Cử tri Hà Nội kiến nghị triển khai chặt chẽ việc sắp xếp đơn vị hành chính

Cử tri kiến nghị về các vấn đề đang đặt ra trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, đề nghị đảng, nhà nước triển khai từng bước chặt chẽ trong sắp xếp cán bộ, trong quản lý tài sản công.

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội, chiều nay 4/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng tiếp xúc với cử tri thành phố. Các nội dung được cử tri đề nghị chủ yếu là vấn đề phân cấp phân quyền trong Luật Thủ đô sửa đổi để thành phố phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn.

Đại điện đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã thông tin tới cử tri về kỳ họp Quốc hội sắp diễn ra với 24 nội dung thuộc công tác lập pháp và 16 nội dung về công tác xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát các vấn đề quan trọng khác. Trong đó có xem xét thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, 10/11 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến.

Cử tri Thủ đô bày tỏ nhất trí cao với chương trình làm việc và mong muốn kỳ họp Quốc hội hoàn thành toàn diện các nội dung đề ra. Cử tri bày tỏ thời gian qua dù có nhiều khó khăn do tình hình thế giới tác động nhưng công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt, giữ vững tăng trưởng kinh tế, giữ vững môi trường hòa bình.. Cử tri cũng kiến nghị về các vấn đề đang đặt ra trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, đề nghị đảng, nhà nước triển khai từng bước chặt chẽ trong sắp xếp cán bộ, trong quản lý tài sản công không để bị thất thoát, đồng thời mong muốn Quốc hội xem xét thông qua Luật Thủ đô sửa đổi để tạo bứt phá cho Hà Nội.

Cử tri Hà Nội nêu ý kiến

Bên cạnh đó cử tri cũng kiến nghị một số nội dung còn tồn tại về bạo lực học đường và mong muốn về công cuộc phòng chống tham nhũng:

“ Đặt ra yêu cầu Thủ đô ta phải là Thủ đô kết nối toàn cầu, có sức sống và chất lượng cao, kinh tế xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hoàn hảo, tiêu biểu cho cả nước. Có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước trong khu vực, trên thế giới. Để đạt được mục tiêu này thì việc hoàn thiện thể chế và đặc biệt là việc sửa Luật Thủ đô là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay và cũng là cơ hội để Thủ đô chúng ta bứt phá và phát triển.”

- “Cử tri kiến nghị với Quốc hội, Bộ Giáo dục nghiên cứu, quan tâm nâng cao chất lượng môi trường giáo dục, văn hóa, kỹ năng ứng xử cho các đối tượng, từ đó giảm dần bạo lực học đường. Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm của gia đình trong việc làm gương tốt và dạy dỗ con em mình.”

- “Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục làm quyết liệt phòng ngừa từ sớm, từ xa. Cử tri mong rằng Đảng, Nhà nước cần nâng cao chất lượng kiểm soát quyền lực như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.”

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri

Lắng nghe ý kiến cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị tổ thư ký tổng hợp đầy đủ để báo cáo với các cơ quan của Quốc hội, báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương theo thẩm quyền. Giải trình thêm về một số nội dung kiến nghị của cử tri, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết: Luật Thủ đô sửa đổi lần này thành phố đã đề xuất nhiều nội dung trong đó chủ yếu là xin cơ chế phân cấp, tăng quyền cho thành phố.

“Luật Thủ đô kỳ này rất là nhiều chế tài trên tất cả các lĩnh vực mà chủ yếu là phân cấp, tăng quyền cho thành phố, không phải chỉ là luật mang tính luật khung như là luật 2012. Cho nên là những các nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội cho cơ chế đặc thù của các tỉnh, thành phố trong cả nước, đều được nghiên cứu, tổng hợp và gần như giao toàn quyền, và một số nghị quyết khác của Quốc hội mà có tính đặc thù cao, đều được tập hợp, nghiên cứu và đưa vào cái luật kỳ này. Có nghĩa là chủ yếu là xin cơ chế chính sách, tinh thần chung cũng không xin tiền.”- ông Đinh Tiến Dũng cho hay.

Nguyên Nhung/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/cu-tri-ha-noi-kien-nghi-trien-khai-chat-che-viec-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-post1093179.vov