Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người liên kết các sắc thái văn hóa cho hòa bình và phát triển

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa văn hóa dân tộc Việt Nam đến với nhân loại và thời đại. Khẳng định bản sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là quan điểm biện chứng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Người đã liên kết các sắc thái văn hóa cho tương lai hòa bình và phát triển.

“Liên kết nhiều sắc thái văn hóa vào một nền văn hóa Việt Nam duy nhất”

Những giá trị bền vững tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm; là tình đoàn kết, yêu thương gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; là lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, là tính cần cù, sáng tạo trong lao động, giản dị trong lối sống, gần gũi với thiên nhiên... Tất cả đều hội tụ và tỏa sáng ở người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò, người bạn chiến đấu lâu năm của Người đã nhận xét: “Hồ Chủ tịch là người Việt Nam, Việt Nam hơn bất cứ người Việt Nam nào hết”(1). Nhưng ở người Việt Nam này luôn hiện diện thái độ trân trọng mọi giá trị văn hóa của nhân loại, không ngừng rộng mở tiếp nhận những yếu tố tích cực, tiến bộ để làm giàu thêm cho văn hóa Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946. Ảnh tư liệu

Với phương châm tìm ra những điểm tương đồng làm cơ sở để thu nhận những giá trị khác, để các dân tộc cùng chung sống hòa đồng và cùng phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm được và nhấn mạnh những mẫu số chung - là điều có thể đưa những người đối thoại xích lại gần nhau để có thể đi chung một con đường mà vẫn bảo lưu những cái khác biệt. Những điểm chung đó là những giá trị mang tính phổ quát: những nguyên tắc đạo đức, lòng nhân, tính thiện, tình yêu tự do, khát vọng độc lập dân tộc... Người cho rằng: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành ghét sự dữ”(2). Có thể nêu việc Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn một số điểm trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1791 để mở đầu cho bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 như một dẫn chứng nổi bật để minh họa.

Từ năm 1990, Tiến sĩ M. Admad, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Duơng, trong một nghiên cứu của mình đã viết: “Hồ Chí Minh - Người liên kết nhiều sắc thái văn hóa vào một nền văn hóa Việt Nam duy nhất”. Ông còn viết: “Người làm được việc này nhờ sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng những đặc điểm văn hóa khác nhau”(3).

Hiện thân của tinh thần khoan dung văn hóa

Tư duy văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn rộng mở, xa lạ với sự kỳ thị văn hóa. Ở Hồ Chí Minh luôn hiện diện một thái độ trân trọng những giá trị văn hóa nhân loại, không ngừng rộng mở để thu nhận những yếu tố tích cực tiến bộ và nhân văn, làm phong phú thêm cho nền văn hóa Việt Nam. Đây chính là Tinh thần khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh. Tinh thần khoan dung này bắt nguồn từ truyền thống nhân ái, khoan hòa, từ đặc tính mềm dẻo, năng động chấp nhận những yếu tố mới của văn hóa Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và nâng cao. Trong tư duy và trong hành động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam kiên quyết kháng chiến chống thực dân Pháp nhưng không chống lại những giá trị văn hóa của nhân dân Pháp, chống đế quốc Mỹ nhưng vẫn trân trọng những truyền thống văn hóa - cách mạng Mỹ. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh khẳng định. Nhà nghiên cứu Mỹ David Halberstam viết: “Cụ Hồ Chí Minh chẳng những đã giải phóng đất nước mình, đã thay đổi chiều hướng của chế độ thuộc địa ở châu Á lẫn châu Phi mà cụ còn làm được một điều đáng chú ý hơn: dùng tới văn hóa và tâm hồn kẻ địch để chiến thắng”(4). Hơn thế, Hồ Chí Minh là hiện thân của một nền văn hóa tương lai, một nền văn hóa của hòa bình và phát triển. “Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”(5) - đó là lời nhận xét sâu sắc và tinh tế mà chúng ta đã quen thuộc của nhà thơ Xô - viết Oxip Mandenxtam trong bài bút ký Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản - Nguyễn Ái Quốc cách đây hơn 100 năm.

