm điện tử trong nước và góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển" - ông Huy nêu rõ.

Nhiều bộ, ngành cùng tham gia

Để đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Vũ Quốc Huy cho biết Bộ KH-ĐT đang phối hợp với bộ, ngành liên quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng một số trường đại học hàng đầu của Việt Nam và ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, một số khu công nghệ cao, khu công nghiệp... triển khai đào tạo giảng viên, đào tạo sinh viên, đào tạo sau đại học, đào tạo ngắn hạn, chuyển tiếp. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cũng mong muốn ngày càng có nhiều tổ chức, doanh nghiệp cùng "bắt tay" đào tạo nhân lực chất lượng cao này.

Bài và ảnh: MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dao-tao-50000-ky-su-ban-dan-196240503210943284.htm