'Con đường văn sĩ' đầy trăn trở của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Nhân kỷ niệm 112 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (6/5/1912 - 6/5/2024), NXB Kim Đồng có buổi giao lưu và ra mắt sách 'Con đường văn sĩ' - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ năm 1938 đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với "mộng văn chương" đã từ một "công chức sở Tây" sớm tham gia các phong trào yêu nước, trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Hội Văn hóa Cứu quốc, là đại biểu Quốc hội khóa I (1946), thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, là người sáng lập - Giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng.

Cuốn sách "Con đường văn sĩ" do ông Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng biên soạn. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Huy Thắng, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu viết nhật ký từ năm 1930, khi 18 tuổi, nhưng phải đến năm 1938 nhật ký Nguyễn Huy Tưởng mới thực sự trở thành những trang viết thường xuyên, liên tục, được duy trì gần như một thói quen hằng ngày.

Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thời trẻ (năm 1936) được nhóm họa sĩ của tổ chức “Trái tim người lính” phục dựng thành ảnh màu.

Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thời trẻ (năm 1936) được nhóm họa sĩ của tổ chức “Trái tim người lính” phục dựng thành ảnh màu.

Chàng thanh niên Nguyễn Huy Tưởng ngày đó là một người có lý tưởng, có nội tâm phong phú nên tâm niệm việc viết nhật ký một cách chân thật về cuộc đời mình, đồng thời là một biện pháp để ông trau dồi ngòi bút. Cuốn sách "Con đường văn sĩ" được biên soạn gồm 3 phần, giữa phần 1 và phần 2 là "Một thiên ký sự" những trang nhật ký về một tháng tân hôn đặc sắc của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với người vợ, người bạn đời Trịnh Thị Uyên mà ông rất mực yêu thương, trân trọng.

Trong suốt những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết khao khát cống hiến nhưng cũng đầy băn khoăn tìm con đường đi cho mình, Nguyễn Huy Tưởng đã chọn nhật ký là nơi vừa giãi bày, vừa luyện viết. Là những trang viết riêng tư, song nó đã cho độc giả thấy rõ nét "Con đường văn sĩ" mà nhà văn lớn sau này phải đi qua. Nguyễn Huy Tưởng đã tốt nghiệp bậc Thành chung và thi đỗ vào làm thư ký ở nhà Đoan (Sở Thuế quan) Hà Nội, nhưng vẫn luôn bị "con ma văn chương ám ảnh". Từ một công chức sở Tây, Nguyễn Huy Tưởng đã xác định dứt khoát với con đường trở thành văn sĩ, thể hiện quyết tâm theo đuổi đến cùng để trở thành nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà hoạt động cách mạng sau này...

Có thể thấy, con đường nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đến với văn chương không hề dễ dàng, mà nhà văn luôn phải trăn trở, vật lộn với chính mình để tìm đường đi, thử nghiệm, dấn thân qua nhiều thể loại như thơ, tiểu thuyết lãng mạn, tiểu thuyết lịch sử, kịch trước khi định hình được phong cách, sở trường của riêng mình.

Ông cũng từng háo hức làm thơ, từng có thơ đăng trên Tạp chí Nam Phong khi mới ngoài 20 tuổi, từng muốn bàn với vợ bán vòng vàng để có tiền in tập thơ "Nhất điểm linh đài". Nhưng rồi ông cũng đã nhận ra rằng, thơ không phải sở trường của mình: "Ngồi nói chuyện với cháu Sa, thấy rằng mình không có tài làm thơ. Chi bằng viết văn xuôi, viết tiểu thuyết. Đi con đường của mình vậy" (nhật ký ngày 18/11/1940).

Nhưng, theo những dòng nhật ký mà ông để lại, đến giữa năm 1942 nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vẫn còn vương vấn với thơ: "Làm bài thơ về Lê Lợi, thấy kém. Buồn man mác. Thơ của mình không có cái gì mới mẻ cả. Nhưng, cũng vì bài thơ không hợp ý ấy nên nhất định viết kịch "Vũ Như Tô" (nhật ký ngày 22/5/1942).

Trong những năm tháng đầy trăn trở và loay hoay tìm con đường đi cho mình ấy, nhiều lần Nguyễn Huy Tưởng coi "văn chương chính là kẻ thù của ta vậy", nhưng ông vẫn quyết tâm, không ngừng tìm kiếm, khám phá, trải nghiệm bản thân. Trong nhật ký ngày 24/4/1938, ông viết: "Văn chương! Văn chương mãnh liệt đã tranh đoạt lại kẻ tù nhân đang trốn chạy. Tôi hơi sợ vì tôi thấy tôi không có chút tài văn chương nào, mà tôi chỉ mơ tưởng làm những sự nghiệp văn chương to tát. Bấy lâu, bao nhiêu những lý tưởng thiết thực của tôi đều bị lý tưởng văn chương đánh đổ và thành bị bỏ dở. Văn chương, phải chăng ngươi là người bạn không rời của ta, quyết bắt ta đem ngòi bút mà ca tụng cái hay, cái đẹp? Văn chương, ngươi phải chăng là lý tưởng tuyệt đích của ta? Văn chương, hay ngươi chỉ là sức mạnh phá hoại công trình của ta, là một bà tiên nham hiểm và độc ác quyến rũ ta và làm cho ta xa cách cuộc đời thực tế?...".

