Chuyến công du châu Âu của ông Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm chính thức 3 nước châu Âu với chặng dừng đầu tiên tại Pháp từ ngày 6/5, sau đó, ông Tập Cận Bình thăm Serbia và Hungary. 3 điểm đến của nhà lãnh đạo Trung Quốc và cả thời gian của các chặng dừng chân được tính toán kỹ lưỡng và mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh căng thẳng thương mại và chiến lược hiện nay giữa Bắc Kinh với Brussels.

Xây dựng và kết nối

Tại Pháp, hôm 6/5, Chủ tịch Tập Cận Bình cùng phu nhân đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đón theo nghi lễ nhà nước long trọng nhất. Đích thân Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã đi đón lãnh đạo nhà nước Trung Quốc, sau đó là đoàn kỵ binh tháp tùng ông Tập đến Điện Elyseé, nơi ông có cuộc gặp chính thức với Tổng thống Macron cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Vào năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã mời Tổng thống Pháp uống trà đàm đạo ở Quảng Châu để đáp lại sự tiếp đón mà Tổng thống Macron dành cho khi ông đến thăm thành phố Nice trong chuyến đến Pháp trước đó. Lần này cũng vậy, ông được tiếp đón tại dãy núi Pyréneés, quê nhà của gia đình Tổng thống Macron.

Cuộc họp 3 bên Pháp - Trung Quốc - EU tại Điện Elyseé, ngày 6/5.

Cuộc họp 3 bên Pháp - Trung Quốc - EU tại Điện Elyseé, ngày 6/5.

Chủ tịch Trung Quốc cho biết chuyến công du Pháp lần này của ông gửi đi 3 thông điệp. Ông Tập hứa mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty phương Tây, nói rằng ông hiểu những vấn đề mà cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra cho châu Âu và khẳng định nguyên tắc các quốc gia tôn trọng lẫn nhau và chung sống hòa bình. Riêng về hồ sơ Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc hy vọng hòa bình và ổn định sẽ nhanh chóng trở lại châu Âu và cho biết ông có ý định hợp tác với Pháp và toàn thể cộng đồng quốc tế để tìm những con đường tốt nhằm giải quyết khủng hoảng. Ông Tập cũng khẳng định Trung Quốc không phải là nguồn cơn của cuộc khủng hoảng, không phải là bên tham chiến và cũng không can dự vào, nhưng luôn đóng vai trò "mang tính xây dựng" nhằm thúc đẩy giải pháp hòa bình cho xung đột giữa Nga và Ukraine.

Tại cuộc họp 3 bên với Tổng thống Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng tại phủ Tổng thống Pháp, sáng 6/5, ông Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc và Liên hiệp châu Âu củng cố, tăng cường sự phối hợp chiến lược và vẫn là đối tác của nhau, cho dù đôi bên có bất đồng về nhiều hồ sơ như thương mại hay chiến tranh Ukraine. Phát biểu vào đầu cuộc họp, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc và EU là hai “siêu cường trên thế giới”, nên phải “tiếp tục là đối tác, tiếp tục đối thoại và hợp tác, làm sâu rộng các mối liên hệ chiến lược”, nhằm thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh trong quan hệ Trung Quốc - Liên minh châu Âu và liên tục có những đóng góp mới cho hòa bình và sự phát triển của thế giới.

EU coi Trung Quốc là đối tác nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh và đối thủ mang tính hệ thống của khối 27 nước. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Brussels đặc biệt căng thẳng khi năm 2023, EU mở điều tra về trợ cấp của Trung Quốc cho ngành ô tô điện. Cho rằng chính sách tách rời khỏi Trung Quốc là có hại về mặt kinh tế, ông Macron ủng hộ các quy tắc công bằng cho tất cả các nước. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu đề nghị phải có sự bình đẳng trong cách tiếp cận thị trường. Trước cuộc họp 3 bên, bà Ursula von der Leyen khẳng định EU không thể chấp nhận tình trạng thương mại không lành mạnh do xe điện hoặc thép Trung Quốc tràn vào thị trường châu Âu nhờ được “trợ cấp ồ ạt” trong sản xuất.

Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, nhân chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc, nhiều hợp đồng thương mại đã được ký kết giữa hai bên, trong đó phải kể tới hợp đồng 100 triệu euro với Tập đoàn Suez, xây dựng một nhà máy tạo ra năng lượng từ bùn cống tại khoảng 50 trạm xử lý nước thải ở miền Nam Trung Quốc, hay dự án của Tập đoàn Alston với ngành xe điện ngầm Trung Quốc tại Bắc Kinh, Vũ Hán và Hợp Phì (tỉnh An Huy). Tuy nhiên, bên lề chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh hai bên cần hướng đến một ‘‘quan hệ đối tác kinh tế cân bằng và vững chắc hơn’’, điều mà theo ông Le Maire, ‘‘còn xa’’ mới đạt được, khi Pháp là bên gánh nhiều thua thiệt. Năm ngoái, Pháp nhập siêu từ Trung Quốc đến 46 tỉ euro, trên tổng số nhập siêu khoảng 300 tỉ euro của toàn EU.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Elyseé.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Elyseé.

