Chứng chỉ hành nghề để phân biệt người đủ tư cách dạy học và nhà giáo tự xưng

Chứng chỉ hành nghề giúp phân biệt giữa người đủ tư cách dạy học với những người không đủ tư cách dạy học nhưng tự nhận là 'nhà giáo'.

Đó là thông tin được đưa ra tại tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo do Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo, diễn ra chiều ngày 17/5.

Tham dự tọa đàm có ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó trưởng ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo; Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiến sĩ Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, thành viên thường trực ban soạn thảo.

Cùng dự tọa đàm còn có các đại biểu là thành viên của ban soạn thảo, tổ biên tập, biên soạn dự án luật nhà giáo; và sự góp mặt của 100 phóng viên, nhà báo có mặt tại Hà Nội và dự trực tuyến tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo. Ảnh: Trần Hiệp

Làm sao để luật đi vào cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của hơn 1 triệu nhà giáo

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm tới giáo dục nói chung cũng như đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - xác định đây là nhân tố quyết định tới chất lượng giáo dục. Tới nay, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, việc xây dựng Luật Nhà giáo đã được bàn từ cách đây hơn 10 năm, đến năm 2015 đã có những đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về Luật Nhà giáo. Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua (2022-2023), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã chỉ đạo đưa việc xây dựng Dự thảo Luật Nhà giáo thành một nhiệm vụ quan trọng của Bộ để tham mưu cho Chính phủ, đề nghị với Quốc hội. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức trên 100 buổi hội nghị, hội thảo, tham vấn 600.000 -700.000 ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý các cấp, các đối tượng, các chuyên gia, các nhà khoa học và xây dựng Dự thảo trình các cấp có thẩm quyền theo quy trình xây dựng văn bản pháp luật.

Ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó trưởng ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo phát biểu tại tọa đàm

Thứ trưởng thông tin, đến thời điểm này, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất rất cao với một số nội dung trong Dự thảo.

Thứ nhất, thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo, bởi hiện chúng ta có quá nhiều văn bản (hơn 200 văn bản) quy phạm pháp luật liên quan đến nhà giáo, cần được luật hóa. “Việc luật hóa này không phải là phép cộng của các văn bản đã ban hành, mà phải trở thành một bộ Luật để tác động tới đội ngũ nhà giáo”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ hai, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với quan điểm xây dựng Luật. Ngoài những nội dung bám sát quan điểm, đường đối, nguyên tắc của Đảng, Nhà nước, quy định pháp luật, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam thì có quan điểm cốt lõi là xây dựng Luật này là để phát triển đội ngũ nhà giáo.

Thứ ba, các cấp thống nhất cao với ban soạn thảo 5 chính sách được đề xuất trong Dự thảo (gồm Chính sách Định danh nhà giáo; Chính sách Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Chính sách Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Chính sách Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Chính sách Quản lý nhà nước về nhà giáo).

“Vấn đề cần xác định là nội hàm của 5 chính sách đó như thế nào, từng điều khoản ra sao để chúng ta đáp ứng được mục đích, yêu cầu, nguyên tắc là phát triển đội ngũ. Từ đó, thu hút những học sinh phổ thông sau khi tốt nghiệp mong muốn dự thi vào sư phạm và trở thành nhà giáo, sau này tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài mà Đảng và Nhà nước giao cho ngành giáo dục. Đây là mong muốn và sứ mệnh của chúng ta phải làm”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng lưu ý, Luật ban hành những vấn đề cốt lõi cơ bản nhất và sẽ cố gắng cụ thể. Tuy nhiên, sẽ còn có những văn bản dưới luật, đó là nghị định, thông tư. Do đó, chúng ta càng cần ý kiến của xã hội và lưu ý những vấn đề khi Luật được ban hành thì phải xây dựng những văn bản dưới luật ra sao, hoặc tiếp tục bổ sung những nội dung nào.

Việc lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo rộng rãi nhằm hoàn thiện bộ luật, để quá trình luật được ban hành đi vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng được mục đích, yêu cầu của ban chỉ đạo, ban soạn thảo đối với Luật Nhà giáo, đáp ứng được mong mỏi của hơn 1 triệu đội ngũ giáo viên hiện nay và lâu dài.

Do đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ mong muốn tọa đàm trao đổi với tinh thần cởi mở thẳng thắn và mang tính xây dựng.

Liêm chính học thuật được nhắc đến trong dự thảo Luật Nhà giáo

Trao đổi tại tọa đàm, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức nhấn mạnh, ngành giáo dục coi phát triển lực lượng nhà giáo là một trong những giải pháp trọng tâm, đột phá.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo. Dự án Luật Nhà giáo được Chính phủ đồng ý xây dựng, Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh đã trở thành bước đột phá và mang lại ý nghĩa động viên to lớn với hàng triệu nhà giáo trong cả nước.

Theo ông Đức, 5 chính sách đã được được thiết kế trong Dự thảo Luật Nhà giáo gồm: Chính sách 1. Định danh nhà giáo; Chính sách 2. Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Chính sách 3. Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Chính sách 4. Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Chính sách 5. Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức nêu một số điểm mới tại Dự thảo Luật Nhà giáo. Ảnh: Trần Hiệp

Trong đó, ông Vũ Minh Đức nêu 6 điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo:

Thứ nhất, định danh đầy đủ, tường minh về nhà giáo làm cơ sở đề xuất chính sách.

Luật Nhà giáo định danh đầy đủ, tường minh về nhà giáo ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trường dự bị đại học và các cơ sở giáo dục khác. Cùng với định danh nhà giáo, Luật Nhà giáo mô tả cụ thể hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, quy định chuẩn nhà giáo để sử dụng thống nhất, gắn với từng chức danh nhà giáo.