Nhờ những suy tư, trăn trở đến dằn vặt ấy của Nguyễn Huy Tưởng trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và hoài bão đó, mà văn học - kịch nghệ Việt Nam đã có thêm một tên tuổi rực rỡ. Chỉ trong 20 năm sáng tác, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã cho ra đời 6 vở kịch, 5 tiểu thuyết và trên 10 tác phẩm viết cho thiếu nhi, đã đoạt nhiều giải thưởng, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1, năm 1996) và kho tàng văn học Việt Nam hiện đại mới có được những tác phẩm để đời như các vở kịch: "Vũ Như Tô", "Cột đồng Mã Viện", "Bắc Sơn", "Những người ở lại", "Lũy hoa"; các tiểu thuyết: "Đêm hội Long Trì", "An Tư công chúa", "Sống mãi với Thủ đô" và nhiều tập truyện lịch sử dành cho thiếu nhi như "Kể chuyện Quang Trung", "An Dương Vương xây thành ốc", "Lá cờ thêu sáu chữ vàng"...

Ông Nguyễn Huy Thắng (bên trái) chia sẻ về cha trong buổi ra mắt cuốn “Con đường văn sĩ” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Ông Nguyễn Huy Thắng (bên trái) chia sẻ về cha trong buổi ra mắt cuốn “Con đường văn sĩ” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Cảm động trước "Con đường văn sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ cho rằng: "Ở nhiều tác giả, việc viết tự truyện hay hồi ký thường được thực hiện khi tuổi đã xế chiều, vì thế có những sự mờ nhạt nhất định. Nhưng, ở cuốn nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng luôn có sự tươi mới khi chúng ta biết được đây là những dòng văn ông viết rất chân thực hằng ngày. Nhờ đó, bạn đọc cũng có thể rút ra những chiêm nghiệm của riêng mình khi suy ngẫm, so sánh với những gì đã biết trong thực tế về lịch sử, về xã hội và về cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tác của nhà văn...".

Cũng qua nhật ký Nguyễn Huy Tưởng chúng ta biết được rằng ông bắt đầu tham gia truyền bá quốc ngữ từ giữa năm 1938, với những việc như phát sách, bút cho học trò, viết vào vở những chữ cái mẫu cho chúng tập tô và không quên ghi lại không khí của những ngày tháng đó dưới đôi mắt quan sát, ghi nhận của một nhà văn...

Ông cũng thường xuyên chia sẻ chuyện văn chương với bạn bè, từ ý tưởng một tác phẩm dự kiến đến việc nhờ bạn đọc tập bản thảo đã hoàn thành để cho ý kiến như trường hợp vở kịch đầu tay "Vũ Như Tô", đã được tác giả sửa chữa nhiều lần sau khi được một số bạn bè như Nguyễn Trọng Hoàn, Như Phong... cho ý kiến góp ý. Nhật ký ngày 15/3/1945, ông viết: "Gặp Nam Cao hôm 13. Mở cặp của Nguyễn Hữu Đang thấy có "Cột đồng Mã Viện" của mình. Nói, thôi còn cần gì nữa. Xếp bút nghiên thôi! Lòng bỗng ân hận, vì chưa thành một tác phẩm gì. Dẫu sao, cũng phải nhất định đi vào con đường văn sĩ. Khơi đào mãi mãi. Chính trị xong, nhất định trở lại văn chương. Rất nhiều hy vọng...".

Đó có lẽ là dấu ấn quyết định của Nguyễn Huy Tưởng và những người bạn văn của mình "xếp bút nghiên" lên đường theo cách mạng, đóng góp sức mình vào công cuộc giải phóng đất nước. Cuốn sách còn đồng thời là những nét phác họa chân thực một thế hệ nhà văn tiền chiến, những trang sử quý giá về các hoạt động cách mạng và phong trào yêu nước sôi nổi trước Cách mạng Tháng Tám của trí thức tiểu tư sản thành thị. Đó là những người bạn văn, những người đồng chí như nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Hoàng Quý; các nhà văn - nhà thơ như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Nam Cao; nhà báo Nguyễn Hữu Đang...

Ông Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng:

"Cha xa tôi từ khi tôi mới 5 tuổi và những ký ức về ông trong tôi rất mờ mịt. Nhờ những trang nhật ký của ông mà tôi hiểu thêm được nhiều điều về ông, từ tính cách, con người, những hoài bão, mong muốn cho đến tình yêu thương mà ông dành cho mấy mẹ con tôi và luôn cảm thấy được an ủi, thấy ấm lòng về điều đó. Tôi bắt đầu đọc các trang nhật ký của cha từ khi mới khoảng 9, 10 tuổi. Khi đó, mặc dù cuốn nhật ký có những trang mang nhiều nội dung riêng tư về đời sống vợ chồng của bố mẹ tôi, nhưng mẹ tôi vẫn để cho tôi đọc mà không ngăn cản. Trong nhật ký của cha tôi, trong khi ông ghi lại cuộc đời mình với quá trình trước tác, hoạt động xã hội thì đồng thời, cũng phản ánh chính những sự kiện, phong trào mà ông là người trong cuộc... Đối với cha tôi, dường như không có gì quan trọng hơn việc viết văn...".

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/con-duong-van-si-day-tran-tro-cua-nha-van-nguyen-huy-tuong-i730559/