Đối thoại 3 bên

Pháp, một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, được Trung Quốc đánh giá là có chính sách đối ngoại độc lập hơn với Mỹ, đã được Chủ tịch Trung Quốc chọn để khởi động chuyến công du châu Âu sẽ đưa ông tới Belgrade vào ngày 7/5, ngày kỷ niệm 25 năm NATO ném bom Đại sứ quán Trung Quốc. Sau đó, ông Tập Cận Bình tới Budapest, nơi gần đây đã thách thức sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine và chủ trương chấm dứt xung đột thông qua đàm phán về các điều khoản tương tự như Bắc Kinh.

Để chống lại những nỗ lực chia rẽ nội khối, Pháp tổ chức một cách có hệ thống cuộc gặp 3 bên Pháp-EU-Trung Quốc, trước khi đàm phán song phương với Bắc Kinh. Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã hội đàm trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình để “sắp xếp quan điểm của họ”. “Trung Quốc đang trông cậy vào khả năng của Pháp trong việc dẫn dắt các nước châu Âu theo một hướng nhất định”.

Abigael Vasselier, Giám đốc chính trị và các vấn đề châu Âu, giải thích: “Người Trung Quốc đang hy vọng có mối quan hệ tốt đẹp với châu Âu, bởi vì họ cần một mối quan hệ ổn định với EU trước cuộc bầu cử ở Mỹ”. Đối với bà Vasselier, “ông Tập Cận Bình có ý định đưa quan hệ Trung Quốc-châu Âu trở lại quỹ đạo đúng đắn, đồng thời cho thấy những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cố gắng điều chỉnh những biến dạng của thị trường”. Châu Âu lo lắng cho sự sống còn của ngành công nghiệp nước này trong mối quan hệ mất cân bằng với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong khi Trung Quốc đánh đồng cuộc điều tra chống bán phá giá của châu Âu đối với ô tô điện là chủ nghĩa bảo hộ”.

Cuộc đối thoại tương tự liên quan đến các vấn đề chiến lược. Trung Quốc muốn châu Âu tránh xa Mỹ. Liên minh châu Âu muốn Bắc Kinh thuyết phục đồng minh Nga dừng cuộc chiến Ukraine. Kết quả là, “trong trung hạn, chúng ta sẽ chứng kiến mối quan hệ Trung Quốc-EU dần xấu đi”, Abigael Vasselier tiếp tục. “Bắc Kinh không đáp lại lời kêu gọi từ người châu Âu yêu cầu họ giải quyết tình trạng dư thừa công suất và sự ủng hộ ngày càng tăng đối với Nga”. Trước chuyến thăm của người đồng cấp Trung Quốc, Tổng thống Pháp bày tỏ quan ngại trên tờ The Economist về “khoảng cách công nghiệp đáng báo động khi châu Âu tụt lại phía sau Mỹ và Trung Quốc”. Tổng thống Pháp cảnh báo châu Âu phải phản ứng ngay lập tức, nếu không có thể sẽ không bao giờ bắt kịp. Để làm được điều này, việc thiết lập mối quan hệ với Bắc Kinh là cần thiết.

Đối tác “cửa ngõ”...

Điểm đến tiếp theo của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm châu Âu là Serbia và Hungary. Đây là hai quốc gia “cửa ngõ” của Trung Quốc khi xâm nhập châu Âu. Ngày 7/5, ông Tập Cận Bình được chào đón nồng nhiệt tại Belgrade như “một người bạn của Serbia”. Thời điểm của chuyến công du chính thức không phải được chọn ngẫu nhiên. Cách đây đúng 25 năm, vào ngày 7/5/1999, một máy bay của NATO oanh kích Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, khiến 3 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Dù là “do sai lầm” hay cố tình, thảm kịch này vẫn là một chấn thương lớn đối với Bắc Kinh. Chủ tịch Tập Cận Bình khánh thành Trung tâm Khổng Tử rộng lớn được xây dựng ngay trên nền đại sứ quán cũ.

Ngoài ý nghĩa biểu tượng, Serbia còn giữ một vị trí trọng tâm trong chiến lược của Trung Quốc để thâm nhập thị trường châu Âu. Sau khi đã nắm giữ các nhà máy thép ở Smederevo và các mỏ đồng ở Bor, Bắc Kinh hiện là đối tác kinh tế lớn thứ hai của Serbia, chỉ đứng sau Đức. Hơn nữa, hai nước không chỉ “tâm đầu ý hợp” trong lĩnh vực kinh tế. Về vấn đề không công nhận Kosovo, chính quyền Belgrade có thể trông cậy vào sự ủng hộ của Bắc Kinh tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chưa bao giờ hình ảnh Trung Quốc lại tốt đẹp như vậy trong công luận Serbia.