Xe rước ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến vào lễ đài trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: NDO

Nhân loại ngày nay có đủ các điều kiện về kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ để xây dựng một trật tự thế giới tốt đẹp hơn. Song nhân loại cũng đang đứng trước những vấn đề toàn cầu với những thách thức lớn về suy thoái môi trường sinh thái, về nạn nghèo đói và sự bất bình đẳng, xung đột tôn giáo và sắc tộc đẫm máu vẫn hằng ngày diễn ra v.v... Lòng thù hận tăng lên ở nhiều nơi đang đòi hỏi một cách nhìn về sự chung sống hòa bình. Linh hồn của cái nhìn đó là lòng khoan dung. Sự khoan dung không giải quyết được mọi vấn đề nhưng có thể giúp chúng ta tìm được cách ứng xử theo hướng tốt đẹp hơn. Khoan dung có thể giúp chúng ta mở những con đường dẫn tới đoàn kết, hòa bình và thịnh vượng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cao đẹp của tinh thần khoan dung, nhân ái Việt Nam. Người đã kế thừa và nâng truyền thống nhân ái, khoan dung của dân tộc Việt Nam lên một tầm cao mới. Ở Người, văn hóa khoan dung luôn tỏa sáng trong tư tưởng, trong tình cảm và trong mọi hành động và tấm gương khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh được nhân loại ngưỡng mộ và tôn vinh.

Người định hướng cho văn hóa Việt Nam phát triển

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chăm lo đặc tính dân tộc trong văn hóa cũng là thể hiện khát vọng hòa bình, tình hữu nghị, tinh thần tự do của cả dân tộc Việt Nam với thế giới. Điều này góp phần làm cho các giá trị văn hóa nhân loại hòa quyện với văn hóa Việt Nam tạo nên một nền văn hóa có giá trị lịch sử, thích nghi và phát triển, chọn lọc và hấp thụ được những tinh hoa. Trên nền văn hóa dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hóa những tinh hoa của văn hóa phương Đông và phương Tây, rút ra những điều hay, những gì hợp lý, những mặt tích cực của nhiều học thuyết - cả Nho, Phật, Lão đến Giêxu, Tôn Trung Sơn, Gandhi...

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”(6). Nền văn hóa mới Việt Nam thống nhất trong đa dạng, kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa vừa sáng tạo trên nền bản sắc, góp phần làm phong phú thêm văn hóa nhân loại. Đó là sự thu hóa những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho những tinh hoa ấy trở thành những cái hay, cái tốt, cái đẹp mang “tinh thần thuần túy Việt Nam”. Đây là sự “Việt Nam hóa” chọn lọc những gì đến từ bên ngoài, biến thành những gì tự nhiên như những yếu tố nội sinh đã có của văn hóa Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người hiểu hơn ai hết những mặt còn bất cập, thiếu hụt của nền văn hóa Việt Nam khi bước dần ra khỏi “lũy tre” Việt để hòa nhập thế giới. Nền văn hóa truyền thống Việt Nam xây dựng trên nền văn minh nông nghiệp lâu đời, còn nhiều thiếu hụt, hạn chế. Trình độ khoa học kỹ thuật của chúng ta còn thấp, cách tư duy chưa hiện đại, năng suất lao động còn chưa cao, nhiều thói quen tiểu nông chưa được khắc phục...

Để khắc phục tình trạng này, việc hấp thụ những yếu tố mới, tiến bộ của văn hóa thế giới, tiếp thu những tri thức mới để làm chủ khoa học công nghệ, để tiến kịp với trình độ văn minh của nhân loại là điều quan trọng. Điều này cũng phù hợp với quy luật phát triển của văn hóa luôn có sự giao lưu, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn hóa. Đây cũng là xu hướng tất yếu của các nền văn hóa dân tộc để khẳng định những giá trị của mình, để không đánh mất mình khi hòa đồng, hội nhập, để không tụt hậu với nền văn minh nhân loại đang toàn cầu hóa từng ngày, khi thế giới đang trở thành một môi trường cộng sinh về kinh tế và văn hóa, khi sự phát triển của một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia không tách rời sự phát triển của các cộng đồng khác, của các quốc gia khác và sự phát triển của toàn thế giới. Đứng vững trên nền văn hóa dân tộc để chiếm lĩnh, thu hóa những giá trị văn hóa bên ngoài, bản lĩnh văn hóa đó của dân tộc Việt Nam càng được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa văn hóa dân tộc đến với văn hóa nhân loại và thời đại - điều này chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Khẳng định bản sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là quan điểm biện chứng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Hai nội dung này định hướng cho sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam hôm nay.

Thiên Phương

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/chu-tich-ho-chi-minh-nguoi-lien-ket-cac-sac-thai-van-hoa-cho-hoa-binh-va-phat-trien-122566.html