Chuyển đổi kép nền kinh tế: 'Vừa xanh lại vừa số'

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu, tham gia rất sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sẽ đi tiên phong trong chuyển đổi kép xanh – số, đồng hành cùng các đối tác tài chính, ngân hàng về nguồn vốn thực thi chuyển đổi kép.

Trong xanh có số

Trong những năm qua, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu liên quan đến chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh. Cụ thể, lượng phát thải khí nhà kính giảm 12,9% so với kịch bản phát triển bình thường. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm trung bình 1,8%/ năm. Trong giai đoạn 2010 – 2020, tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% lên 46,9%, tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%.

Cùng với đó, nhận thức của người dân và doanh nghiệp về vai trò của tăng trưởng xanh cũng được nâng cao, tạo làn sóng về đầu tư vào phát triển xanh như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, điện rác… Điều này cũng góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp FDI tăng cường đầu tư vào các dự án năng lượng sạch tại nước ta trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trong sự phát triển của kinh tế xanh không thể vắng bóng chuyển đổi số. Chuyển đổi kép kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh được xác định là con đường phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo TS Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Bộ Khoa học và Công nghệ, “kinh tế số và kinh tế xanh đang là hai trong số những xu hướng tất yếu và là con đường để Việt Nam đột phá, hướng tới phát triển bền vững, giúp Việt Nam sớm trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045”.

Chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xanh là áp dụng những công nghệ kỹ thuật số vào quá trình phát triển kinh tế, từ đó giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái cũng như phát triển kinh tế theo hướng bền vững hơn.

Chuyển đổi số được xem như là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình “xanh hóa” của nhiều doanh nghiệp bởi số hóa giúp nâng cao năng suất, tăng khả năng xử lý thông tin, giảm chi phí bên trong và bên ngoài. Việc ứng dụng các công nghệ mới như AI, Blockchain, IoT (internet vạn vật) đã chứng minh giúp số hóa nền kinh tế không chỉ tạo ra các ngành nghề, mô hình kinh doanh mới mà còn góp phần chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, thân thiện với môi trường thông qua việc giảm chi phí, tài nguyên tiêu hao trong quá trình sản xuất, kinh doanh, ông Hoàng cho hay.

Nhiều doanh nghiệp như VinFast đã phát triển thành công nhà máy sản xuất ô tô điện sử dụng công nghệ tự động hóa, robot, mô phỏng kỹ thuật số hay Vinamilk ứng dụng công nghệ IoT, Big Data trong giám sát chất lượng. Ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đã giúp các doanh nghiệp này gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, ra quyết định nhanh hơn, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, giảm lượng phát thải, chất thải, mở rộng thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của doanh nghiệp, ông Hoàng dẫn chứng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Giải bài toán xanh và số

Không thể không phủ nhận rằng việc chuyển đổi cùng lúc sang kinh tế xanh và kinh tế số sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn, đặc biệt trong những lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, năng lượng, du lịch, dệt may, công nghiệp chế biến, chế tạo… Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển nền kinh tế “vừa số lại vừa xanh”.

Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, PGS. TS Vũ Minh Khương, giảng viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore Việt Nam, “nếu không chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng cũ sang mô hình tăng trưởng xanh thì nền kinh tế Việt Nam khó có thể cất cánh được. Khi đó, sức cạnh tranh thu hút đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam sẽ suy giảm, Việt Nam có thể mất đi những bạn hàng lớn”. Tuy vậy, ông cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trên con đường hướng đến tăng trưởng xanh, trong đó có thể kể đến những khó khăn như chưa có tư duy chiến lược và tầm nhìn đột phá, pháp lý còn phức tạp,…

“Việt Nam rất quyết tâm trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Điều này được minh chứng bằng nhiều công văn, chỉ thị được ban hành trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện cho tăng trưởng xanh vẫn còn chậm, chưa có chiến lược bài bản. Chưa kể, pháp lý của Việt Nam vẫn còn phức tạp, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang chủ động tìm kiếm con đường tăng trưởng bền vững”, PGS.TS Vũ Minh Khương chia sẻ.

Bên cạnh những khó khăn kể trên, việc chuyển đổi, phát triển kinh tế xanh dựa trên các nền tảng công nghệ của Việt Nam còn có nhiều vướng mắc, bao gồm nguồn vốn, hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực số và rủi ro an ninh mạng ngày càng gia tăng. Những yếu tố này, đặc biệt là yếu tố liên quan đến công nghệ số đã ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ sẵn sàng chuyển đổi của nhiều doanh nghiệp.