Nhà chính trị học người Áo Florent Marciacq, chuyên về khu vực Tây Balkan và các ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc, trong bài viết ‘‘Trung Quốc tại vùng Tây Balkan: ảnh hưởng và các vấn đề chiến lược’’ (trang của Viện tư vấn Fondation Jean Jaurès), nhấn mạnh đến việc ‘‘tự thân vùng Tây Balkan không phải là ưu tiên chiến lược của Trung Quốc’’, nhưng khu vực này trở thành chiến lược, do vị trí nằm sát Liên minh châu Âu, đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc. ‘‘Thâm nhập thị trường quan trọng này’’ là mục tiêu số 1 mà Trung Quốc nhắm đến trong chính sách với Tây Balkan.

Dự án Con đường Tơ lụa mới được coi là trụ cột trong chính sách mở rộng ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu của Trung Quốc. Kể từ 2012, khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, nhằm thúc đẩy Con đường Tơ lụa mới với châu Âu, Bắc Kinh khởi động ‘‘sáng kiến 17+1’’, tức cơ chế đối tác giữa Trung Quốc và 17 nước châu Âu, bao gồm 12 thành viên Liên minh châu Âu và 6 nước Tây Balkan, Albani, Bosnia-Herzegovina, Bắc Macedonia, Montenegro và Serbia (tức bao gồm toàn bộ các nước Tây Balkan, ngoài Kosovo, mà Trung Quốc không công nhận). Khu vực Tây Balkan không nằm trong chính sách riêng của Bắc Kinh, mà là một bộ phận trong ‘‘sáng kiến 17+1’’.

Theo chuyên gia Florent Marciacq, bên cạnh cánh cửa vào thị trường EU, tính toán của Trung Quốc với khu vực Tây Balkan còn dựa trên triển vọng 6 quốc gia này có thể được kết nạp vào Liên minh châu Âu, ‘‘về lâu dài, có thể giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng’’. Củng cố ảnh hưởng với các nước Balkan, thành viên EU tương lai (cùng với một số thành viên Liên Âu), Bắc Kinh sẽ có thể ‘‘thêm bạn bớt thù’’ trong mặt trận phương Tây thân Mỹ trên quy mô toàn cầu đang hình thành, dẫn dắt thế giới về các phương diện chính trị, thương mại và công nghệ. Trong quan hệ với các nước Tây Balkan, Bắc Kinh đặc biệt tập trung đầu tư vào Serbia. Trong tổng số đầu tư cho sáng kiến 17+1 của Trung Quốc với 17 nước châu Âu, ‘‘tín dụng cho Serbia chiếm gần một phần ba’’.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tại Belgrade, Serbia, ngày 8/5.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tại Belgrade, Serbia, ngày 8/5.

...và đối tác chiến lược

Tại chặng dừng chân cuối cùng - Hungary - ông Tập Cận Bình ở thăm 3 ngày, từ ngày 8 đến 10/5, được đôi bên gọi là"chuyến thăm lịch sử". Bắc Kinh tính gì khi chọn quốc gia Đông Trung Âu là điểm đến trong chuyến công du châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và EU đang trở nên căng thẳng trong nhiều lĩnh vực thương mại, công nghệ cũng như là trong nhiều hồ sơ quốc tế lớn? Về mặt chính thức, chuyến công du Hungary của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang tính chất lịch sử và là cột mốc quan trọng trong mối quan hệ hai nước, góp phần củng cố sự lớn mạnh của Hungary, phát triển mối quan hệ kinh tế, thương mại và có thể đặt hy vọng vào sự thành công của các nỗ lực hòa bình, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hungary.

Ông Tập Cận Bình thăm Hungary theo lời mời của Tổng thống Sulyok Tamás và Thủ tướng Orbán Viktor. Sau 20 năm mới có một vị nguyên thủ quốc gia Trung Quốc công du Hungary. Theo phía Trung Quốc, những năm gần đây, Trung Quốc và Hungary đã hình thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và có thể phát triển sự hợp tác này trên các lĩnh vực ngày càng được mở rộng, trên cơ sở cùng tôn trọng con đường phát triển của nhau.

Hungary được xem là quốc gia thân Trung Quốc nhất trong khối Liên minh châu Âu, một phần của chính sách “Hướng Đông” mà nội các ông Orbán Viktor theo đuổi từ gần 15 năm nay. Trung Quốc là đối tác của Hungary trong những "dự án thế kỷ", như xây dựng tuyến đường sắt Budapest - Belgrade, là chỗ dựa chính của Hungary về vật tư y tế thời đại dịch và là yếu tố trọng yếu của Hungary trong nỗ lực trở thành cường quốc châu Âu về sản xuất bình điện. Tuy nhiên, theo các bình luận, mặc dù là đối tác lớn nhất ngoài EU của Hungary, Bắc Kinh không dừng lại ở các mục tiêu kinh tế. Kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Trung Quốc không chỉ muốn biến Hungary thành trung tâm của công nghiệp Trung Quốc tại Trung Âu, mà còn cần đến Hungary như một đồng minh đáng tin cậy, có thể góp phần phá tan thái độ lạnh nhạt, nghi hoặc cố hữu của phương Tây với Bắc Kinh.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/chuyen-cong-du-chau-au-cua-ong-tap-can-binh-i730871/