Cổ phiếu vừa và nhỏ bứt phá, VN-Index vượt mốc 1.250 điểm

Thị trường giao dịch tương đối tích cực khi dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Nhóm chứng khoán, thép đồng loạt tăng.

Bước sang phiên giao dịch ngày 15/5, một số cổ phiếu bluechips tăng giá tốt và góp phần kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Trong đó, đáng kể nhất là sự bứt phá của các cổ phiếu như MSN, FPT, DGC… Giao dịch trong phiên sáng diễn ra tương đối tích cực. Mỗi khi lực cung mạnh dần thì lực cầu cũng không tỏ ra yếu thế, lệnh mua được đẩy vào và giúp giữ vững mức tăng của các chỉ số. Cao điểm của thị trường diễn ra trong phiên chiều khi dòng tiền chảy mạnh vào hàng loạt cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi các cổ phiếu lớn nhường sân.

Tâm điểm trong phiên chiều là nhóm cổ phiếu chứng khoán khi ghi nhận các mã như FTS hay CTS tăng kịch trần. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền để FTS trả cổ tức năm 2023 bằng tiền và cổ phiếu. Đà tăng lan tỏa tới hàng loạt cổ phiếu chứng khoán khác như MBS tăng 3,5%, VDS tăng 3%... Các cổ phiếu chứng khoán lớn như SSI, HCM, VCI…dù mức tăng không lớn bằng nhóm dưới nhưng nhìn chung cũng khá tích cực.

Nhóm cổ phiếu thép cũng cho thấy sức mạnh ở phiên hôm nay khi HPG tăng mạnh 3,3% và là nhân tố chính giúp các cổ phiếu thép khác bứt phá. NKG tăng 1,9%, VGS tăng 4,3%, SMC tăng 2,3%... Ngoài ra, các cổ phiếu thuộc nhóm phân bón hóa chất, dệt may, công nghệ… tiếp tục có một phiên giao dịch bùng nổ.

HPG cũng chính là mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index khi đóng góp 1,42 điểm. Tiếp sau đó, FPT cũng đóng góp 1,12 điểm khi đóng cửa chốt phiên tăng 2,8%.

HPG là cổ phiếu dẫn đất đà tăng của VN-Index phiên 15/5 - Nguồn: Fireant

HPG là cổ phiếu dẫn đất đà tăng của VN-Index phiên 15/5 - Nguồn: Fireant

MSN bật tăng mạnh nhờ thông tin Masan Group nâng tầm hợp tác cùng Mitsubishi Materials và sẽ cải thiện lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn Masan. Theo đó, nhà đầu tư ngoại sẽ mua 100% H.C. Starck Holding (Germany) GmbH (HCS) từ Masan High-Tech Materials. HCS là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Masan High Tech Materials, là nhà sản xuất bột vonfram chất lượng cao. MHT đầu tư vào HCS năm 2020 với mục tiêu đưa công nghệ tinh chế và tái chế vonfram về Việt Nam. MSN giữ sắc xanh trong toàn bộ phiên giao dịch và đóng cửa ở mức 72.200 đồng/cổ phiếu, tăng 1.600 đồng/cổ phiếu.

Các mã như BID, MSN, VCB… đều nằm trong danh sách có đóng góp lớn nhất cho VN-Index. Ở chiều ngược lại, VPB, ACB hay TPB là 3 cổ phiếu hiếm hoi giảm giá trong nhóm VN30, đây cũng chính là 3 mã nằm trong top 5 tác động xấu nhất cho VN-Index. VPB giảm 0,26% ACB giảm 0,2% còn TPB giảm 0,28%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 11,11 điểm (0,89%) lên 1.254,39 điểm. Toàn sàn có 290 mã tăng, 126 mã giảm và 94 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,83 điểm (0,77%) lên 238,78 điểm. Toàn sàn có 106 mã tăng, 83 mã giảm và 46 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,48 điểm (0,52%) lên 92,1 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt hơn 640,5 triệu cổ phiếu, trị giá 15.613 tỷ đồng, tăng 41% so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 2.653 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 2.235 tỷ đồng và 702 tỷ đồng.

HPG đứng đầu danh sách về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 45 triệu đơn vị. NVL và VIX khớp lệnh lần lượt 28,3 triệu đơn vị và 27,9 triệu đơn vị.

Khối ngoại mua ròng mạnh nhờ cổ phiếu MWG - Nguồn: Fireant

Khối ngoại mua ròng mạnh nhờ cổ phiếu MWG - Nguồn: Fireant

Khối ngoại mua ròng trở lại 294 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã MWG với 272 tỷ đồng. HPG và NVL được mua ròng lần lượt 176 tỷ đồng và 79 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VHM bị bán ròng mạnh nhất với 143 tỷ đồng. CTG đứng sau với giá trị bán ròng 140 tỷ đồng.

Tùng Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-phieu-vua-va-nho-but-pha-vn-index-vuot-moc-1250-diem-d215214.html