Theo TS Trần Thị Lan Hương, Đại học Kinh tế quốc dân, có nhiều giải pháp để Việt Nam có thể dẫn dắt kinh tế số và kinh tế xanh cùng song hành.

Trước hết, cần có một chương trình khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với mục đích tiết kiệm năng lượng trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp có liên quan (tiêu chuẩn hóa, giám sát và tăng cường trách nhiệm giải trình về tiêu thụ năng lượng).

Song song với đó cần khuyến khích công nghệ số và chuyển đổi số được sử dụng trong các mô hình hành vi bền vững hơn của người dân (thay đổi cách sống, vui chơi, học tập và làm việc dựa trên dữ liệu), và doanh nghiệp (chuyển đổi các chuỗi giá trị hiện có và tích hợp các quy trình và hệ thống chuyển đổi số) trên tất cả lĩnh vực của nền kinh tế.

Tiếp đến, cần có một hệ thống đánh giá chặt chẽ tác động trực tiếp, gián tiếp của các lĩnh vực tăng trưởng số trong việc hiện thực hóa phương thức tăng trưởng xanh và nỗ lực chuyển sang sang nền kinh tế cac-bon thấp.

Hiệu quả của sự song hành xanh – số được đánh giá thông qua thực tiễn là lĩnh vực công nghệ thông tin và các hoạt động kinh tế số khác vừa có khả năng sinh lời, vừa có vai trò quan trọng để cùng với các lĩnh vực khác sử dụng các giải pháp cần thiết để tạo ra một nền kinh tế và xã hội xanh.

Ngoài những giải pháp kể trên, TS Trần Thị Lan Phương còn đề xuất Chính phủ cần nâng cao nhận thức và hiểu biết một cách đúng đắn, toàn diện cả về lợi ích cũng như thách thức liên quan đến phát triển đồng thời cả nền kinh tế số lẫn kinh tế xanh. Đồng thời, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện khung pháp lý, các chính sách tài chính hỗ trợ chuyển đổi số và tăng trưởng xanh hợp lý và nhất quán.

Về phía doanh nghiệp, TS. Lê Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital, nhận định “nhiều doanh nghiệp hiểu nhiều về chuyển đổi số, nhưng với chuyển đổi kép thì mới ở giai đoạn đầu”. Đa phần doanh nghiệp Việt Nam đã có nhận thức và ý thức được về sự cần thiết phải chuyển đổi, nhưng chưa đạt mục tiêu kỳ vọng. Các doanh nghiệp chủ yếu đang ở bước số hóa, hoặc đã từng bước sử dụng các công nghệ, phần mềm mới nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra và cũng chưa tìm ra hướng để chuyển đổi song song cả xanh lẫn số.

Theo ông Cường, “để chuyển đổi song hành số và xanh, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải cần hiểu chuyển đổi kép là gì, có liên quan gì đến các doanh nghiệp không. Khi doanh nghiệp chưa hiểu bản chất của sự chuyển đổi thì sẽ không thể thực hiện được”.

“Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải dự phóng nếu không chuyển đổi kép thì sẽ bị ảnh hưởng như thế nào và nếu chuyển đổi thì sẽ phải đi theo hướng nào”, TS Lê Hùng Cường nói.

Đối với các doanh nghiệp, việc chuyển đổi càng sớm lại càng có nhiều thuận lợi. Theo ông Cường, “khi thực thi quá trình chuyển đổi kép từ đầu, doanh nghiệp có thể có kế hoạch tổng thể đi từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tránh phải làm đi làm lại, tốn kém nguồn lực cũng như bỏ lỡ cơ hội cạnh tranh”. Việc này cũng giống như xây một ngôi nhà từ mảnh đất trống sẽ có nhiều cơ hội để tối ưu từ thiết kế đến thi công so với sửa chữa một ngôi nhà.

“Việt Nam là quốc gia xuất khẩu, tham gia rất sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sẽ đi tiên phong trong chuyển đổi kép, có thể đồng hành cùng các đối tác tài chính, ngân hàng về nguồn vốn thực thi chuyển đổi kép”, ông nói.

Khánh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/chuyen-doi-kep-nen-kinh-te-vua-xanh-lai-vua-so-d110889.html