Như vậy, lần đầu tiên, việc định danh nhà giáo gắn với đặc thù nghề nghiệp được quy định một cách đầy đủ, hệ thống, làm cơ sở cho việc chuẩn hóa và đề xuất các quy định chế độ, chính sách đối với nhà giáo. Điều này vừa đảm bảo chất lượng đội ngũ nhà giáo và tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo trong công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Thứ hai, quyền và nghĩa vụ nhà giáo, những hành vi bị nghiêm cấm.

Cụ thể, ngoài những quyền chung, nhà giáo còn được chủ động trong hoạt động nghề nghiệp (ví dụ: chủ động thời lượng, chương trình, tài liệu, giáo trình, sách giáo khoa...); được nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học của cá nhân.

Đối với nghĩa vụ nhà giáo, ngoài những nghĩa vụ chung của công dân, Luật này cũng quy định một số nghĩa vụ riêng đối với nhà giáo, bởi theo ông Đức, đối tượng của nhà giáo là con người, sản phẩm của nhà giáo là nhân cách học nên yêu cầu nhà giáo phải luôn gương mẫu, giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự, đạo đức nghề nghiệp; bảo đảm liêm chính học thuật.

Về những hành vi bị cấm, bên cạnh những điều cấm đối với nhà giáo, Luật còn quy định những điều cấm đối với tổ chức, cá nhân. Trong đó, có quy định về cấm hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo; cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.

Thứ ba, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Ông Đức nhấn mạnh, đây là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo cấp cho người đạt chuẩn nhà giáo.

Phạm vi sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Mỗi nhà giáo được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề.

Tiến sĩ Vũ Minh Đức nhấn mạnh, nhà giáo đang giảng dạy (kể cả công lập và ngoài công lập) đương nhiên sẽ được cấp mà không cần qua kỳ sát hạch. Còn đối với nhà giáo mới tuyển (sau khi Luật này có hiệu lực) phải đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề.

Bên cạnh đó, nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo (nếu có nhu cầu) cũng được cấp, điều này nhằm ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp. Nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu cấp chứng chỉ cũng được xem xét cấp chứng chỉ này.

“Chứng chỉ hành nghề này nhằm nâng tầm vị thế, vai trò của nhà giáo khi nhà giáo được phân biệt với nghề khác, đặc biệt phân biệt giữa người đủ tư cách dạy học với những người không đủ tư cách dạy học nhưng tự nhận là "nhà giáo", và hiện tượng này đang rất phổ biến, nhất là trên mạng xã hội”, Tiến sĩ Vũ Minh Đức nhấn mạnh thêm mục đích của việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Tiến sĩ Vũ Minh Đức nhấn mạnh, chứng chỉ hành nghề là cơ sở phân biệt tư cách nhà giáo, đặc biệt trong bối cảnh trên mạng xã hội có không ít người không đủ tư cách dạy học nhưng tự nhận là "nhà giáo". Ảnh: Trần Hiệp

Thứ tư, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

Dự thảo Luật quy định hình thức tuyển dụng là xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo.

Về sử dụng, quản lý nhà giáo, bộ luật này quy định chung cho cả nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Trong đó, quy định một số nội dung như điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, hợp tác quốc tế, bổ nhiệm, miễn nhiệm, công nhận...

Thứ năm, đào tạo, bồi dưỡng.

Ngoài việc quy định về việc đào tạo người có nguyện vọng trở thành giáo viên thì Luật còn quy định việc đào tạo đối với người có nguyện vọng trở thành giảng viên.

Thứ sáu, chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo.

Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo ngoài công lập không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập.

Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù đó nếu đáp ứng được các quy định của chính sách và được hưởng 01 (một) chính sách có mức cao nhất.

Dự thảo luật còn quy định một số chính sách hỗ trợ nhà giáo, bao gồm nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng khám bệnh định kỳ hằng năm, nhà công vụ, hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo. Ngoài ra, khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ nhà giáo.

Thứ bảy, quản lý nhà nước về nhà giáo.

Dự thảo Luật đảm bảo sự thống nhất quản lý nhà nước về nhà giáo trong ngành giáo dục. Sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương. Đồng thời, bảo đảm quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục.

Tiến sĩ Vũ Minh Đức cũng đặt ra một số nội dung cần lấy ý kiến thêm, bao gồm chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo và việc nghiên cứu nhóm đối tượng nhân sự giáo dục khác hoạt động trong cơ sở giáo dục (nhân viên thiết bị thí nghiệm, thư viện, giáo vụ, tư vấn học sinh, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật...) có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà giáo không.

Phát huy trí tuệ toàn dân trong xây dựng Luật Nhà giáo

Buổi tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận liên quan đến các nội dung được dư luận quan tâm xung quanh dự thảo Luật Nhà giáo như vấn đề ưu tiên xếp lương nhà giáo, các nội dung liên quan đến chứng chỉ hành nghề, quản lý nhà giáo,...

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh quan điểm, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức thêm nhiều hội nghị, hội thảo và tổng hợp lại ý kiến thành những nhóm vấn đề. Trên cơ sở đó, các chuyên gia, các nhà khoa học và ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, đánh giá, phân tích và điều chỉnh, hoàn thiện Dự thảo luật, đảm bảo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và đáp ứng được mong mỏi của hơn một triệu giáo viên hiện nay, cũng như đội ngũ lâu dài.

“Tinh thần của ban soạn thảo chúng tôi xác định dự án là mới, khó thì càng phải phát huy trí tuệ của xã hội và nhân dân, của các tầng lớp để tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện một cách phù hợp”, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chung-chi-hanh-nghe-de-phan-biet-nguoi-du-tu-cach-day-hoc-va-nha-giao-tu-xung-post242824.gd